Trung Quốc đề cao tầm quan trọng chiến lược của đổi mới sáng tạo khoa học - kỹ thuật đối với việc nâng tầm sức mạnh quốc gia và quốc phòng, trong đó chú trọng phối kết hợp chặt chẽ cả phương diện quân sự và dân sự trong đổi mới sáng tạo khoa học-kỹ thuật, dựa vào phát triển các công nghệ và kỹ thuật lưỡng dụng nhằm đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa đất nước nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng và coi đây như một chiến lược phát triển sức mạnh quốc gia nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng.
Từ khi Cải cách mở cửa, Trung Quốc đề cao vai trò nền tảng của phát triển khoa học-kỹ thuật đối với sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình xác định phát triển khoa học-kỹ thuật là 1 trong “4 hiện đại hóa”, yếu tố then chốt để đưa đất nước tới “thịnh vượng và quyền lực”.
Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tái khẳng định quan điểm “khoa học kỹ thuật là lực lượng sản xuất số 1”, trong đó nhấn mạnh “nhất cử nhất động” của lĩnh vực an ninh mạng và tin học hóa đều ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của quốc gia, cho nên cần nhận diện rõ tình thế và tính cấp bách của nhiệm vụ.
Đồng thời trong bối cảnh phát triển mới, Trung Quốc còn cho rằng chỉ có kết hợp chặt chẽ đặc trưng của thời đại tin học hóa và tiến trình lịch sử công nghiệp hóa, lấy sự hợp nhất tin học hóa - công nghiệp hóa làm trục chính mới có thể chiếm lĩnh cơ hội trong quá trình hướng tới công nghiệp hóa, tiếp thêm động lực thúc đẩy nâng cấp quá trình chuyển đổi mô hình công nghiệp.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quán triệt quan hệ hữu cơ giữa phát triển khoa học-kỹ thuật và sức mạnh quốc gia của Trung Quốc; trong đó xác định cần phải kiên trì coi khoa học -kỹ thuật là lực lượng sản xuất số 1, nhân tài là tài nguyên số 1, sáng tạo là động lực số 1; thúc đẩy công nghiệp hóa kiểu mới, tăng tốc xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về chế tạo, cường quốc về mạng tin học, cường quốc về số hóa [1]; đồng thời đặt ra yêu cầu hoàn thiện thể chế lãnh đạo thống nhất của Trung ương ĐCSTQ đối với công tác khoa học- kỹ thuật, kiện toàn thể chế kiểu mới trên toàn quốc, tăng cường sức mạnh của khoa học- kỹ thuật trong chiến lược quốc gia, tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên sáng tạo, nâng tầm hiệu năng tổng thể của hệ thống sáng tạo quốc gia [2].
Về cơ cấu lãnh đạo chiến lược, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết lập Ủy ban phát triển hợp nhất quân sự dân sự Trung ương do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình làm Chủ nhiệm được thành lập vào ngày ngày 22/1/2017. Đây là cơ quan quyết sách và điều phối ở cấp trung ương đối với các vấn đề phát triển hợp nhất quân sự và dân sự trọng đại, lãnh đạo thống nhất sự phát triển hợp nhất quân sự dân sự ở chiều sâu, hoạch định phát triển đối với lĩnh vực công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng.
Tiếp đó, việc thiết lập Ủy ban an ninh mạng và tin học hóa Trung ương vào tháng 3/2018 do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình làm Chủ tịch Ủy ban được coi là một dấu mốc lớn trên con đường Trung Quốc phấn đấu từ nước lớn về mạng tin học thành cường quốc về mạng tin học; đồng thời an ninh mạng và tin học hóa giờ đây được chính thức xem như “hai cánh của một con chim”, “hai bánh xe trên cùng một trục”.
