Tuy ICJ không ra lệnh yêu cầu ngưng chiến tại Gaza như hy vọng của người Palestine, phán quyết cũng đánh dấu bước lùi đối với Israel, quốc gia vốn muốn "đơn kiện diệt chủng" bị bác bỏ.
Tòa án xác định người Palestine được bảo vệ theo công ước chống diệt chủng nhưng kêu gọi các nhóm vũ trang Palestine thả con tin bị bắt trong vụ tấn công ngày 7/10/2023. Tòa cũng cho rằng, có căn cứ để xem xét câu hỏi liệu quyền lợi của người Palestine có bị xâm phạm trong cuộc chiến Gaza hay không.
Phần lớn quan chức Palestine hoan nghênh phán quyết trên.
Bộ Ngoại giao Palestine nói, đây là lời nhắc nhở đáng hoan nghênh rằng "không quốc gia nào đứng trên luật pháp". Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas, nói với Reuters rằng phán quyết này sẽ góp phần "cô lập thế lực chiếm đóng và vạch trần tội ác ở Gaza".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng tòa án đã "công bằng" trong việc bác yêu cầu ngừng bắn của nguyên đơn - điều mà ông cho là nhằm tước bỏ "quyền cơ bản được tự vệ" của Israel.
"Nhưng tuyên bố cho rằng Israel đang phạm tội diệt chủng đối với người Palestine không chỉ sai sự thật mà còn là quá đáng. Việc tòa án sẵn sàng thảo luận vấn đề này là sự hổ thẹn sẽ không thể bị xóa mờ trong nhiều thế hệ", ông Netanyahu nói.
Vụ kiện chống lại Israel do Nam Phi khởi xướng trước ICJ trong tháng này. Chính phủ Nam Phi được phép khởi kiện theo nguyên tắc pháp lý cho rằng diệt chủng là tội ác rất nghiêm trọng nên mọi quốc gia đều có nghĩa vụ ngăn chặn.
Sau khi có phán quyết, Nam Phi đã ca ngợi lệnh của tòa án là "chiến thắng quyết định" cho nền pháp quyền quốc tế.
"Nam Phi chân thành hy vọng rằng Israel sẽ không có hành động cản trở việc thực thi lệnh này, mà thay vào đó họ sẽ tuân thủ đầy đủ lệnh", Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết trong một tuyên bố.
Trong vụ kiện, Nam Phi yêu cầu tòa án ban hành biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc chiến đã giết chết hơn 26.000 người Palestine cho tới nay và khiến phần lớn dân số phải rời bỏ nhà cửa.
Vụ kiện của Nam Phi diễn ra sau khi Israel thực hiện chiến dịch trả đũa vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, vốn khiến khoảng 1.200 người chết.
Các thẩm phán ICJ yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp trong khả năng để ngăn chặn quân đội nước này phạm tội diệt chủng, trừng phạt các hành vi kích động, thực hiện các bước để cải thiện tình hình nhân đạo và báo cáo lại tiến trình sau một tháng.
ICJ chưa ra phán quyết về tính đúng sai của cáo buộc diệt chủng và việc này có thể mất nhiều năm.
Phán quyết của ICJ không thể bị kháng cáo nhưng tòa án này cũng không có cơ chế thi hành quyết định.
Tại Gaza lúc này, cuộc chiến đã bước vào giai đoạn đặc biệt tàn khốc. Các cuộc giao tranh ác liệt nhất trong nhiều tuần qua đang diễn ra giữa những khu vực tập trung hàng trăm nghìn người tị nạn.
Israel cho biết, họ đã phát hiện khoảng 200 đường hầm và phá hủy hơn 130 địa điểm cơ sở hạ tầng của Hamas trong các hoạt động tác chiến mới nhất và tiêu diệt "nhiều chiến binh".
Nguồn: dantri.com.vn