Cách đây 60 năm, ngày 22/11/1963, Tổng thống Mỹ J. F Kennedy bị ám sát sau gần ba năm tại vị. Vì những đóng góp mà Kennedy đã làm được cho nước Mỹ nhưng lại ra đi khi tuổi đời còn trẻ và sự nghiệp còn dang dở, nên một trong những chủ đề gây tranh luận cho đến tận hôm nay là: nếu ông không bị ám sát, liệu Hoa Kỳ có đổ quân vào Việt Nam để rồi nhận thất bại ê chề hay không?
Mark White, giáo sư lịch sử của Đại học Queen Mary, London, cho rằng trong tất cả các vấn đề có thể quyết định di sản và danh tiếng của Kennedy nếu ông không bị sát hại, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam. Lyndon B. Johnson, hai mươi tháng sau khi trở thành tổng thống, đã đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh toàn diện trên bộ ở Việt Nam và trở thành một thảm họa. Vì thế có câu hỏi: Liệu Kennedy có đưa ra quyết định tương tự không?
Lập luận cho rằng Kennedy sẽ không đưa quân trực tiếp xâm lược Việt Nam
Một là, Kennedy có xu hướng tập trung vào các vấn đề đối ngoại trong bối cảnh của chiến tranh lạnh. Ngay đầu nhiệm kỳ, Kennedy đã phải đối phó với vấn đề lớn là cuộc chạy đua hạt nhân giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Vấn đề này ông cũng từng đề cập tới trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1961 của mình. "Hãy để cả hai bên tìm cách khơi dậy những điều kỳ diệu của khoa học thay vì nỗi kinh hoàng của nó. Hãy cùng nhau khám phá các vì sao, chinh phục sa mạc, diệt trừ bệnh tật, khai thác độ sâu của đại dương và khuyến khích nghệ thuật và thương mại''.
Ông đã phải chịu đựng một cuộc họp thượng đỉnh căng thẳng và gay gắt ở Vienna vào tháng 6/1961 với người đồng cấp Liên Xô Nikita Khrushchev. Tại hội nghị thượng đỉnh này, Khrushchev đã yêu cầu Hoa Kỳ rời khỏi Tây Berlin trong vòng sáu tháng. Kennedy đáp lại một cách thẳng thắn rằng những yêu cầu của Liên Xô đối với Berlin là không thể chấp nhận được.
Sau đó, Kennedy tuyên bố tăng cường quân sự để truyền đạt ý tưởng tới Khrushchev rằng ông sẽ không lùi bước trước Berlin. Bức tường Berlin được xây nhưng Khrushchev đã từ bỏ yêu cầu Hoa Kỳ rút khỏi Tây Berlin.
Mặc dù tháng 4/1961, Kennedy bị tai tiếng vì thất bại trong việc hỗ trợ cho các lực lượng lưu vong Cuba thực hiện chiến dịch Girón, hay còn gọi là chiến dịch Vịnh Con Lợn, nhằm lật đổ Chính phủ cách mạng Cuba, nhưng sau đó, tháng 10/1962, ông lại xử lý thành công cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Đến tháng 8/1963, tại Moscow, Hoa Kỳ lại cùng với Liên Xô, Vương quốc Anh ký Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, làm dịu bớt nỗi lo về cuộc chạy đua hạt nhân mà chính ông thể hiện diễn văn nhậm chức của mình.
Những thành công về chính sách đối ngoại này làm tăng khả năng Kennedy sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1964, và sẽ định hình chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho đến tháng 01/1969.
Cố vấn Mỹ đang huấn luyện quân đội Sài Gòn sử dụng súng phóng lựu M79
Hai là, Kennedy chưa có một kế hoạch cụ thể cho cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Thủ tướng Anh Harold Macmillan nhận xét rằng mặc dù Kennedy là một người điều hành nhanh chóng một cách ấn tượng, nhưng không phải lúc nào ông cũng có cái nhìn rõ ràng về bức tranh toàn cảnh. Quan chức Bộ Ngoại giao U. Alexis Johnson cũng nhận thấy rằng Kennedy “không phải là người mà bạn có thể trình bày một kế hoạch kéo dài sáu, tám, mười tháng sau đó và mong đợi bất cứ điều gì cản trở phản ứng từ anh ấy”. Phải chăng đây là một điểm yếu cho phép ông thực hiện chiến dịch Vịnh Con Lợn và các biện pháp chống lại cách mạng Cuba khác mà không xem xét Khrushchev có thể phản ứng như thế nào (đưa tên lửa vào Cuba). Trong trường hợp của Việt Nam, không có bằng chứng nào cho thấy Kennedy đã quyết định có nên tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện trên bộ ở đó hay không; và quan điểm đó nhất quán với xu hướng tập trung vào ngắn hạn của ông.
