Cắt giảm khí thải, khôi phục hệ sinh thái là mục tiêu các quốc gia đều hướng tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường bị suy thoái. Tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Phát triển kinh tế carbon thấp và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn đã trở thành hướng đi chủ đạo trong chính sách, chiến lược của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Giảm phát thải đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong sản xuất kinh doanh. Tiêu chuẩn tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu.
Vậy tín chỉ carbon là gì?
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon.
Đây cũng là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ Carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra môi trường trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thực tế, có những ngành không thể giảm phát thải phải mua tín chỉ carbon của những ngành có thể giảm phát thải để bù trừ. Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Thị trường tín chỉ carbon là gì?
Thị trường tín chỉ carbon là hệ thống giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia; là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.
Trên thị trường carbon, có hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín chỉ carbon từ các đơn vị có lượng phát thải thấp hơn mức giới hạn.
Thị trường tín chỉ carbon xuất phát điểm từ Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu năm 1997 và được quy định cụ thể tại điều 6 Thỏa thuận Paris năm 2015. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải sẽ được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Tức là, những đơn vị nào phát thải ra carbon nhiều hơn mức quy định thì đơn vị đó phải mua tín chỉ carbon để cân bằng lại lượng phát thải này. Nguồn mua tín chỉ là từ những nơi hấp thụ được carbon như rừng, hay các khu vực xanh hóa. Việt Nam có rừng hấp thụ carbon, giữ được rừng là bán được tín chỉ carbon. Chẳng hạn, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công tín chỉ carbon rừng với tổng số 10,3 triệu tấn carbon thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD tương đương với 1.250 tỷ đồng.
Thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu. Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh… Thông qua thị trường carbon, các công ty hoặc cá nhân có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện...
Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hoá được giao dịch. Loại thứ nhất là hạn ngạch phát thải khí nhà kính: Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ngưỡng 80-100 euro/tấn, Hoa Kỳ 40 USD/tấn… Loại thứ hai là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó - sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 đô la Mỹ/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Hiện trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon là các biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia.
Lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó:
Giai đoạn đến hết năm 2027, sẽ:
Thứ nhất, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Thứ hai, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025.
Thứ tư, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
Giai đoạn từ năm 2028, sẽ:
Một là, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.
Hai là, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường các-bon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ.
Sàn giao dịch tín chỉ các-bon là trung tâm xử lý các giao dịch về mua, bán tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ: Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/02/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
2. Vũ Huy Hùng: Thị trường tín chỉ carbon: lý luận và giải pháp, https://isponre.gov.vn
2. Đỗ Hương: Nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu, https://baochinhphu.vn, 25/01/2024.
3. VH (Tổng hợp): Tín chỉ carbon và lợi ích của thị trường tín chỉ carbon, https://dangcongsan.vn, ngày 27/03/2024.
Thiên Hương