Viết bài báo ấy là nhân lúc các thanh niên thế hệ bây giờ cũng lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ mới ở các đơn vị giống chúng tôi hồi đó. Tuy nhiên bây giờ, công tác bảo đảm cơ sở vật chất, tinh thần của Quân đội cho các chiến sĩ nói chung và chiến sĩ mới nói riêng đã khá đầy đủ và chắc chắn thuận lợi hơn chúng tôi ngày trước. Dĩ nhiên rồi, bởi vì bây giờ kinh tế đất nước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, nên việc mang mặc, ăn ở, đi lại của bộ đội đều tốt hơn trước rất nhiều. Thế nên chắc ở đơn vị sẽ không gặp phải cái chuyện tôi kể sau đây.
Ảnh minh họa: LÊ ANH |
Tháng 3-1988, sau khi được hai chiếc xe Gát chở về đơn vị (Đại đội 1, Tiểu đoàn 20 trinh sát, Bộ Tham mưu Quân đoàn 29, Quân khu 2) khoảng 3-4 ngày thì trung đội tôi được lệnh vào rừng kiếm củi giúp anh nuôi nấu ăn. Gần ba chục chiến sĩ mới từ đồng chiêm trũng lên miền ngược nên việc kiếm củi trong rừng còn rất lạ lẫm. Tuy nhiên, sau mấy ngày “bị nhốt” trong đơn vị nay được "thả" ra thì ai cũng phấn khởi ra mặt. Nói là đi kiếm củi, nhưng cả trung đội tôi chỉ có một con dao rựa mượn được của anh nuôi Đại đội. Vậy nhưng cứ đi, vào rừng cái đã rồi tính tiếp.
Hai đồng chí Tiểu đội trưởng là Hạ sĩ Nguyễn Hồng Thái (quê huyện Hoa Lư, Hà Nam Ninh, nay là Ninh Bình) và Hạ sĩ Lừ Văn Nhọt (quê Sơn La) dẫn cả trung đội vào mấy quả đồi rậm rì cây cối cách đơn vị quãng 3 cây số rồi bảo: “Đấy chúng mày vào đấy mà chặt!”. Ôi chao, chúng tôi nhìn lên thì thấy toàn cây rừng (sau này mới biết đấy là cây gu và cây màng tang) to bằng bắp chân trở lên mọc thẳng tắp, kín cả quả đồi. Thời gian thì chỉ có từ lúc báo thức trưa tới cuối giờ chiều là phải có mặt ở đơn vị, mấy chục anh em lại chỉ có một con dao thì làm sao mà chặt được mỗi anh một gánh củi. Vậy là chúng tôi xông vào đồi cây bẻ lấy bẻ để. Chỉ quãng hơn tiếng sau, mỗi anh đã có một gánh khá to... toàn cành cây.
Hai tiểu đội trưởng lúc này đi đâu chúng tôi cũng chả rõ. Củi coi như lấy xong, lúc này chúng tôi mới có dịp khám phá khu rừng. Ái chà, có cả một khoảng đồi mọc toàn cây sắn tàu lẫn trong cây cỏ. Xung quanh tuyệt nhiên không có một nhà dân nào. Vậy là chúng tôi bàn nhau nhổ thử một ít để... nướng ăn. Gốc sắn ở đây rất to nên phải hai ba anh mới vừa lay vừa nhổ được một gốc. Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là mỗi gốc phải có tới 3-4 củ sắn to bằng bắp đùi. Anh nào anh nấy mừng hú vì phát hiện ra một “kho lương thực” trời cho. Chúng tôi vội vàng kiếm cành củi khô để nướng sắn. Ở quê, thập niên 1970, chúng tôi toàn phải xơi món sắn luộc, sắn nướng mãi rồi, nên nướng sắn không có gì là khó. Chỉ việc đốt lửa lên rồi quẳng sắn vào, chờ cho nó chín, thế là xong. Quãng nửa tiếng sau, mùi thơm của sắn nướng đã dậy lên, vậy là chúng tôi lôi ra lột vỏ, vừa gặm vừa xuýt xoa vì nóng.
