CNXH đang dần hiện hữu ở Việt Nam dưới sáng tư tưởng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng với nhiều vị trí, cương vị lãnh đạo khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, quyết tâm xây dựng một chế độ xã hội phát triển vì con người, phát triển để nâng tầm lương tri, phẩm giá con người. Điều đó chỉ có thể có được trong chế độ xã hội XHCN.
Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội “... trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội…, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…, phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai…”[i].
Theo Tổng Bí thư, chỉ có CNXH mới hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, “không có sự cạnh tranh chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”, “không vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người”, “không có kiểu cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các phe nhóm…”[ii]. Đây là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại.
Quan điểm về CNXH của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ dừng lại ở mặt lý luận, mong muốn mà đã, đang dần được định hình ngày càng rõ trong xã hội Việt Nam. Những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng CNXH, đặc biệt là qua gần 40 năm đổi mới đất nước đã minh chứng cho điều này.
Về mặt kinh tế, nền kinh tế nước ta từ chỗ xuất phát điểm thấp, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhân dân nhiều nơi còn thiếu ăn, thiếu mặc, thu nhập bình quân đầu người ở nhóm thấp nhất thế giới... đến nay, nền kinh tế đất nước không những đã thoát khỏi khủng hoảng, khỏi tình trạng nước kém phát triển, mà đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, hướng tới thu nhập trung bình cao trong những năm tới. Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, có quy mô, trình độ khoa học - công nghệ của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân trên khắp các vùng, miền đều được nâng lên.
Về mặt xã hội, những thành quả của sự phát triển kinh tế đã lan tỏa, tạo điều kiện, là tiền đề cho thực hiện, nâng cao thành tựu trên các lĩnh vực xã hội. Các thành tựu về tiến bộ và công bằng xã hội đã trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt thành tựu mang tính điển hình của thế giới, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công, sớm hơn dự định nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động. Đồng thời với sự cải thiện về thu nhập, mức độ văn minh thể hiện qua các chỉ số nhà ở, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, như y tế, giáo dục, nước sạch, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt, tỷ lệ hộ gia đình có đồ dùng có giá trị. Phương tiện thông tin liên lạc hiện đại của người dân Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Về mặt văn hóa, đó là sự sẻ chia yêu thương, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau càng càng phát triển. Cộng đồng 54 dân tộc anh em trong ngôi nhà chung Việt Nam rất giàu bản sắc văn hóa. Dân tộc ta vốn có truyền thống tương thân, tương ái, trọng nghĩa tình. Bản sắc đó được đúc kết và lưu truyền thành truyền thống qua lớp lớp các thế hệ. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng” trở thành sợi dây tinh thần vô giá để chan hòa gắn kết, truyền trao yêu thương, sẻ chia, đùm bọc trong mọi giai tầng và nhân dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn như thiên tai, dịch bệnh…
Những thành tựu đạt được là cơ sở hiện thực để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người
Ngày 19/7/2024, một trái tim lớn đã ngừng đập. Sự ra đi của một nhân cách lớn, một người cộng sản chân chính để lại những tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân tộc. Tuy nhiên, sự hữu hạn của sinh - tử không thể tạo nên giới hạn của một tư tưởng, một khát vọng cao đẹp. Tiếp nối những thành tựu đạt được, khắc ghi những tư tưởng, mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn lúc nào hết toàn Đảng, toàn dân tộc nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Biến những đau thương thành hành động cụ thể, chúng ta cần tiếp tục thực hiện thật tốt những ý tưởng, di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng một xã hội tốt đẹp, vì con người.
Một là, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và đại đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp cán bộ chủ chốt, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của sự đoàn kết từ người đứng đầu đến cả hệ thống chính trị với tinh thần “nhất hô bá ứng”, “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải rèn luyện nghị lực, ý chí để vượt qua những khó khăn, trở ngại; giữ vững nguyên tắc của Đảng; luôn có ý thức đấu tranh và cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Luôn quán triệt tinh thần của Tổng Bí thư về thống nhất ý chí và hành động là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công.
Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, hiện thực hóa và làm tốt hơn nữa các giá trị tốt đẹp của CNXH mà Tổng Bí thư đã căn dặn. Để hiện thực hóa mô hình CNXH ở Việt Nam, theo Tổng Bí thư, cần sự quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân theo mô hình Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Muốn vậy, phải luôn chú trọng dến lợi ích của quốc gia, dân tộc và Nhân dân. Không ngừng xây dựng một đất nước hùng cường, phồn thịnh; giữ vững độc lập, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường thế giới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.
Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, hình thành ý thức “tự soi”, “tự sửa”, ý thức phụng sự, tinh thần xả thân, lối sống giản dị của cán bộ, đảng viên. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ kiên trung; là một người thực hành rất tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc đến câu nói trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơrốp-xki: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho Nhân dân!”. Đó chính là lý tưởng cao đẹp mà mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc trong mỗi hành động, việc làm.
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tổng Bí thư không chỉ nêu cao tư tưởng, khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người mà bằng những hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí đã góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng ấy. Biến đau thương thành hành động, mỗi người Việt Nam cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng, để tư tưởng, tình cảm, nhiệt huyết cháy bỏng của người cộng sản chân chính, mẫu mực ấy hòa cùng những bước phát triển mới của đất nước trong tương lai.
[i] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21
[ii] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Sđd, tr.21
ĐTL