Di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tích hợp những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc để lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo nên bản sắc dân tộc đặc biệt cho văn hóa Việt Nam. Hiện nay, trên một số diễn đàn báo chí, mạng xã hội, có tình trạng diễn giải, suy đoán, phủ nhận một cách tùy tiện, vô căn cứ về văn hóa tín ngưỡng này. Vì vậy, bảo vệ giá trị văn hóa đặc sắc và ý nghĩa của văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điều cần thiết.
Thực hành tế lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: qdnd
Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, với nhiều di sản văn hóa phong phú đã được các thế hệ người Việt sáng tạo, lưu giữ và truyền thụ từ hàng nghìn năm lịch sử với những giá trị mang đậm đặc trưng dấu ấn nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Nơi đây cho thấy một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa lâu đời, chứa đựng những giá trị đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Ngày 6/12/2012, tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua Quyết định số 7.COM 11.36 công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm tự hào của tỉnh Phú Thọ và cả dân tộc Việt Nam.
Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn báo điện tử, mạng xã hội facebook..., xuất hiện tình trạng diễn giải, suy đoán, phủ nhận lịch sử về nhà nước Văn Lang, truyền thuyết 18 vị vua Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương một cách tùy tiện, không có căn cứ. Thiết nghĩ, đây là hiện tượng tiêu cực cần phải kịp thời ngăn chặn để lấy lại sự lành mạnh cho môi trường nghiên cứu học thuật lịch sử - văn hóa và niềm tin của cộng đồng về những giá trị lịch sử, di sản truyền thống lâu đời của cha ông ta. Đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, giá trị đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành Di sản văn hóa chung của cả nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng dân tộc độc đáo, trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. “Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữ quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã, đất nước”[1]. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, có lúc bị giặc ngoại xâm thống trị nhưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ người Việt Nam duy trì đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau với những giá trị quý báu không thể phủ nhận, được ghi nhận trên nhiều phương diện.
Dấu ấn đặc sắc về truyền thống đạo lý của dân tộc
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn gốc từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng tâm linh đặc biệt, có vị trí hết sức trang trọng trong đời sống tinh thần và là thành tố văn hóa đặc sắc tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong mỗi gia đình con dân nước Việt đều có bàn thờ (án thờ, gian thời) tổ tiên được đặt ở nơi tôn nghiêm và trang trọng nhất! Dưới góc độ của làng xã là thờ thành hoàng làng, trên bình diện quốc gia - đất nước - dân tộc đó là thờ Vua tổ chung của một nước - Hùng Vương. Với lòng tôn vinh và thành kính, biết ơn Quốc Tổ Vua Hùng - vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt, cộng đồng các dân tộc người Việt đã tự nguyện thờ cúng Vua Hùng, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành một tín ngưỡng tâm linh gắn bó với dân tộc từ hàng ngàn đời nay, là biểu tượng văn hóa đặc biệt, tạo dựng nên truyền thống đoàn kết, đồng bào yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức tự cường, độc lập dân tộc
Công đức của các vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng người Việt trong nước và khắp nơi trên thế giới tôn thờ, tôn vinh là biểu tượng anh hùng khai thiên lập quốc. Có thể coi đây chính là cội nguồn của truyền thống yêu nước của dân tộc Việt, hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, phát triển mạnh mẽ đến thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, tinh thần yêu nước trở thành truyền thống bất biến của dân tộc, của mọi thế hệ người Việt Nam, dù đang sinh sống ở trong nước hay nước ngoài. Đó là sự tiếp bước sự nghiệp của các vua Hùng trong kỷ nguyên mới, đúng theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"!
Giáo dục tinh thần liên kết, cố kết cộng đồng dân tộc
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng thể hiện sự liên hệ mật thiết của cộng đồng dân tộc Việt trong nghĩa “đồng bào”, gắn với truyền thuyết dân gian “Cha Rồng Mẹ Tiên” cùng hình tượng “Bọc trăm trứng” là cội nguồn chung của các dân tộc Việt Nam. Cả cộng đồng dân tộc Việt cùng tôn thờ một vị vua Tổ Hùng Vương, là biểu tượng cho lực lượng sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự trường tồn của cả dân tộc, thể hiện tinh thần liên kết, cố kết dân tộc bền vững. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sợi dây tinh thần kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ở phương diện quốc gia, thông qua Lễ Hội Đền Hùng, tinh thần liên kết cố kết cộng đồng được biểu hiện một cách sinh động nhất, đó là ngày Hội của cả dân tộc Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới quy tụ về dâng hương giỗ Tổ của dân tộc.
Giá trị của bề dày lịch sử dân tộc
Vùng đất Phú Thọ là cả một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo về thời đại lịch sử Hùng Vương với nhà nước cổ đại Văn Lang - trung tâm phát tích của người Việt cổ từ ngàn xưa. Dấu ấn của vùng đất Phú Thọ đi cùng các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ có niên đại từ Văn hóa Đông Sơn, bao gồm các truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước (sự tích "Bọc trăm trứng", "Trầu Cau", "Bánh chưng, bánh giày", truyền thuyết về "Thánh Gióng"...). Các trò chơi dân gian, các diễn xướng, các lễ hội truyền thống đều gắn kết với chủ đề dân tộc - quốc gia. Theo như cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư", niên biểu lịch sử về Hùng Vương, đã được lưu danh vào các trang sử hào hùng của dân tộc: " Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào Quốc sử Việt Nam...."[2]. Như vậy, truyền thống dân tộc tôn thờ Hùng Vương chính là một hình thức biểu hiện của nhận thức về lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc.
Mang giá trị văn hoá tâm linh sâu sắc
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản đầu tiên được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, điều đó cho thấy sự độc đáo trong nghi thức thực hành và niềm tin tín ngưỡng được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành di sản riêng có của dân tộc Việt, giá trị văn hóa này vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, dân tộc và trở thành nét độc đáo trong đa dạng văn hóa của nhân loại.
Trong thời đại ngày nay, đất nước ta đang trong công cuộc đổi mới, trên con đường hội nhập phát triển, với những thời cơ thuận lợi và nhiều thách thức, khó khăn. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều chiêu bài để chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, chúng ra sức xuyên tạc, bôi đen các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống và mối quan hệ tương tác giữa văn hóa và cộng đồng dân cư, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Do vậy, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước và cả những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực phản động. Với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” đã và sẽ được "thực hành" và "trao truyền" từ thế hệ này sang thế hệ khác với sức sống lâu bền, ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2010), Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đệ trình UNESCO, Hà Nội.
2. https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/gia-tri-ben-vung-cua-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-120481ngày 11/4/2019
Chú thích:
[1] Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2010), Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đệ trình UNESCO, Hà Nội
[2] https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/gia-tri-ben-vung-cua-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-120481ngày 11/4/2019
Lam Khê