Về cơ cấu tham mưu chiến lược, Ủy ban chiến lược phát triển công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc là địa chỉ tham mưu chiến lược nhằm phát triển công nghiệp khoa học kỹ thuật quốc phòng, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, lãnh đạo đơn vị, chuyên gia liên quan, tận dụng triệt để lực lượng và tài nguyên của lực lượng quân đội tại các địa bàn khác nhau, thông qua giao lưu, trao đổi và tham vấn, nghiên cứu để sự nghiệp phát triển cải cách và sáng tạo kỹ thuật công nghiệp quốc phòng của nước này được tiếp thêm sức mạnh từ bên ngoài.
Về cơ cấu nghiệp vụ, để gia tăng tốc độ chuyển hóa thành quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, Trung Quốc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo trong ngành chế tạo, trong đó đi đầu là các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia.
Về mặt cơ chế chính sách chung, Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, thúc đẩy việc giảm bớt các rào cản giữa hai nhóm công ty này, nhấn mạnh sự hợp nhất quân sự và dân sự. Quy trình, thủ tục liên quan được đơn giản hóa, quy định liên quan đến giấy phép đối với hoạt động phát triển và sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự được nới lỏng nhằm tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tham gia dễ dàng hơn vào lĩnh vực quốc phòng. Nhằm tiếp tục hoàn thiện chế độ quản lý thành quả khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, Trung Quốc xây dựng đồng bộ cơ chế áp dụng các thành quả này vào thực tế.
Về chính sách tài chính, chính quyền đầu tư nguồn tài chính lớn, đồng thời cũng đảm bảo yếu tố đầu vào thị trường được duy trì ở một mức cao. Cấp quốc gia và cấp địa phương thiết lập hàng loạt quỹ hỗ trợ với tổng số tiền lưu chuyển là hàng tỷ đô la Mỹ. Đặc điểm khá tương đồng của các quỹ trên là chính quyền cố gắng định hướng, dẫn dắt các nhà đầu tư thị trường, chứ không lấy chức năng hỗ trợ vốn làm chức năng chính. Theo đó, chính quyền sẽ bỏ ra một số tiền mang tính mào đầu, sau đó các ngân hàng, các công ty đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng tham gia đầu tư.
Về chiến lược nhân tài hải ngoại, Trung Quốc triển khai một chiến lược dài hạn đầu tư và thu hút nhân tài được đào tạo bài bản tại các nước phát triển tiên tiến nhất thế giới. Thời kỳ đầu cải cách-mở cửa, Trung Quốc tìm cách gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên ưu tú đến du học tại Mỹ và các nước tư bản phát triển nhằm nhanh chóng học hỏi, bắt kịp tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đến những năm 2007-2008 khi phương Tây đang xoay sở đối phó khủng hoảng tài chính toàn cầu thì Trung Quốc tung ra chương trình Ngàn nhân tài đột phá, từ đó làn sóng nhân tài Hoa kiều từ Mỹ và nhiều nước phát triển trở về Trung Quốc lập nghiệp trong đó có nhiều kỹ sư và các start-up từ thung lũng Silicon, góp phần tạo nên xu hướng phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ cao tại Trung Quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đánh giá rằng, một số kỹ thuật cốt lõi then chốt của Trung Quốc có sự đột phá, ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược phát triển lớn mạnh, một số lĩnh vực công nghệ cao, mới đạt được thành quả to lớn, bước vào hàng ngũ các quốc gia sáng tạo [3]. Ở đây lưu ý nhấn mạnh ba khía cạnh trong thành tựu phát triển hợp nhất quân sự dân sự của Trung Quốc. Một là, mạng lưới thông tin, viễn thông được cải tiến toàn diện. Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng đồng bộ thiết bị nền tảng phục vụ hoạt động thông tin liên lạc, thúc đẩy thực thi dự án mạng lưới thông tin nhất thể hóa trên không và mặt đất; đồng thời nỗ lực phát triển các kỹ thuật, sản phẩm, trang thiết bị an ninh mạng. Nước này cũng tìm cách tối ưu hóa việc phân bố và xây dựng các địa điểm thử nghiệm thông tin điện tử quân sự. Hai là, sự phát triển trong lĩnh vực không gian, vũ trụ được tăng cường cho cả mục tiêu quân sự và dân sự. Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng đồng bộ thiết bị cơ sở hạ tầng không gian phục vụ cả nhu cầu quân sự và dân sự. Ba là, lĩnh vực hải dương, địa cực có tiến triển không nhỏ. Trung Quốc ra sức phát triển các kỹ thuật như thăm dò, khai thác biển sâu. Sức mạnh của lực lượng hải quân Trung Quốc đang được tăng cường ưu thế vượt trội so với trước đây và so với các nước nhỏ trong khu vực.
