Theo các nhà phân tích, những gì diễn ra trong vài ngày tới – động thái của các bên sau khi tin tức Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời được đưa ra, cũng như nguyên nhân vụ tai nạn mà Iran công bố - có thể quyết định liệu hai nước có thể tìm đường thoát khỏi một số cuộc khủng hoảng hay không.
Chương trình hạt nhân
Về lâu dài, vấn đề quan trọng nhất giữa hai bên được cho là những xung đột tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran.
Phần lớn chương trình hạt nhân Iran đã bị hạn chế sau khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Donald J. Trump, Washington đã từ bỏ thỏa thuận. Iran sau đó tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân - làm giàu đến mức gần có thể sản xuất bom.
Chương trình hạt nhân nằm dưới sự kiểm soát của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở Iran. Ông Raisi đã đóng vai trò gì trong việc ra quyết định ở Tehran về chiến lược hạt nhân vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Song các quan chức Mỹ cho rằng sau khi gần đạt được thỏa thuận với Iran thông qua trung gian là châu Âu hai năm trước, những nỗ lực đàm phán gần như đã sụp đổ.
Trở lại thời điểm gần đây, mới tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian, người nằm trong số quan chức qua đời sau tai nạn trực thăng, đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi. Ông Grossi đang yêu cầu được tiếp cận gần hơn với các cơ sở hạt nhân rộng lớn của Iran.
Những diễn biến này đặt ra câu hỏi liệu Iran sẽ đi xa đến giai đoạn sản xuất vũ khí hạt nhân, hay tận dụng vị thế của mình như một cường quốc có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân nhanh chóng.
Câu hỏi cũng đè nặng lên các cuộc đối đầu khác trong khu vực. Khi Iran bắn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào Israel hồi tháng trước, Mỹ đã phối hợp với Israel và các lực lượng khác bắn hạ những vũ khí này. Nhưng toàn bộ cuộc va chạm lắng xuống sau phản ứng tương đối khiêm tốn của các bên.
Theo các nhà bình luận trên New York Times, điều này dường như là tín hiệu cho thấy Iran đã mở rộng mạnh mẽ chương trình tên lửa và tầm bắn dưới thời ông Raisi – và đang chuyển sang các kỹ thuật nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel.
Một vấn đề khác là việc Iran được cho là đang trang bị vũ khí cho người Houthi - nhóm phiến quân kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen và thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công tàu bè ở biển Đỏ gần đây. Iran cũng được cho là đang cung cấp vũ khí và công nghệ cho Hamas và Hezbollah, những nỗ lực được cho là ngày càng mở rộng dưới thời ông Raisi.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ gần đây cảnh báo rằng khi cuộc bầu cử tổng thống của nước này đến gần, họ dự đoán các nỗ lực tấn công mạng từ Iran sẽ gia tăng.
Khi Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao qua đời, chưa rõ các vấn đề này sẽ phát triển theo hướng nào.
Tương lai thách thức
Theo các nhà bình luận trên Foreign Policy, việc ông Raisi qua đời đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên ngắn ngủi nhưng đầy biến đổi trong nền chính trị Iran, khi nước này đi theo đường lối cứng rắn và Trung Đông lo ngại đi gần đến một cuộc chiến tranh khu vực. Trong gần ba năm nắm quyền, ông Raisi được cho là đưa chính sách xã hội và chính trị trong nước theo hướng bảo thủ hơn và đưa nước này tiến gần hơn với vai trò là đối thủ của Mỹ.
Các chuyên gia nói rằng dù bất kể ai thay thế Raisi, chiến lược mà ông theo đuổi vốn đã được củng cố trong giới lãnh đạo chính trị và giáo sĩ cấp cao của Iran, nên khó có thể thay đổi.
Cuối cùng, khi các cuộc bầu cử phải diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới, trong bối cảnh không có nhiều người có thể kế vị Lãnh tụ tối cao Khamenei ngoài con trai Mojtaba Khamenei, cái chết của ông Raisi có thể khiến tương lai chính trị của Iran phải đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong số đó là việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình, theo các nhà bình luận.
Nguồn: vtc.news.vn