Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, cao đẹp của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo
Tuổi thơ cơ cực và nghị lực phi thường
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ. Cha của Trần Phú - một nhà nho khí tiết đã tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của thực dân. Tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đau thương, cơ cực. Truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần hun đúc nên người thanh niên giàu lòng yêu nước, giàu chí khí, nghị lực, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, luôn có tinh thần học hỏi, vươn lên.
Được sự cưu mang, đùm bọc của người thân, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với nghị lực phi thường, Trần Phú luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Trường Quốc học Huế, Trần Phú khước từ chốn quan trường, chọn con đường lập nghiệp làm thầy giáo ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Với kiến thức uyên thâm, tình thương và đức độ, thầy giáo Trần Phú đã góp công đào tạo được nhiều học trò học giỏi, truyền cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do, tạo ra lớp người có ích cho dân, cho nước.
Là một trí thức yêu nước, trăn trở tìm đường cách mạng, tháng 7/1925, đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt, sau đó được Hội cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Trong thời gian này, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động. Bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, theo yêu cầu của tổ chức đồng chí đã trở lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.
Mùa Xuân năm 1927, Trần Phú được cử sang Liên Xô học ở trường Đại học Phương Đông. Kết thúc khóa học, tháng 11/1929 đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động.
Về nước khi Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Nguyễn Ái Quốc tổ chức, tháng 7/1930 đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị.
Khẩu hiệu cách mạng đồng chí Trần Phú để lại cho đời sau
Nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Từ nước ngoài trở về, để nắm chắc thực tiễn, đồng chí Trần Phú Phú luôn xông xáo với những chuyến khảo sát thực tế trong đời sống công nhân, nhân dân lao động từ đó đúc kết kinh nghiệm, rút ra những bài học quý báu để khởi thảo “Luận cương Chính trị” của Đảng. Nhờ vậy, bản “Luận cương chính trị” đã phản ánh rõ nét tình hình thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
“Luận cương chính trị” do Trần Phú dự thảo được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào tháng 10/1930, là văn kiện quan trọng của Đảng đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trong “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Luận cương đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải tính chất, mục đích, nhiệm vụ, phương pháp, động lực chính của cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng,… Đánh giá về ý nghĩa của “Luận cương chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta không ngừng được củng cố và tăng cường. Bản “Luận cương chính trị” đã đánh dấu những mốc son trong kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.
Với công lao, năng lực, đạo đức và uy tín của mình, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Một thanh niên mới 26 tuổi đời đã đảm nhận một nhiệm vụ cực kỳ to lớn, vừa quan trọng, vẻ vang, lại vừa khó khăn trong hoàn cảnh đặc biệt.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ Vô sản; Tạp chí Cộng sản; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng của kẻ thù,…
Được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Phú, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên tăng nhanh. Tại nhiều tỉnh, thành đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Khu tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất trước kẻ thù, về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân
Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Bắt được Trần Phú, kẻ thù tưởng sẽ nắm được toàn bộ bí mật của Đảng, từ đó tiến hành đàn áp, đè bẹp được phong trào cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chúng đã không từ một thủ đoạn tàn bạo, quỷ quyệt nào từ dụ dỗ, mua chuộc đến cực hình, tra tấn nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung.
Sau 5 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng khi mới bước vào tuổi 27 - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng. Trước lúc ra đi, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời hiệu triệu: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!".
Dù đã cách xa chúng ta chúng ta gần thế kỷ, nhưng lời hiệu triệu "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" của Tổng Bí thư Trần Phú vẫn luôn vang vọng. Đó là là lời nhắn nhủ, niềm mong ước các thế hệ tiếp nối hãy luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh, chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng của Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cái nhân; không được dừng bước trước mọi trở ngại, hiểm nguy; không nao núng, sa ngã trước mọi cám dỗ của cuộc sống; không ngừng học tập, rèn luyện gương mẫu trong mọi việc; kiên định lý tưởng, mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên nguyện không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, khí phách cao đẹp của người cộng sản, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thực hiện mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đào Tùng