Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Ba Ha’i và Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo, trong đó, Tin lành có 6 hệ phái, Cao đài có 4 hệ phái. Có 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận. Toàn tỉnh có khoảng 830.000 tín đồ, 1.800 chức sắc, 3.800 chức việc, 533 cơ sở tôn giáo hợp pháp. Bên cạnh đó, Lâm Đồng là địa phương có nhiều loại hình tín ngưỡng hoạt động, gắn với mỗi cộng đồng dân tộc có phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 278 cơ sở tín ngưỡng (chưa bao gồm nhà thờ họ), 158 cơ sở đã bầu ban quản lý hoặc người đại diện và đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định, 120 cơ sở tư gia, 10 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức và cá nhân; tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo hoạt động theo quy định.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai hi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lí Nhà nước về tôn giáo bảo đảm kịp thời, thống nhất và khả thi; thực hiện tốt các quy định về đất đai, xây dựng liên quan đến tôn giáo bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, đúng quy định pháp luật và đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, có 15 đoàn chức sắc, tổ chức tôn giáo nước ngoài đến thăm và hoạt động tôn giáo ở Lâm Đồng. Các đoàn đều được các cấp chính quyền hướng dẫn, tạo điều kiện hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt - Tôn Thiện San thăm, tặng hoa chúc mừng Giáo xứ Thánh Mẫu (Phường 7, Đà Lạt)
(Ảnh: Đam Trọng - baolamdong.vn)
Tỉnh thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn các nội dung về tôn giáo, tín ngưỡng với hình thức phong phú. Từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan cho khoảng 1.650 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho khoảng 1.800 lượt cán bộ, công chức cấp xã, huyện; hỗ trợ trên 3.000 bộ tài liệu tuyên truyền cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, 100 cuốn tài liệu liên quan đến môn Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Phật giáo, Công giáo... Các địa phương trong tỉnh tổ chức trên 20 hội nghị tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho khoảng trên 1.500 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ và trên 30 đợt tuyên truyền nhân ngày Pháp luật Việt Nam. Tổ chức trên 50 lớp tập huấn về công tác tôn giáo cho hơn 3.000 lượt cán bộ xã, phường, thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tuyên truyền để chức sắc, chức việc, tín đồ, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên... nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động, bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên gặp mặt, thăm hỏi chức sắc tôn giáo trong những ngày lễ lớn của các tôn giáo và các dịp khác.
Nhờ đó, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cơ bản ổn định. Chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đường hướng hành đạo tuân thủ các quy định của pháp luật và theo phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo trợ xã hội, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Thượng tọa Thích Thanh Nhật, Ban Trị sự GHPGVN thành phố Bảo Lộc thăm, tặng quà cho bà con DTTS nhân dịp tết cổ truyền dân tộc
(Nguồn: bdvtu.lamdong.dcs.vn)
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo và chú trọng thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, chủ động phối hợp, theo dõi, nắm chắc tình hình tôn giáo, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo gây ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, công chức, viên chức; chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò, nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tại địa phương.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn huyện Bảo Lâm
Ảnh: baolam.caobang.gov.vn
Đẩy mạnh công tác vận động, đoàn kết các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo, phát huy những giá trị văn hoá của các tôn giáo, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương.
Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng cốt cán trong tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo; tạo nguồn phát triển đảng viên và phát huy vai trò của đảng viên là người có đạo. Quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, tín ngưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; sắp xếp, bố trí, phân công công tác phù hợp năng lực và vị trí việc làm. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Thường xuyên gặp mặt, động viên, chúc mừng chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng đại; các kỳ Đại hội, hội nghị của tôn giáo; kịp thời tổ chức thăm hỏi, viếng khi chức sắc, chức việc ốm đau, qua đời. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến hoạt động tôn giáo theo đúng nội dung, chương trình đăng ký; giải quyết tốt việc các tổ chức tôn giáo cử chức sắc, tu sỹ đi đào tạo ở nước ngoài; các tổ chức tôn giáo mời người nước ngoài vào hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Thu Trang