“Nhân chi sơ, tính bản thiện” - Con người sinh ra ai cũng có tính thiện. Tính thiện làm nên “thương hiệu”, giá trị của con người Việt Nam. Trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước và bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, tính thiện và tinh thần nhân văn đã trở thành đặc tính, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng tính thiện là một bản chất của con người, tinh thần nhân văn hướng thiện là một đặc trưng rất quan trọng của người Việt, đó là niềm tự hào khi chúng ta nghĩ về đất nước mình, dân tộc mình. Chúng ta có thể thấy qua những câu ca dao tục ngữ như là “Thương người như thể thương thân/Lá lành đùm lá rách” và trong bầu không khí hướng thiện đó, mọi người đều trở nên tốt đẹp. Hay là chúng ta thấy trong ứng xử với kẻ địch cũng thể hiện được tinh thần đó và đến này hôm nay thì tinh thần đó vẫn trường tồn cùng dân tộc.
Tinh thần nhân văn, hướng thiện đã trở thành căn tính của người Việt, điều này được hình thành trong quá trình cả dân tộc dựng xây đất nước, bảo vệ đất nước. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo nên sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó đầu tiên là lan tỏa trong mỗi gia đình, từ đó lan tỏa ra môi trường lớn hơn là làng xã hay đất nước. Tất cả những yếu tố đó rất quan trọng để tạo ra tính thiện, tinh thần nhân văn của mỗi cá nhân và của cả dân tộc.
Có thể thấy, tinh thần nhân văn, hướng thiện không chỉ làm nên “thương hiệu”, giá trị của mỗi con người mà còn là cả một quốc gia, một dân tộc. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp khi các mối quan hệ, ứng xử đầy tình người và nhân văn được nhân lên. Theo TS Bùi Hoài Sơn thì không phải ngẫu nhiên mà du khách quốc tế luôn yêu thích khi đến Việt Nam. Cách đây một vài ngày, Hà Nội được công nhận là một trong những thành phố đáng đến du lịch nhất trên thế giới. Một trong những lý do quan trọng mà du khách quốc tế mong muốn đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là chúng ta có một môi trường rất thân thiện, hòa bình. Rõ ràng nếu không có tinh thần nhân văn, tính thiện và những đức tính tốt đẹp thì chúng ta không bao giờ có một môi trường tuyệt với như thế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng không chỉ trong chiến tranh, thiên tai dịch bệnh mà trong cả đời sống hàng ngày, tính thiện cũng đã được người dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể và chắc chăn đó là sự kết tinh giá trị mà cả dân tộc chúng ta đã cố gắng đạt được trong suốt chiều dài lịch sử.
Có thể thể thấy, dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống tốt đẹp và một trong số đó là tinh thần nhân văn, hướng thiện. Đặc biệt tính thiện được thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái.
Tuy nhiên, có không ít người quan ngại rằng, trong xã hội ngày nay, tính thiện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các vụ việc cãi vã, xung đột do mâu thuẫn, gây trọng án, giết người, thậm chí sẵn sàng “xuống tay” ngay cả với người thân trong gia đình… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn dù trong bối cảnh nào thì tính thiện và tinh thần nhân văn luôn là đặc trưng, là truyền thống của dân tộc ta: “Thực ra cái ác thì bao giờ nó cũng tồn tại trong mọi xã hội. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng quy luật cái thiện thì luôn luôn chiến thắng cái ác. Chính vì thế, xã hội của chúng ta vẫn theo hướng đi lên. Bên cạnh một điều ác ở ngoài xã hội kia thì còn rất nhiều điều thiện đang được thực hành. Đây chỉ là hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác với những hiện tượng này. Tính thiện, tinh thần nhân văn luôn là đặc trưng của người Việt và chúng ta cần phát huy” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tính thiện là bản tính của mỗi con người từ khi sinh ra. Cái xấu, cái ác chỉ trỗi dậy khi cái thiện không được chăm lo, “nuôi dưỡng” đầy đủ trong quá trình hình thành nhân cách. Chính vì thế, để nhân lên tính thiện ở mỗi con người, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng phải xây dựng được môi trường luôn luôn hướng thiện, điều ác không thể xuất hiện được. Để làm được điều này thì phải nâng cao nhận thức cùng các biện pháp tuyên truyền. Bên cạnh đó, việc ban hành luật pháp cũng rất quan trọng, luật pháp ở đây là để chế tài những hành vi làm sai. Chúng ta cũng phải có những bài học nghiêm trị, nghiêm khắc đối với những hành động tiêu cực ở cả trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”; đại thi hào Nguyễn Du cũng từng khẳng định "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"... Những điều đó đã khẳng định vai trò, phẩm chất đạo đức của mỗi người trong cuộc sống, trong đó có tính thiện. Tính thiện là điều sẵn có trong mỗi con người. Thế nhưng, chỉ khi chúng ta biết phát huy, nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện của mình thì mới trở thành người thực sự có giá trị và cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ngọc Hà/VOV2