Bên cạnh một số bước tiến quan trọng trong quá trình triển khai chiến lược phát triển hợp nhất quân sự dân sự, chiến lược này của Trung Quốc đang vấp phải và đối diện một số trở ngại và thách thức rất lớn sau đây.
Trình độ phát triển tổng thể hiện tại của ngành chế tạo thông minh còn bất cập. So với các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến nhất thế giới, trình độ phát triển ngành chế tạo của Trung Quốc vẫn lấy tái sản xuất mở rộng kiểu giản đơn làm lối đi chính; nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp ngành chế tạo thông qua sản phẩm, kỹ thuật, trang thiết bị thông minh còn chặng đường dài gian nan phía trước.
Năng lực đổi mới sáng tạo tự chủ nhìn chung chưa mạnh, trình độ nghiên cứu thiết kế phần lớn trang thiết bị chưa cao, phụ thuộc vào nước ngoài về công nghệ cốt lõi. Trung Quốc trở thành quốc gia có số lượng bằng sáng chế được đăng ký trong nước lớn nhất thế giới. Tuy vậy các bằng sáng chế thể hiện đột phá trong công nghệ, thiết kế, quy trình, hay ý tưởng tính chung chỉ chiếm khoảng 1/5 trong tổng số bằng sáng chế được đăng ký tại Trung Quốc. Tồn tại một khoảng cách không hề nhỏ về mặt chất lượng giữa Trung Quốc so với nhiều nước phương Tây và Nga trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí chiến lược và các công nghệ khí tài nền tảng công nghệ cao.
Mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật cao còn nhiều bất cập. Trung Quốc vun đắp hàng chục nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp với mục đích biến họ trở thành những công ty đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, robot và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể không lạc quan như kỳ vọng của chính quyền, 10 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang bị định giá thấp hơn 50% so với top 10 công ty cùng ngành tại Mỹ. Không ít công ty khởi nghiệp được các quan chức dung túng để đạt mục tiêu phát triển của địa phương và lợi ích riêng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Mỹ chặn Trung Quốc tiếp cận nguồn chíp điện tử tiên tiến và tìm cách kìm hãm toàn diện Trung Quốc phát triển năng lực tự chủ về công nghệ chíp điện tử. Về công cụ chế tạo, Mỹ kiểm soát chặt thiết bị và công cụ sản xuất nano chip tiên tiến không rơi vào tay Trung Quốc, cấm các công ty gồm cả công ty nước ngoài có sử dụng thiết bị hoặc công cụ của Mỹ trong sản xuất chip bán sản phẩm chip cho những công ty Trung Quốc trong danh sách đen của Mỹ. Về sản xuất, nhằm tăng tỷ lệ sản xuất chip nội địa, Mỹ một mặt thúc đẩy mở rộng sản xuất nội địa, mặt khác thu hút đồng minh đặt nhà máy sản xuất chip ở Mỹ. Về lưu thông, Mỹ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng chuỗi cung ứng chip tiên tiến toàn cầu không có sự tham gia của Trung Quốc. Về nghiên cứu, Mỹ hạn chế sự tham gia nghiên cứu và phát triển chung về học thuật giữa các công ty, phòng thí nghiệm, tổ chức giáo dục của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đồng thời, Mỹ và đồng minh thu hẹp thị trường công nghệ 5G của Trung Quốc. Công nghệ 5G không chỉ quan trọng với ngành viễn thông và mạng di động mà còn là nền tảng cho các công nghệ thế hệ tiếp theo như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật v.v. Một mặt, Mỹ tìm cách kìm hãm Trung Quốc phát triển công nghệ 5G, tác động đến một số quốc gia như Australia, Nhật Bản, Anh và New Zealand tẩy chay công nghệ và thiết bị 5G của Trung Quốc, thuyết phục các nước đang phát triển, các nước khu vực Trung Âu, Đông Âu xây dựng mạng 5G, không sử dụng thiết bị 5G Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ tự đẩy mạnh phát triển công nghệ 6G nhằm đảo ngược tình thế.
