Đã 10 năm trôi qua, người dân miền Bắc mới phải gặp lại một siêu bão, không những vậy sức tàn phá thực tế của nó còn hơn cả những dự báo. Rạng sáng ngày 07 tháng 9 năm 2024 các tỉnh thành phía Bắc bắt đầu đón những cơn mưa lớn và đều ngay sau khi siêu bão Yagi tiếp cận vùng biển Vịnh Bắc bộ. Lượng mưa và tốc gió tăng dần sau mỗi giờ, đỉnh điểm là từ khoảng 15h00 khi cơn bão này bắt đầu đổ bộ vào đất liền trên địa phận tỉnh Quảng Ninh. Khác với những cơn bão mạnh được ghi nhận trong lịch sử gần đây như Sơn Tinh năm 2012 hay Hải Yến năm 2013 hoặc Mirinae năm 2016 có tốc độ gió cực đỉnh cấp 12-13 (120-150 km/h), với Bão số 3 Yagi vận tốc gió đã được ghi nhận tới 180-220km/h tương đương cấp 16-17.
Với nhiều người dân thủ đô, đêm 07/09/2024 thực sự “đáng nhớ”, với tiếng mưa gào, gió rít liên hồi. Hàng vạn cây xanh trăm tuổi bật gốc khi đang oằn mình với gió, hàng loạt mái tôn tươi mới thình lình kéo nhau bật tung khỏi những nóc nhà, vô số tường kính rụng rời rồi vỡ tan… Tình hình bão cũng như sự chỉ đạo ứng phó của chính quyền được cập nhật nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội.
Vài giờ sau, cơn bão suy yếu và trở thành áp thấp nhiệt đới khi đang tiến sâu về hướng Tây Bắc trên địa phận các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên. Dù bão số 3 đã tan vào ngày 08 tháng 9 nhưng hệ quả từ hoàn lưu siêu bão này tiếp tục gây thiệt hại lớn cho toàn bộ các tỉnh thành phía Bắc, gồm mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, những con số đau thương còn tiếp tục tăng lên. Điển hình là sự việc nước lũ dâng cao gây sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ khiến 8 người mất tích và 10 phương tiện chìm đắm vào ngày 09 tháng 9. Hay sự việc thương tâm tại làng Nủ ( Lào Cai) vào ngày 10 tháng 9, lũ quét gây sạt lở đất vùi lấp 33 hộ, khiến 66 người chết và mất tích.
Theo thống kê, siêu bão Yagi và hoài lưu sau bão đã ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương, gây sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi; gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của Nhân dân dân, Nhà nước. Sau bão gần 1 tuần, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt hoặc có nguy cơ ngập lụt cao khiến cho thiệt hại còn có thể nặng nề hơn.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, đã xuất hiện nhiều tin đồn không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại sau bão.
Trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào lại được thắp sáng hơn lúc nào hết. Vượt qua bão lũ, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đến với đồng bào để chia sẻ những khó khăn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; đưa nhu yếu phẩm nhanh nhất có thể đến cho người dân. Rất nhiều cá nhân, tập thể quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt... Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Nhiều quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế đã nhanh chóng chia sẻ, hỗ trợ, cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Bão số 3 là bài học của tình đoàn kết, là phép thử của tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chung sức đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị trong ứng phó thiên tai, đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực ứng phó, xử lý thiên tai của Việt Nam. Song hơn hết, trước khó khăn, với niềm tin, ý chí, quyết tâm và tinh thần đoàn kết, nhân dân Việt Nam sẽ vẫn vững vàng vượt qua để lớn mạnh, phát triển./.
Thành Lộc