Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng, then chốt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù đang nắm giữ nguồn lực lớn nhưng các DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác.
“Do đó, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách trong lĩnh vực này và tồn tại trong chính các doanh nghiệp để tìm giải pháp huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến hết năm 2020, Việt Nam còn gần 500 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước). Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông, lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn, gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Trong giai đoạn vừa qua, DNNN đã đạt được một số kết quả quan trọng, như nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31-12-2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh). Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.
Các DNNN cũng đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư của DNNN chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020 (số liệu sơ bộ năm 2020).
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Năng lực đổi mới sáng tạo của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy và việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức.
Trên cơ sở chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan cho những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục nêu các bài học kinh nghiệm cũng như các nhóm giải pháp nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả của DNNN, giải pháp huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phần lớn thời gian còn lại của ngày làm việc, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng một số địa phương sẽ phát biểu tham luận, nêu những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Hanoimoi.com.vn