Sớm nhận rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị đội ngũ cách mạng tiếp nối, trong quá trình thực hiện Hiệp định Geneva, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thành lập Trường học sinh cho con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, trên thực tế đã trở thành môt mô hình giáo dục đặc biệt, góp phần chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho ngày thống nhất đất nước
Tầm nhìn của Đảng và Nhà nước về đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc; cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, từ năm 1954 đến 1974, lãnh đạo các cấp, các địa phương của miền Nam đã tổ chức 3 đợt đưa thanh, thiếu nhi ra Bắc với qui mô lớn: Đợt 1 từ năm 1954 đến 1959, đưa ra theo con đường tập kết, chủ yếu bằng tàu biển; đợt 2, từ năm 1960 đến 1964, đưa ra qua đường công khai đi Campuchia, rồi từ Campuchia đi về Hà Nội; đợt 3 từ năm 1968 đến 1974, đi bằng đường giao liên vượt Trường Sơn[1].
Để nuôi dạy học sinh miền Nam, Đảng và Chính phủ đã cho lập các trường học sinh miền Nam. Giai đoạn đầu (1954-1968), có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập với các loại hình: Mẫu giáo, cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Các trường chủ yếu tập trung ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình.
Từ sau năm 1955, Đảng, Chính phủ đưa các trường về tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Hà Nam. