Dải đất miền Trung mưa dầm đá sỏi, nơi đòn gánh giữa hai đầu đất nước, hàng năm phải chịu cảnh thiên tai bão lũ hoành hành. Năm nào cũng vậy, người miền Trung phải chống chọi với sự hung dữ của thiên nhiên, nhà cửa, hoa màu ngập chìm trong nước, đất đai sạt lở chôn vùi tài sản và cả tính mạng con người… Sau mỗi mùa lũ đi qua, nỗi đau do thiên tai mang lại tiếp tục đè nặng lên người dân nơi đây. Họ kiên cường đứng dậy với sự chung tay đoàn kết hỗ trợ, động viên kịp thời của tình nghĩa đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Mưa lũ dâng cao gây nhiều thiệt hại về người và của
Những ngày qua lượng mưa lớn cực đoan, có nơi lên đến 1000mm đã đổ xuống dữ dội ở các tỉnh thành miền Trung. Lũ chưa kịp rút ra biển lại chồng thêm lũ mới, để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước của nhà máy thủy điện, một số nơi phải tiến hành xả lũ chủ động để đón chờ các đợt mưa tiếp theo. Vì vậy hạ lưu các con sông như sông Bồ, Hương (Huế), Thạch Hãn (Quảng Trị), Kiến Giang (Quảng Bình), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh)… lại dâng cao, người dân miền Trung phải gồng mình chống chọi với mưa lũ.
Thành phố Huế vẫn chìm trong lũ hôm 13/10. Nguồn ảnh: Zing
Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tính đến ngày 14/10 mưa lũ miền trung đã làm 48 người thiệt mạng và mất tích; hơn 580 nhà bị sập đổ; hơn 135 nghìn nhà đã bị ngập; sạt lở, hư hỏng nhiều điểm quốc lộ, đường giao thông; hơn 6 nghìn hecta lúa và hoa màu bị ngập; hơn 3500 ha thủy sản bị thiệt hại; hơn 332 nghìn gia súc, gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi… mất mát, đau thương đang đè nặng lên vùng đất “chảo lửa, túi mưa”này.
“Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung, để góp phần chia sẻ, động viên và đặc biệt không để bà con bị đói rét, bị thiếu nước uống, hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, chính quyền các cấp đã luôn bám sát địa bàn và có phương án hỗ trợ người dân khi cần thiết. Với phương châm “Giúp dân là mệnh lệnh trái tim”, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang các tỉnh thành đã điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, bộ đội địa phương cùng nhiều phương tiện phòng chống lũ lụt. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ngâm mình hàng giờ dưới mưa để cứu đê, đưa người dân chạy lũ, giúp dân gặt lúa, vận chuyển đồ đạc lên chỗ cao ráo hơn; hội phụ nữ được huy động nấu từng suất cơm rồi chèo thuyền đưa đến người dân đang bị cô lập bởi nước lũ; sự hy sinh của những con người giàu tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ... khiến mỗi người Việt Nam ai cũng rưng rưng xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc, quên mình. Có lẽ đồng bào cả nước không thể quên hình ảnh chính quyền, quân đội và người dân đã dũng cảm cứu 12 thuyền viên của tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Cửa Tùng tỉnh Quảng Trị trong những ngày vừa qua. Có chứng kiến những thời khắc trong mưa bão vần vũ lúc đó mới thấy được giá trị của tình đoàn kết, yêu thương con người, vì nước, vì dân quên mình phục vụ của quân dân ta. Hình ảnh các lực lượng biên phòng, hải quân, không quân, cảnh sát biển, lính đặc công… không quản hiểm nguy, vượt sóng vượt gió, ngâm mình dưới dòng nước đục xoáy để cứu hộ thuyền viên, và những người dân quên thân mình sẵn sàng lao ra biển dữ cứu người vì nghĩa cử “đồng bào”… chứng tỏ một sức mạnh thần kỳ của dân tộc, tinh thần đoàn kết quân dân chung ý chí mà mỗi khi hoạn nạn khó khăn, tinh thần đó lại trỗi dậy mạnh mẽ để làm nên những điều kỳ diệu.
