Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người vừa là nhà báo, nhà thơ, để lại cho chúng ta những giá trị văn hóa tinh thần vô giá. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sỹ, nhưng Người nhận ra rằng, văn chương cũng có thể là vũ khí đấu tranh cách mạng. Vì vậy, Người đã dùng văn chương như một vũ khí để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của người về nước qua cột mốc 108 biên giới Việt Nam – Trung Quốc về đến Pác Bó (Xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) ngày 28/01/1941- Ảnh: TTXVN
Thơ của Bác thể hiện rõ tính truyền thống và tính hiện đại, “chất tình” và “chất thép”, như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Vần thơ của Bác vần thơ thép/Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”. Ngoài kiệt tác “Nhật ký trong tù” nổi tiếng thế giới, thơ Bác còn tỏa sáng trong nhiều thi phẩm, trong đó có nhiều bài thơ Bác viết tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, thể hiện những ân tình của Bác dành cho non nước và con người Cao Bằng cũng như của Cao Bằng đối với Bác.
Những tình cảm đó được thể hiện rõ nét qua những vần thơ được Người lấy cảm hứng sáng tác từ nơi sinh hoạt và làm việc tại Cao Bằng. Đặc biệt chính tình cảm của bà con Nhân dân Cao Bằng là chất liệu để Bác sáng tác những ý thơ vừa trữ tình, nghệ thuật nhưng đầy khí chất, cách mạng.
Sau 30 năm bôn ba hoạt động khắp năm châu, bốn biển tìm con đường cứu nước cho dân tộc, ngày 28/1/1941, Cao Bằng vinh dự, tự hào là mảnh đất được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn trở về nước. Bác trở về đúng vào mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, thiên nhiên vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Sau khi Người về nước đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng. Ngay trong tiết Xuân ấm áp của ngày đầu trở về Tổ quốc, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Bác đã có cảm hứng với cảnh vật nên làm bài thơ đầu tiên tựa đề “Pác Bó hùng vĩ”:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Bài thơ đã vẽ nên bức tranh non xanh nước biếc, cảnh vật yên bình, thanh cao. Phía dưới hang là dòng suối nguồn trong vắt, nước chảy quanh năm, Bác đặt tên là suối Lênin, phía trên hang là núi cao hùng vĩ, Bác đặt tên núi Các Mác. Cảnh tượng thật nên thơ, thiên nhiên hòa quyện với lý tưởng của Người, mà ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng. Qua đó thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác- Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Sinh sống và hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, Bác luôn giản dị trong bộ áo chàm của đồng bào Nùng, “Già Thu” hòa mình vào cuộc sống của người dân Pác Bó một cách tự nhiên, gần gũi. Vào thời điểm những năm 1940 - 1941, đời sống người dân Pác Bó vô cùng cực khổ, lương thực thiếu thốn, nguồn lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Rất nhiều gia đình thiếu đói, không đủ ăn, những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài, hái rau rừng để sống qua ngày… Những ngày đầu hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, Người đã sử dụng phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào các dân tộc Pác Bó. Tuy sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn nhưng tràn đầy lạc quan, tin tưởng, không một chút nản lòng sờn chí. Chỉ cháo bẹ, rau măng, sáng ra bờ suối, tối vào hang, bàn đá chông chênh... mà vẫn sẵn sàng, đó là tinh thần, nghị lực của Bác “sẵn sàng” vượt qua khó khăn, gian khổ, “sẵn sàng” hoàn thành sứ mệnh thiêng liên của Tổ quốc.
Bác dành nhiều tình cảm đối với đồng bào dân tộc Cao Bằng, những tình cảm hết sức chân thành, không chỉ là tình cảm của vị lãnh tụ đối với đồng bào, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà còn là sự tri ân đối với đồng bào đã đùm bọc, chở che Người trong những tháng ngày gian lao, vất vả. Người khẳng định trong sự nghiệp chung của cách Việt Nam, có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Cao Bằng.
Trong khoảng thời gian này, Bác Hồ lại làm bài thơ, với những lời thơ mộc mạc xuất phát từ chất liệu gần gũi, thân thuộc và dân giã trong từng cảnh vật; bằng tình cảm, sự gắn bó và lạc quan của Người đã tái hiện một Pác Bó nên thơ, trữ tình và người chiến sĩ, thi sĩ lạc quan, cách mạng.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc tại đầu nguồn suối Lê Nin - Pác Bó - Ảnh: Sưu tầm
Khi phong trào cách mạng ngày càng phát triển, tháng 6/1942, Bác Hồ chuyển cơ quan Việt Minh từ Pác Bó đến Lũng Dẻ, thuộc khu căn cứ Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An) để thuận tiện hơn trong việc tiếp tục chỉ đạo xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa vững chắc của cả nước. Tại đây Bác viết bài “Thướng sơn” với 4 câu thơ chữ Hán theo dạng “Ngũ ngôn tứ tuyệt” ghi lại trên vách đá, súc tích, ý nhị mà sâu xa, rất “đa nghĩa, kiệm lời”. Hình ảnh “mặt trời đỏ”, đó là màu đỏ cờ Tổ quốc, “nhành mai” màu vàng ấm no hạnh phúc, tượng trưng cho sao vàng trên nền cờ đỏ. Đó là tương lai mà Bác và Nhân dân hướng tới.