Tóm lại, trình độ phát triển của khoa học-kỹ thuật, nhất là những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao, mới đã và đang trở thành một nền tảng căn bản đối với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Sự phát triển khoa học-kỹ thuật được Trung Quốc xác định là vấn đề chiến lược trọng đại liên quan đến sự phát triển quốc gia và an ninh quốc gia. Phương hướng phát triển lưỡng dụng quân sự dân sự trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học-kỹ thuật được xác định là một chiến lược tạo sự đột phát cho sức mạnh quốc gia nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng của Trung Quốc.
Sự phát triển nhanh mạnh, sâu rộng của nền khoa học-kỹ thuật Trung Quốc có bệ đỡ là một hệ thống thể chế, chủ trương, chính sách và nguồn lực tài chính dồi dào đến từ hàng thập kỷ cải cách mở cửa. Hệ thống này được thiết lập và triển khai bài bản, đồng bộ, có trọng điểm, được hỗ trợ bởi nguồn lực tài chính lớn; giúp Trung Quốc chuyển mình mạnh mẽ từ chỗ là nước “theo sau” trở thành nước “đón đầu”, thậm chí là “tiên phong” trong một số khoa học-công nghệ cao.
Tuy vậy, một trong những điểm yếu lớn trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc là nước này chưa làm chủ được một số công nghệ cốt lõi, số lượng bằng sáng chế lớn song chất lượng chưa cao, vẫn phải lệ thuộc nhiều vào các ý tưởng phát minh, sáng chế của nước ngoài. Những hạn chế này khiến Trung Quốc còn phải chạy đường dài để có thể đạt đến vị thế một cường quốc khoa học-kỹ thuật.
Trung Quốc đang phát triển bứt phá thần tốc về công nghệ cao, nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt siêu cường Mỹ và tiên phong ở một số lĩnh vực. Siêu cường Mỹ và các đồng minh đã nhận thấy nguy cơ từ các cải cách và sự phát triển đột phá của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như sức mạnh mà chúng mang lại cho Trung Quốc; từ đó có những động thái phản đòn, ngăn chặn quyết liệt, biến cuộc cạnh tranh khoa học-công nghệ cao trở thành một tiền tuyến khốc liệt nhất trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Quang Phan
[1] “高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗” 报告[Báo cáo “Giương cao ngọn cờ vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”] do ông Tập Cận Bình đại diện Trung ương ĐCSTQ khóa 19 trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào sáng ngày 16/10/202. http://www.qxzh.zj.cn/art/2022/10/17/art_1229430981_58917280.html, truy cập ngày 17/10/2022
[2] “高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗” 报告[Báo cáo “Giương cao ngọn cờ vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”] do ông Tập Cận Bình đại diện Trung ương ĐCSTQ khóa 19 trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào sáng ngày 16/10/2022. http://www.qxzh.zj.cn/art/2022/10/17/art_1229430981_58917280.html, truy cập ngày 17/10/2022
[3] “高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗” 报告[Báo cáo “Giương cao ngọn cờ vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”] do ông Tập Cận Bình đại diện Trung ương ĐCSTQ khóa 19 trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào sáng ngày 16/10/2022,http://www.qxzh.zj.cn/art/2022/10/17/art_1229430981_58917280.html, truy cập ngày 17/10/2022.