Công tác cứu hộ những người mắc kẹt trên tàu hàng Vietship 01 tại cảng biển Cửa Việt (Quảng Trị) ngày 10/10/2020
Và ngay giờ phút này, hàng triệu triệu con tim người dân Việt Nam cũng đang hướng về huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - nơi xảy ra vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 với lời cầu nguyện bình an cho những công nhân của công ty thủy điện và 13 người trong lực lượng cứu hộ gặp nạn, đang mất tích (trong đó có 11 cán bộ quân đội, và 2 người cán bộ địa phương). Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cùng với các lực lượng khác, Bộ Quốc phòng đã giao cho nhiều đơn vị tham gia ứng cứu, tìm kiếm những người bị mất liên lạc trong vụ sạt lở tại tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Sở Chỉ huy tiền phương đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quyết liệt triển khai biện pháp tìm kiếm người mất tích…
“Khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ”
Lời dạy của cha ông “khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ”, “thương người như thể thương thân” đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực của người dân vùng rốn lũ. Trong mất mát, đau thương người dân càng tìm cách nắm chặt tay nhau, hỗ trợ, dìu dắt, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, gian khổ. Những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người như lửa ấm lan tỏa, tiếp thêm năng lượng cho người dân nơi đây chống chọi với cơn bão lũ hoành hoành.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, lại sáng lên những câu chuyện ấm áp, như chuyện về sản phụ Phan Thị Ánh Mỹ ở Huế ngày 10/10 trong cơn chuyển dạ giữa đường mưa lũ đã được người tài xế xe tải quay đầu xe đưa đến bệnh viện kịp thời. Cũng ngày 10/10 ở Huế, sản phụ Thu Trang khi đẻ rơi con trên thuyền đã được những người thanh niên giúp đỡ đưa đến bệnh viện an toàn. Chia sẻ về chuyện vượt cạn hy hữu của con gái, mẹ ruột chị Trang nói: “Tôi không biết làm sao nói hết lời cảm ơn đến những người đã nhiệt tình giúp đỡ con gái tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi rất cảm động trước lòng tốt của họ”.
Đẻ rơi con trên thuyền, sản phụ được đưa đến bệnh viện kịp thời
Câu chuyện ấm áp về một đoàn ôtô đã chủ động đi chậm và nối đuôi nhau nhằm chắn gió lớn, giật mạnh để giúp những người đi xe máy qua cầu được an toàn tại cầu Rồng - thành phố Đà Nẵng. Ở Quảng Nam người dân liên lạc với nhau để “giải cứu” kịp thời cho nhà hàng đã nấu cỗ cho hai đám cưới nhưng vì nước ngập sâu, tiệc hỷ phải hoãn khiến 55 mâm cỗ bị “ế”. Đó là tổ thanh niên tình nguyện của Thôn An Mỹ (Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) quyết định “bơi bộ” đi tiếp tế lương thực cho những người trong xóm bởi nước lên nhanh quá người dân không kịp trở tay. Anh Thành Trung - một người trong nhóm đã nói về việc làm của mình: “Gấp quá rồi, không đi thì có thể nhiều người đang thiếu đồ ăn và nước uống để cầm cự trong lũ, anh em trong nhóm đi vì tình làng nghĩa xóm”. Câu chuyện về 2 chiếc ghe có dán số điện thoại kèm chữ “Chuyến đò 0 đồng” của 3 người đàn ông Quảng Nam (Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Tấn Hải, Lê Nhật), các anh đã sử dụng 2 chiếc ghe này để di dời người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng vận chuyển người dân khi có đề nghị. Trong đợt lũ lụt này nhờ chiếc ghe của các anh mà một số bà con lâm bệnh cấp cứu được di chuyển kịp thời, những sản phụ sắp sinh cũng nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế… nhiều hộ dân được đưa đến nơi an toàn khi nước lũ lên cao không kịp xoay trở…
“Chuyến đò 0 đồng” tiếp tế lương thực cho bà con vùng lũ
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Trước những mất mát, đau thương, trước những thiệt hại ban đầu do mưa lũ, với tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người dân cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều tấm lòng sẻ chia thơm thảo.
Hình ảnh chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Quân Dũng, bỏ tiền mua 5000 thùng mì tôm một mình lái xe ròng rã 5 ngày qua 3 tỉnh miền Trung để hỗ trợ những người gặp khó khăn do mưa bão; cô ca sỹ Thủy Tiên đã kêu gọi hỗ trợ được số tiền 10 tỷ giúp đỡ cho đồng bào miền Trung… đang gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng vì nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng thơm thảo. Khi giá trị “đồng bào” được “kích hoạt” một cách mạnh mẽ thì mỗi giờ, mỗi ngày lại xuất hiện rất nhiều việc tốt đẹp, ý nghĩa có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Anh Dũng và chiếc xe chở mì tôm theo chân mình ròng rã 5 ngày qua.
Trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội nhiều tập thể, cá nhân đang triển khai những chương trình ủng hộ, quyên góp từ thiện, thông qua các tổ chức cũng như trực tiếp đến trao tặng cho bà con. Chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung vẫn đang tiếp tục được nhân rộng trên khắp cả nước và thu hút được nhiều cá nhân tập thể tham gia.
Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nôi thực hiện quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ
Nghĩa cử hướng về miền Trung ruột thịt không chỉ là sự sẻ chia những giá trị vật chất mà còn toát lên niềm cảm thương chân thật, sâu sắc, ấm áp của nhân dân cả nước với đồng bào vùng lũ. Điều này thêm lần nữa khẳng định, qua chiều dài lịch sử, tinh thần dân tộc, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, nghĩa cử “đồng bào” của người Việt Nam như dòng chảy bất tận, khơi từ nguồn cội ngàn đời và vươn mãi tới tương lai. Giá trị nhân văn tỏa sáng như ngọc quý, càng trong gian khó càng được mài giũa sáng ngời. Đó là nền tảng của tinh thần dân tộc, gắn kết con người Việt Nam kiên cường vượt qua mọi thử thách, nguy nan.
Đào Tùng