Ba là, Kennedy có xu hướng yêu cầu Việt Nam Cộng hòa phải tự làm lấy công việc của mình. Quan điểm này được tiết lộ qua những phát biểu của ông trước báo chí vào mùa thu năm 1963, chỉ vài tháng trước khi ông qua đời. Trong cuộc phỏng vấn ngày 02/9/1963 với nhà báo Walter Cronkite, Kennedy nói rằng: “Trong phân tích cuối cùng, đó là cuộc chiến [miền Nam Việt Nam] của họ. Họ là những người phải thắng hoặc thua.” Tuy nhiên, cũng trong cuộc phỏng vấn, ông nói: “Tôi không đồng ý với những người nói rằng chúng ta nên rút lui” khỏi Việt Nam vì đây là “một cuộc đấu tranh rất quan trọng”. Xu hướng này được củng cố bằng việc Kennedy từng phớt lờ đề nghị của Walt Rostow và Tướng Maxwell Taylor, thu năm 1961, đề nghị ông điều động 8.000 quân Mỹ tới miền Nam Việt Nam. Ngày 11/10/1963, ông phê duyệt Chỉ thị về an ninh quốc gia số 263 (NSAM-263), chấp thuận các khuyến nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Maxwell Taylor. Chỉ thị này cho rằng do những tiến bộ lớn đạt được trong việc chống lại quân nổi dậy trong chiến tranh Việt Nam, nên 1.000 cố vấn Mỹ có thể rút khỏi Việt Nam vào cuối 1963 và phần lớn lực lượng cố vấn Hoa Kỳ sẽ rút vào năm 1965.
Báo New York Times ngày 23/11/1963 mô tả vụ ám sát Kennedy
Bốn là, Kennedy có thái độ hoài nghi lành mạnh đối với giới lãnh đạo quân đội cấp cao. Sự hoài nghi này bắt nguồn từ những ngày đầu của Kennedy ở Nhà Trắng, một nhân vật quân đội cấp cao trình bày phản đối các chính sách quốc phòng của chính quyền mới. Kennedy buộc phải yêu cầu bất kỳ tuyên bố nào của họ với báo chí đều phải nhận được sự chấp thuận trước của Nhà Trắng. Thất bại trong cuộc đổ bộ vào Vịnh Con Lợn làm tăng thêm sự nghi ngờ của Kennedy. Quân đội đã phê duyệt một hoạt động của CIA nhưng hóa ra lại là một thảm họa, gây ra nỗi nhục nhã lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Quân đội thúc giục ông giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa bằng cách ném bom Cuba, ngay cả sau khi chính quyền đã đạt được sự đồng thuận ủng hộ lựa chọn thận trọng hơn là phong tỏa hải quân. Sự nghi ngờ của Kennedy rằng quân đội có thể trở nên hung hãn một cách nguy hiểm được xác nhận qua phản ứng của Tướng Curtis LeMay và Đô đốc George Anderson đối với giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tên lửa: họ thất vọng, thậm chí tức giận. LeMay, người đề xuất một cuộc xâm lược nhanh chóng vào Cuba, càu nhàu “Thất bại lớn nhất trong lịch sử của chúng ta”.
Lập luận cho rằng khả năng Kennedy sẽ điều quân xâm lược Việt Nam nếu không bị ám sát
Một là, tác động của cuộc đảo chính chống lại Ngô Đình Diệm tháng 11/1963. Sự bất ổn kinh niên xảy ra ở miền Nam Việt Nam sau đảo chính khiến cho việc hoạch định chính sách ở Việt Nam trở nên khó khăn đối với Hoa Kỳ. Sau cái chết của Ngô Đình Diệm, một loạt chính phủ ''phù du'' được thành lập. Điều này, một mặt khiến Mỹ sẽ bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột khi nước này nỗ lực chống đỡ các chính phủ ngày càng yếu kém ở Sài Gòn. Mặt khác, sự tham gia của Washington vào cuộc đảo chính khiến một số nhà hoạch định chính sách tin rằng họ có trách nhiệm hỗ trợ các chế độ sau đó ở miền Nam Việt Nam. Việc Hoa Kỳ bị mắc kẹt sâu hơn bao giờ hết ở Việt Nam sau khi lật đổ Diệm cũng có thể tồn tại trong nhiệm kỳ tổng thống Kennedy hậu Dallas.
Hai là, thành tích leo thang trên thực tế của Kennedy ở Việt Nam cũng cho thấy ông sẽ tham chiến. Bất chấp sự thận trọng khi giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế và từ chối gửi quân chiến đấu đến miền Nam Việt Nam, Kennedy vẫn leo thang sự can dự của Mỹ ở đó. Khoảng 700 quân nhân Hoa Kỳ đã có mặt ở miền Nam Việt Nam khi ông nhậm chức. Khi ông qua đời, con số đó lên khoảng 16.000 người. Tất nhiên con số đó vẫn còn rất xa so với con số hơn nửa triệu quân mà Johnson đã gửi đến Việt Nam. Mô hình leo thang trong những năm Kennedy có thể được ngoại suy sang nhiệm kỳ tổng thống Kennedy hậu Dallas để chứng minh rằng ông sẽ leo thang hơn nữa trong việc triển khai bộ binh ở miền Nam Việt Nam.
Như vậy, vẫn có ít nhất hai luồng ý kiến, lập luận về việc liệu Kennedy hậu Dallas có đưa quân tham chiến tại Việt Nam hay không. Lịch sử đã diễn ra nhưng các giả định của lịch sử vẫn luôn hấp dẫn.
L.V.S