Khi tòa nhà lãnh sự quán Iran bị phá hủy ở Syria vào tháng 4, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ trừng phạt Israel, nhưng cuộc trả đũa đó đã không dẫn đến chiến tranh toàn diện.
Ba tháng sau, Israel bị quy trách nhiệm trong vụ ám sát chỉ huy quân sự của Hezbollah và lãnh đạo chính trị của Hamas chỉ cách nhau vài giờ . Tuy nhiên, cũng như trước đó, cuộc xung đột lớn hơn mà nhiều người lo ngại đã không nổ ra.
Vụ Israel ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah vừa qua tại Beirut, Li Băng đã giáng một đòn thậm chí còn lớn hơn. Mặc dù vậy, theo các quan chức chính phủ Mỹ và Trung Đông cùng các chuyên gia khu vực, vụ ám sát vẫn khó có thể gây ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran.
Thay vào đó, Iran sẽ tập trung vào việc xây dựng lại nhóm chiến binh ở Li Băng và duy trì lực lượng ủy nhiệm của mình hoạt động càng lâu càng tốt, họ cho biết.
Bất chấp mọi lời đe dọa, những gì Iran gọi là "trục kháng chiến" trên thực tế đã một lần nữa để lộ điểm yếu của mình. Nguồn thạo tin dẫn đánh giá của giới chức Mỹ cho rằng cả Hezbollah và bản thân Iran đều đã bị suy yếu và có ít lựa chọn, khiến họ khó có thể leo thang xung đột.
Có những dấu hiệu ban đầu từ các quan chức cho thấy Iran sẽ kiềm chế như họ đã thể hiện sau những hành động gần đây khác của Israel. Điều đó có thể do Iran e ngại sức mạnh quân sự của Israel và việc Mỹ đã điều động nhiều lực lượng hơn vào khu vực để ngăn chặn một cuộc tấn công lớn vào đồng minh.
Ông Mohammad Javad Zarif, trợ lý cấp cao của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và là cựu bộ trưởng ngoại giao, phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 29/9: "Chúng tôi sẽ phản ứng vào thời điểm thích hợp theo lựa chọn của mình".
Tuyên bố cho thấy Tehran mong muốn giữ xung đột ở mức độ an toàn. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Iran sẽ là khôi phục sức mạnh của các nhóm chiến binh mà họ ủng hộ trong khu vực và đảm bảo không bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện.
Theo ông Vali Nasr, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và là giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Johns Hopkins, tại Li Băng, ưu tiên của Iran là bảo vệ những gì còn lại của Hezbollah.
"Ưu tiên của Iran là răn đe, họ không muốn một cuộc xung đột lớn hơn ngay bây giờ và họ nghĩ Israel cũng vậy. Vấn đề hiện nay không phải là trả thù cho thủ lĩnh Hezbollah, mà là xây dựng lại vị thế của họ".
Theo một nguồn thạo tin, các đồng minh Syria và Iraq sẽ trở thành kênh chuyển giao tài nguyên quan trọng của Hezbollah.
Nguồn tin cho biết Iran đang cố gắng di chuyển hàng nghìn chiến binh đến các khu vực biên giới của Li Băng và Syria, đồng thời nói thêm, trong 2 tháng qua, hàng nghìn chiến binh đã di chuyển từ Iraq tới Syria. Điều này cho thấy Tehran đang chuẩn bị tăng cường khả năng răn đe của mình.
Miri Eisen, một đại tá tình báo đã nghỉ hưu của Israel và cựu phát ngôn viên của thủ tướng, cho rằng vụ tấn công Beirut và ám sát ông Nasrallah không phải là đòn quyết định.
"Điều này không loại bỏ Hezbollah. Kho vũ khí của Hezbollah gấp 10 lần những gì Hamas từng có. Hezbollah vẫn có sự hậu thuẫn ở Iran", bà nói.
Dù vậy, việc Israel ném bom vào giới lãnh đạo và các thành viên của Hezbollah một lần nữa đã phơi bày giới hạn của Iran khi đáp trả Israel.
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran vào tháng 4 đã bị Israel ngăn chặn với sự giúp đỡ của các đồng minh. Đây có thể coi là giới hạn đáp trả của Iran đối với Israel cho đến nay, mặc dù các tướng lĩnh của nước này thường cảnh báo về một cuộc trả đũa mang tính hủy diệt. Nó đặt ra câu hỏi liệu Iran có thực sự có khả năng thực hiện các mối đe dọa hay không.
"Rõ ràng là Iran cũng phần nào choáng váng trước tất cả những điều này và cần thời gian để điều chỉnh lại. Iran sẽ vẫn thận trọng, họ hiểu rằng Israel đang trong trạng thái leo thang và tấn công. Họ sẽ quay lại với chiến thuật du kích và sự kiên nhẫn chiến lược", Barbara Slavin, một thành viên danh dự tại Trung tâm Stimson, một nhóm nghiên cứu về các vấn đề đối ngoại tại Mỹ, nhận định.
Nguồn: dantri.com.vn