Dành trọn cuộc đời cống hiến cho Đảng và Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng người dân Việt Nam ấn tượng sâu sắc nhất về một nhà lãnh đạo xuất chúng, mẫu mực. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây của Tổng Bí thư mang tên Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đan xen những bài viết mang tính chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư về xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc, bạn đọc lần đầu được tiếp cận với những dòng chia sẻ hiếm hoi của ông về những năm tháng tuổi thiếu thời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời trẻ - Bí thư Chi đoàn, Lớp trưởng 9B, 10B (1961-1963). Ảnh: nhandan.vn
Vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc đã trở về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
80 năm tuổi đời, trong đó có gần 60 năm công tác, trải qua nhiều vị trí công việc, Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý đất nước; ở sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, đặc biệt là sự gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu quý và tôn trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ; ở đức tính giản dị, mực thước, khiêm nhường.
Từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, làm việc và cống hiến đến hơi thở cuối cùng, Tổng Bí thư rất ít khi trải lòng về những nỗi niềm riêng của cá nhân, về những khó khăn của gia đình mà trên hết ông là người của công việc với những trăn trở, suy tư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Những chia sẻ hiếm hoi của Tổng Bí thư về năm tháng tuổi thơ của mình trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thực sự là những dòng tư liệu quý giá, chứa đựng trong đó là rất nhiều thông điệp ý nghĩa.
Giống như bao bạn bè cùng trang lứa, sinh ra trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Phú Trọng trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Hồi ức về những năm tháng tuổi thơ, Tổng Bí thư viết: Tôi sinh ra ở một làng quê gần sông Hồng đỏ đục phù sa thuộc ngoại thành Hà Nội. Làng tôi nghèo lắm, cũng giống như cái nghèo của biết bao làng quê khác trên đất nước ta trước Cách mạng Tháng Tám. Ông bà, bố mẹ tôi đều là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không có điều kiện học hành đến đầu đến đũa, nhưng các cụ thuộc rất nhiều ca dao, dân ca.
Cái đói, cái nghèo của làng quê nông thôn, cuộc sống chân lấm, tay bùn của những người thân xung quanh đã sớm hình thành ở cậu học trò Nguyễn Phú Trọng nỗ lực, khát vọng vươn lên bằng con đường học hành, thi cử. Ông cho rằng, so với nhiều bạn cùng trang lứa, ông là người may mắn vì được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa của xứ Kinh Bắc (Làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, trước đây thuộc xứ Kinh Bắc, phủ Từ Sơn), ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Phú Trọng đã cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê nông thôn ven sông Hồng, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông qua những câu ca dao, dân ca của ông bà, cha mẹ. Tôi lớn lên trong tiếng ru của mẹ và trong những lời răn dạy từ tục ngữ, ca dao của bố. Nhiều khi còn được nghe các cụ trong làng lẩy Kiều, tập Kiều, "chửi nhau", đối đáp nhau bằng Kiều. Có lẽ vì thế mà ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã rất thích văn học dân gian.
Truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, nét đẹp của truyền thống gia đình đã trở thành môi trường, không gian văn hóa, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách tốt đẹp ở cậu học trò Nguyễn Phú Trọng - một người nặng tình với quê hương, đất nước, với truyền thống văn hóa, văn hiến ngàn đời của cha ông.
Chính không gian văn hóa của làng quê Bắc Bộ, vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, thấm đẫm những triết lý nhân sinh từ những câu ca dao, dân ca đã trở thành dòng suối tưới mát tâm hồn và định hướng con đường sự nghiệp học hành của Nguyễn Phú Trọng.
Học tập trong điều kiện đất nước vừa trải qua chiến tranh, cơ sở vật chất, trường học còn thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng tài năng, trí tuệ và sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đã rèn cho mình tính tự lập, vừa học vừa kiếm sống. Nhớ lại những năm tháng đó, ông viết: Hồi hòa bình mới lập lại ở miền Bắc (năm 1954), trường sở, nơi học hành ở quê tôi còn rất thiếu. Hai, ba xã mới có một lớp 4, vài huyện mới có một trường cấp II, cho nên chúng tôi phải đi học rất xa. Từ năm lớp 4, lớp 5 chúng tôi đã phải trọ học. Vài ba anh em cùng ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước, nấu nướng với nhau. Nhà nghèo cho nên học hành càng gian nan, vất vả, ăn uống thì kham khổ, thiếu thốn. Nhiều lúc tôi phải vừa học vừa lao động kiếm sống để nuôi mình. Ròng rã hơn 6 năm tôi sống và học trong điều kiện như thế. Nhưng chúng tôi rất ham học, đua nhau học và sống rất vô tư, thỏa mái. Vì dẫu sao so với nhiều anh chị em khác, chúng tôi vẫn vào loại "sướng" là được đi học. Tôi có vẻ học khá về môn văn nên nhiều lần được trường chọn cho đi thi học sinh giỏi văn cấp thành phố và cấp toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng).
