Xu hướng cải thiện rõ nét
Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau dịch Covid-19. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực gia tăng... Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của khu vực và thế giới. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải. Ảnh: AN SƠN |
Thế nhưng Việt Nam đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua từng khó khăn để phấn đấu đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Dấu ấn khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rõ nét khi tiếp tục xu hướng cải thiện, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể: Quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%. Kết quả này đã giúp GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm 2022. Mức tăng trưởng này dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. "Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Năm 2023, ngành dầu khí đạt nhiều kết quả ấn tượng, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế (Trong ảnh: Người lao động dầu khí trên giàn Sư Tử Trắng) |
Kết quả quan trọng trong năm 2023 của nước ta là lạm phát bình quân được kìm giữ ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% đặt ra. Đây là dư địa để Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2024. Đặc biệt, nếu như nông nghiệp hoàn thành vai trò trụ đỡ của nền kinh tế thì công nghiệp là lĩnh vực ghi dấu ấn phục hồi rõ nét nhất qua các quý. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp các quý năm 2023 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: -0,73%; 0,86%; 4,51% và 6,86%, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV-2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Điểm sáng của nền kinh tế còn đến từ thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giữa những khó khăn của kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn có mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 36,6 tỷ USD... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Con số này khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng nền kinh tế Việt Nam.
Đánh giá về những nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm những biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và kịp thời.
Khu cảng chế tạo của Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. |
Triển vọng phục hồi nhanh
Bước sang năm 2024, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới cũng như những hạn chế trong nội tại nền kinh tế. Nhưng năm 2024, những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, dư địa điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ lớn... Năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, mục tiêu này cho thấy sự đánh giá lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế. Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này.
Cảng quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta, đồng thời dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thăng hạng liên tục. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 46 năm 2023. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”... Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2024 tăng trưởng bình quân kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 2,9%, trong đó, Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 6%. Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh.
Phân tích rõ hơn về động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5% trên tinh thần quán triệt vững các kết luận của Trung ương Đảng cũng như trên cơ sở phân tích cụ thể những thuận lợi, khó khăn, khả năng đạt được mục tiêu năm 2024. Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9-11-2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 cũng đã nêu 12 nhóm giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để thực hiện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ. Điều đáng chú ý, trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 cơ bản rất tích cực, mặc dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Bên cạnh đó, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024, khi đều đã lấy lại được đà tăng trưởng. Với những gì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất kỳ vọng phấn đấu hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra
Nguồn QĐND