Ngày nay, AI đóng vai trò lớn trong các lĩnh vực như sức khỏe, thiết bị di động, giáo dục, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử, truyền thông, tài chính,... Hầu hết các ngành đều đã và đang ứng dụng rất tốt công nghệ này. Giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng và diễn ra với chiều hướng phức tạp trên khắp toàn cầu, liệu AI có thực sự giúp con người một tay trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh?
Trong đại dịch, Trung Quốc đã chứng minh được lợi thế của AI như một công cụ xử lý khủng hoảng. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, quốc gia tỷ dân này lập những mô hình y tế chuẩn từ Big data rồi đưa vào hệ thống y tế từ cấp cao nhất đến thấp nhất để kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Thiết bị tự xác định người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng bằng AI ở Trung Quốc
Một ví dụ điển hình cho sự thành công của AI ở Trung Quốc là giúp những công nghệ như chụp X quang được phát huy hết sức mạnh, từ đó tăng tốc khả năng chẩn đoán số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19.
Các quốc gia khác trên thế giới hiện cũng đang hợp nhất các công nghệ AI chuyên dụng để nâng cao khả năng nhận diện vùng nhiễm, tăng cường khả năng chẩn đoán Covid-19 trên các bệnh nhân.
Tình trạng toàn cầu hóa đi kèm với hoạt động xã hội của con người ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn đề di cư, khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng và xa rộng hơn, đưa nhiều quốc gia vào thế vỡ trận, khó kiểm soát.
Đeo khẩu trang nơi công cộng được nhiều nước khuyến cáo hay chế tài nhằm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước thực tế đó, nhiều công ty công nghệ đã phát triển các giải pháp phần mềm dựa trên AI để theo dõi, nhận biết và báo cáo sự lây lan của virus từ các nhóm dân cư cũng như mức độ di cư. Công nghệ này dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư, ảnh hưởng đến tự do dân sự, chính sách của các quốc gia,...
Các ứng dụng này dự đoán nhóm dân cư, cộng đồng nào dễ bị tác động tiêu cực nhất, từ đó gửi thông tin cho họ kèm theo lời khuyên, tình trạng y tế và dịch bệnh ở địa phương mà không cần phải trực tiếp đến bệnh viện, giúp kịp thời tránh xa những khu vực nguy hiểm.
Chăm sóc sức khỏe bằng công nghệ chatbot
Chatbot không phải là một công nghệ quá xa lạ trong những năm gần đây. Công nghệ này được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như thương mại hay dịch vụ. Tuy vậy, trong lĩnh vực y tế, vai trò của chatbot còn khá mờ nhạt.
Để tô điểm công dụng của AI trong chăm sóc sức khỏe, nhiều công ty và cơ quan, tổ chức chính phủ đã phát triển chatbot trợ lý ảo đa ngôn ngữ dựa trên trí tuệ nhân tạo. Những phần mềm có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến Covid-19 và cung cấp thông tin, hướng dẫn rõ ràng, đề xuất các biện pháp bảo vệ, thậm chí kiểm tra và theo dõi các triệu chứng dịch bệnh.
Một camera đơn giản được tích hợp cảm biến nhiệt và phần mềm nhận dạng khuôn mặt có thể phát hiện ngay lập tức người bị sốt nhờ đo thân nhiệt, cũng như biết được ai đang có hoặc không có đeo khẩu trang.
Công nghệ này có thể được sử dụng ở các sân bay và kiểm soát vùng biên giới, thay thế cho máy quét hình ảnh hồng ngoại truyền thống hay nhiệt kế cầm tay đã được sử dụng phổ biến ở nhiều địa điểm công cộng.
Các công ty công nghệ lớn giới thiệu nhiều hệ thống nhận thân nhiệt tiên tiến chạy AI ở những nơi bao gồm ga tàu điện ngầm và đường sắt. Ưu điểm của các hệ thống này là chúng có thể sàng lọc mọi người từ xa, và trong vòng vài phút có thể kiểm tra hàng trăm người bị sốt.
Với sự giúp đỡ của robot, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, việc khử trùng hàng hóa đồ đạc và thậm chí toàn bộ phòng ốc, xưởng, xí nghiệp có thể được thực hiện hoàn toàn tự động, mà không cần có sự tham gia trực tiếp của con người.
Nhiều công ty đã chế tạo máy rửa tay và khử trùng tự động nhằm làm vệ sinh trên quy mô lớn mà không cần sự tham gia của con người, từ đó giúp giảm thiểu sự lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, góp phần khống chế dịch.
Covid-19 đẩy nhanh sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo để làm những công việc thay thế con người, tham gia trực tiếp các công việc chữa bệnh, cứu người, giúp giảm sự tiếp xúc của nhân viên y tế, công nhân khi phải làm việc giữa mùa dịch.
Trong thực tế, nhiều nơi đã ứng dụng robot để làm việc mùa dịch. Một khách sạn ở Trung Quốc dùng robot để giao thức ăn cho những người cách ly hoặc bệnh nhân đang được điều trị.
Ở Tây Ban Nha, một đội robot được chuẩn bị để hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 khắp đất nước. Máy bay không người lái giao hàng cũng được phát triển và cải tiến bởi các công ty như Amazon và UPS, nhằm giảm nhân sự lao động là con người.
Quan trọng hơn cả, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ giới khoa học phát triển các kháng thể và vaccine trị Covid-19. Chẳng hạn, bằng cách sử dụng hệ thống AlphaFold của mình, công ty DeepMind chuyên về AI của Google đang tạo ra các mô hình cấu trúc protein có liên quan đến SARS-CoV-2.
Mặc dù kết quả chưa được xác minh bằng thực nghiệm, nhưng nó thể hiện một bước đi đúng hướng. Nhiều công ty công nghệ và y học khác trên thế giới cũng lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine phòng ngừa và thuốc chữa Covid-19, giảm áp lực cho ngành y tế nói chung.
Dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu kéo theo tin giả tràn lan khắp các trang web, mạng xã hội, ứng dụng, phần mềm độc hại,... Điều này thực sự nguy hiểm với người dùng mạng vì họ có thể hiểu sai và thực hiện hành động không đúng với khuyến cáo chính thức.
Để chống lại fake news, các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, YouTube đã và đang dùng trí tuệ nhân tạo để ngăn làn sóng thuyết âm mưu, thông tin lừa đảo, sai lệch và phần mềm độc hại chưa được xác minh, các trang này cũng dẫn liên kết tới trang của Bộ Y tế, cơ quan chức năng, hay thông tin trực tiếp từ WHO để người dùng nhận được thông tin đúng. Các video thông tin sai lệch được YouTube quét và gỡ xuống ngay khi chúng vừa được tải lên.
Theo khoahoc.tv