Năm 1963, ông thi đỗ vào Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội niên khóa 1963-1967. Những trải nghiệm đáng nhớ về kí ức tuổi thơ được đắm mình trong những làn điệu dân ca, ca dao, những lời ru à ơi của mẹ đã chi phối và khơi nguồn cảm hứng đặc biệt trong học tập và nghiên cứu khoa học của chàng sinh viên Nguyễn Phú Trọng. Ông bộc bạch: Tôi đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, rồi Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu…, những hồn thơ đậm chất dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà năm cuối khóa học tôi chọn đề tài "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình… Tôi đã tìm thấy phong vị ca dao dân ca đậm đà trong thơ Tố Hữu – một hồn thơ trữ tình, dịu ngọt mà khỏe khoắn, tràn đầy nhựa sống, tỏa sáng lý tưởng cách mạng, rất mới mẻ đối với trang lứa chúng tôi, và có sức lôi cuốn, hấp dẫn chúng tôi đến kỳ lạ.
Sau này khi tốt nghiệp Đại học, được nhận về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), bài báo đầu tiên trong cuộc đời làm báo của Tổng Bí thư là bài viết Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu, đăng trên Tạp chí Văn học (số 11/1968). Bài báo được đăng là một niềm vui sướng, một kỷ niệm đẹp mà ông không bao giờ quên. Ông tâm sự, đó là bài viết đầu tiên được đăng báo, được thai nghén, ấp ủ hàng năm trời. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm tôi vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp đó, vẫn giữ số báo biếu, phong bì và phiếu nhận nhuận bút mà Tạp chí Văn học gửi.
Là người có tâm hồn đôn hậu, nhạy cảm với những biến chuyển của thời cuộc, gắn bó mật thiết với quê hương, sau này dù được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách đặc biệt trên nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý, chịu nhiều tác động của bối cảnh, tình hình khách quan và áp lực công việc nhưng ông vẫn luôn giữ cốt cách, phẩm chất của người sĩ phu Bắc Hà “trọn đời vì nước, vì dân”.
Trong nhiều bài phát biểu chỉ đạo tại các Hội nghị quan trọng, Tổng Bí thư thường viện dẫn những câu nói của người xưa, những câu ca dao, tục ngữ, những vần thơ giản dị, mộc mạc để truyền đi những thông điệp nhân sinh.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhấn mạnh vào một trong những giải pháp cơ bản để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp các ngành cần quan tâm, chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội ("Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên nhường dưới"; "Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Thật thà là cha quỷ quái"; "Tôn sư trọng đạo"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thuỷ chung son sắt (bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu năm 1954).
Theo Tổng Bí thư, mỗi người Việt Nam cần phải ra sức xây dựng, phát triển và bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước những nguy cơ “xâm lăng” văn hóa. Bởi “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. "Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát Dân ca!".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022. Ảnh: qdnd.vn
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Tổng Bí thư tâm sự: Chẳng mấy khi được dự một Hội nghị có quy mô lớn với nội dung rất quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt như thế này; lại được gặp mặt thân mật và trang trọng với hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong cả nước, tôi rất vinh dự, xúc động và muốn giãi bầy một đôi điều có tính chất tâm sự, tâm tình thêm bằng cách nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pa-ven Coóc-xa-ghin - nhân vật chính trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky - một cuốn sách "gối đầu giường" của lớp thanh niên cỡ tuổi chúng tôi thời những năm 1959 - 1960. Đại ý thế này: Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!
Có thể nói, những bài học đầu đời từ những lời răn dạy của cha qua những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu dân ca, tiếng ru à ơi của bà, của mẹ, trong đó chứa đựng những bài học sâu sắc về đạo lý làm người, về tình cảm thủy chung sau trước của người Việt, về lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn, da diết…, đã theo suốt cuộc đời của Tổng Bí thư, để rồi dù ở bất cứ cương vị, trọng trách nào, lời nói, hành động và những quyết định chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ nền tảng văn hóa truyền thống và những giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Dù Tổng Bí thư đã “đi xa” nhưng những di sản mà ông để lại có giá trị to lớn, cổ vũ, động viên và tiếp thêm động lực tinh thần, củng cố niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhớ về Tổng Bí thư, người dân Việt Nam sẽ nhớ mãi hình ảnh một nhà lãnh đạo có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; người có đức tính giản dị, khiêm nhường, một nhân cách văn hóa lớn của dân tộc, đất nước.
----------------
Các dòng in nghiêng trích từ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 563-564
TS Nguyễn Huy Phòng