Lục nguyệt nhị thập tứ
Thượng đáo thử sơn lai
Cửu đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai
Bài thơ được Tố Hữu dịch:
Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai
Mùa Xuân Tân Tỵ 1941 tại Pác Bó - Cao Bằng, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và đã bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và ngày 2/9/1945, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc đã trở về trên toàn cõi đất nước ta. Giữa bao bộn bề việc nước, việc quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn chăm chút, dõi theo từng tiến bộ của các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước nói chung và thiếu niên, nhi đồng Cao Bằng nói riêng - đó cũng là niềm mong mỏi của Bác đối với lớp mầm non tương lai của đất nước và Người gửi thư động viên, khen ngợi, như bài thơ Bác viết: “Tặng cháu Nông Thị Trưng”:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà
(Sau này đồng chí Nông Thị Trưng là Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Năm 1947, được tin có 3 cụ già ở Cao Bằng đã hăng hái tham gia đánh giặc cùng bộ đội, du kích làm cho địch không tiến lên được, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui và tặng các cụ những vần thơ ngắn gọn rất hào sảng:
Tuổi cao chí khí càng cao
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng
Trong chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, mặt trận Đông Khê. Tại sở chỉ huy, Bác thấy quân đội ta chiến đấu ngoan cường, áp đảo, chiến thắng giòn giã, như nuốt chửng quân địch. Người đã cảm kích, mừng vui sáng tác tại chỗ bài thơ “Đăng sơn” - “Lên núi”. Bài thơ viết:
Huề thượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa quân tráng khí thôn Ngưu, Đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân
Bài thơ được Xuân Diệu dịch:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát Mặt trận Đông Khê (1950). Ảnh: Internet
Những bài thơ của Bác viết về Cao Bằng, là tình cảm sâu nặng đối với đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Ngày 2/9/1947 trong Thư gửi đồng bào Cao Bằng, Người đã viết những lời đầy xúc động: “Tôi luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta. Cùng mấy đồng chí trong tỉnh, trèo đèo lội suối, ở núi nằm hang. Khi thì cùng 5, 7 anh chị em bí mật tuyên truyền, huấn luyện tổ chức. Khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian. Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên được trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo, có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng”.
Bác coi Cao Bằng là quê hương thứ hai của mình. Ngày 20/2/1961, Bác Hồ về thăm lại Pác Bó, trước quang cảnh rực rỡ cờ hoa với hàng vạn đồng bào vui mừng đón Bác trong hào khí nước nhà tự do, độc lập, Đồng bào già trẻ gái trai ùa ra xúm xít vây quanh Người. Người thân mật hỏi:
- Bà con làm gì mà đông thế này?
- Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khỏe ạ!
Người lần lượt nhìn mọi người và nói:
- Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!
Người về thăm Pác Bó - Cao Bằng là về thăm nhà, về thăm quê hương thứ hai của Người, thăm lại căn cứ cách mạng, thăm “quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa”.
Chủ tịch Hồ Chủ tịch về thăm lại Pắc Bó - Cao Bằng năm 1961. Ảnh: Internet
Bác nhớ lại Pác Bó năm 1941 bí mật đón Bác về ở, làm việc, lãnh đạo “toàn dân ra chiến đấu”, xây dựng căn cứ địa cách mạng thành công... Bác xúc động viết bài thơ “Thăm lại hang Pác Bó” một lần nữa khắc ghi lịch sử, mãi không quên về “chiếc nôi cách mạng” Pác Bó,Cao Bằng:
Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Về thăm Cao Bằng, đồng bào, đồng chí Cao Bằng đón Bác - vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước như đón người thân yêu ruột thịt trong gia đình. Đồng bào, đồng chí quây quần thân thiết bên Bác. Nhìn Bác giản dị trong chiếc áo bông, gần gũi, thân thiết như một người cha, ai cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Đây là lần cuối cùng Bác lên thăm Cao Bằng. Những năm sau này, vì tuổi cao sức yếu, Bác không lên thăm Cao Bằng được nhưng Người luôn quan tâm, dành tình cảm cho đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Bác chuyển lời thăm của Bác đến đồng bào, đồng chí Cao Bằng, chúc tất cả mạnh khỏe, vui, vẻ, công tác tốt, sản xuất tốt. Bác gửi những tình cảm thắm thiết đến mọi gia đình, đến các cụ, các mế và các cháu nhi đồng. Trong cuốn Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn viết: “Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với rừng núi Cao Bằng, nơi Bác đã đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.
Đọc lại những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Cao Bằng, ta càng hiểu hơn về lịch sử và giá trị nghệ thuật thơ ca của Bác, có những tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của mỗi con người. Những bài thơ của Người gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, thể hiện tư tưởng, tâm hồn cao đẹp của Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta. Đồng thời, thể hiện tình cảm chân thành của Bác đối với cả dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Cao Bằng nói riêng. Đáp lại những tình cảm đó. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nêu cao tinh thẩn đoàn kết, một lòng theo Đảng, đấu tranh vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời ky đổi mới. tiếp tục viết nên những trang sử mới làm rạng rỡ truyền thống quê hương cách mạng, quyết tâm xây dựng đưa Cao Băng trở thành tỉnh “gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” như trước đây Cao Băng “là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
-------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỉnh ủy Cao Bằng, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng, Nhà xuất bảnChính trị quốc gia sự thật, 2015.
2. Tỉnh ủy Cao Bằng, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - LêNin và tưởng Hồ Chí Minh, 1995. Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng (1941 - 1945). Kỷ yếu hội thảo khoa học - thực tiễn. Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, 1995.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam(28/01/1941 – 28/01/2021).
Triệu Văn Lượng