Chỉ một loáng sau, đống sắn phải đến gần hai chục cân đã được dọn sạch. Anh em cẩn thận còn dập hết lửa, thu dọn vỏ sắn, kiểu “xóa dấu vết” đề phòng tiểu đội trưởng phát hiện. Chúng tôi ung dung gánh đống cành cây về đơn vị. Khi về đến gần đơn vị thì mới gặp hai tiểu đội trưởng. Anh Nguyễn Hồng Thái nhìn chúng tôi cứ tủm tỉm cười: “Ô, bảo chúng mày đi kiếm củi, sao đem toàn... rơm về đơn vị thế này”. Tôi đi gần anh liền nhanh miệng: “Anh ơi, quê em coi cái này là củi đấy ạ”. “Củi gì. Thôi hôm nay buổi đầu tiên, coi như không tính. Ngày mai tôi sẽ dạy các ông chặt củi. Hiểu chưa?”. Cả đám ngơ ngác, chưa hiểu vì sao Tiểu đội trưởng Thái lại gọi cành cây là rơm.
Chúng tôi về đơn vị, vẫn ăn tối và sinh hoạt bình thường, cả trung đội giao ước giấu tiệt chuyện ăn sắn nướng trong rừng. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đến giờ điểm danh hôm ấy không xảy ra chuyện. Chúng tôi đang xếp hàng nghe trung đội trưởng nhận xét công tác thì chiến sĩ Thảo từ từ xỉu xuống, vừa đỡ được Thảo vào nhà thì đến Tiến “đen” vốn khỏe như con trâu mộng cũng đổ đánh uỵch một cái. Cứ thế như một dây chuyền, hơn 20 chiến sĩ lần lượt phải khiêng vào nhà, anh nào anh nấy mồ hôi vã ra, chân tay lạnh toát, người “nhũn như con chi chi”. Anh Vũ Mạnh Tường, Trung đội trưởng lúc ấy mới hét lên: “Chúng mày ăn sắn đúng không?”.
Tôi vẫn còn tỉnh táo liền run run bảo: “Vâng, lúc chiều chúng em có nướng sắn trong rừng”. “Chết mẹ rồi, bọn này say sắn rồi. Thái đâu, lên Đại đội mượn hai cái thùng gánh nước về đây. Nhanh lên!’. Chỉ chưa đầy phút sau đã thấy anh Thái đem hai cái thùng về. “Ra đầu nhà lấy một thùng nước rồi chia đôi ra”. Vừa nói anh Tường vừa chạy về phòng ở của mình đem sang mấy gói đường hoa mai. Anh dùng răng cắn rách các gói đường, đổ vào hai cái thùng gánh nước rồi thò tay vào khỏa lấy khỏa để. “Lấy bát múc cho chúng nó uống. Đứa chưa say cũng uống đi!”. Chỉ một loáng hai thùng nước đường hết sạch...
Nhờ mấy bát nước đường của anh Tường mà đến tầm 3 giờ sáng thì cả trung đội tỉnh táo trở lại. Chúng tôi cảm nhận là vừa được một bài học nhớ đời. Hôm ấy mà không có sự nhanh trí và tình yêu thương chiến sĩ của Thiếu úy Vũ Mạnh Tường thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Thì ra do sắn mọc hoang lâu ngày nên củ rất to và có nhiều nhựa. Chúng tôi từ dưới xuôi lên không biết cách ăn loại sắn này nên cứ thế cho vào lửa nướng, đã thế lại còn nướng chưa chín đã vội xơi rồi. Thế nên đến đêm nhựa nó mới ngấm khiến cho anh em bị ngộ độc.
Sau này chúng tôi mới biết, sở dĩ anh Tường có nhiều đường thế là bởi anh vừa đi “vay” của các cán bộ khác trong Đại đội để chuẩn bị đem về quê cưới vợ. Bởi mỗi cán bộ khi ấy, một tháng chỉ được cấp có 5 lạng đường thôi. Vậy là toàn bộ số đường của anh, chúng tôi đã dùng một lần hết sạch. Giờ đây kể lại chuyện này để thấy, tình nghĩa của cán bộ với chiến sĩ đôi khi chỉ là một cách ứng xử, một sự quan tâm nhỏ thôi cũng đủ để chúng tôi nhớ đến cả đời. Đến bây giờ, sau mấy chục năm, chúng tôi cũng chưa gặp lại được anh. Chỉ biết rằng anh là người quê ở huyện Thanh Hòa, Vĩnh Phú xưa, nay là huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Nguồn QĐND