Lợi dụng những hạn chế chủ quan, duy ý chí của chủ nghĩa xã hội trước kia trong xác lập các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và sự phổ biến của kinh tế thị trường trên thế giới hiện nay, đã tái xuất hiện một số quan điểm phi mác-xít phê phán, bác bỏ tính tất yếu của chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thêm nữa, họ còn rêu rao, ngay cả C.Mác và Ph.Ăngghen cũng không chú trọng công hữu! Để hiểu rõ vấn đề, trước hết cần trở lại với chế độ công hữu trong di sản kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh!
Với phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, ngay từ rất sớm, C. Mác đã nêu tầm nhìn đúng đắn: “Tất cả mọi cuộc cách mạng gọi là những cuộc cách mạng chính trị, từ cuộc cách mạng đầu tiên đến cuộc cách mạng cuối cùng, đều được tiến hành để bảo hộ sở hữu thuộc một loại nào đó”[1]. Bởi vậy, các ông mới xem quan điểm về chế độ công hữu, mà trong nhiều tác phẩm kinh điển được diễn đạt bằng thuật ngữ chế độ sở hữu xã hội, là hòn đá tảng trong lý luận cách mạng của giai cấp vô sản.
C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã xác định, sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ đầu tiên của giai cấp vô sản là: “Dùng sự thống trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”[2]. Đồng thời, các ông đã phác họa chế độ công hữu: Đất đai và các tư liệu sản xuất khác trong toàn xã hội phải được sử dụng chung một cách có tổ chức theo kế hoạch của cơ quan quản lý sản xuất là nhà nước vô sản. Chế độ công hữu không phải là mục đích, mục tiêu mà là điều kiện để thực hiện mục tiêu tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất; trên cơ sở đó, mọi công dân có nghĩa vụ phải lao động và trách nhiệm tự quản, thực hiện giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em; xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như trong chế độ tư bản chủ nghĩa; kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất, nông nghiệp với công nghiệp, làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn…
Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, các nhà kinh điển khẳng định: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”[3]. Chế độ tư hữu được đề cập ở đây là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa bóc lột lao động và nô dịch con người, chứ không phải mọi hình thức tư hữu. Sau này, các ông còn giải thích thêm, quá trình xóa bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không phải là quá trình phủ định sạch trơn mọi quan hệ sở hữu, mà là quá trình xóa bỏ sự đối kháng giữa hai cực tư bản và lao động: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”[4].
Để phòng chống mọi tư tưởng chủ quan, nóng vội thủ tiêu ngay chế độ tư hữu, Ph.Ăngghen đã sớm cảnh báo: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu...; sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[5].
Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan và các điều kiện cụ thể. C.Mác nhấn mạnh: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển; và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”[6].
Kế thừa những quan điểm của C.Mác - Ph.Ăngghen, trên cương vị lãnh tụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, V.I.Lênin chứng thực tất yếu của việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa: “Để thực sự giải phóng giai cấp công nhân, cần phải có cuộc cách mạng xã hội, xuất phát một cách tự nhiên từ toàn bộ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối xã hội chủ nghĩa...”[7].
Việc khẳng định xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là kết quả của quá trình tổng kết lịch sử xã hội loài người qua các phương thức sản xuất và các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, mà các nhà kinh điển đã thực hiện với độ khái quát hóa, trừu tượng hóa cao độ. Trên thực tế, chưa ở đâu và chưa bao giờ tồn tại một loại quan hệ sở hữu thuần khiết. Tuy có các quan hệ sản xuất thống trị, nhưng các quan hệ sản xuất "trái mùa", như ngôn từ của C.Mác mô tả, vẫn tồn tại dai dẳng và có vai trò nhất định trong nền kinh tế. Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, bắt đầu từ mùa xuân năm 1921, đã bám sát tinh thần biện chứng này, khẳng định sự tồn tại của năm thành phần kinh tế trong nước Nga Xô viết: kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, tức kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp của nông dân; kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh mô tả rất sinh động các thành phần kinh tế ở vùng tự do, gắn với chúng là các hình thức sở hữu đa dạng: Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội; các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản của tư nhân, bóc lột công nhân, nhưng đồng thời cũng góp phần vào xây dựng kinh tế; kinh tế tư bản quốc gia, nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do nhà nước lãnh đạo[8].
Trong điều kiện như vậy, Người vạch rõ đường lối kinh tế đúng đắn là: 1- Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới ... 2- Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân ... 3- Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông. 4- Lưu thông trong ngoài… Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta. Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta[9].
Có thể khái quát, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thống nhất quan điểm về chế độ công hữu và thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa như bản chất và nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời, cũng rất biện chứng trong nhìn nhận bức tranh kinh tế nhiều thành phần, đa dạng về quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nếu như trước kia, do giản đơn trong tư duy và thực tiễn xây dựng chế độ công hữu dẫn kinh tế xã hội chủ nghĩa đến khó khăn, suy thoái, khủng hoảng; thì hiện nay, phải chủ động phòng tránh một kiểu tư duy giản đơn, sai trái khác: phủ nhận vị trí nền tảng của chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước! Hai yếu tố căn cốt này rất cần được nhấn mạnh lại là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới!
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.21, tr.173.
[2], [3], [4],[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 626; 616; 618; 469.
[6] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, t.13, tr.15-16.
[7]V.I.Lênin:Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t 6, tr 518.
Minh Trí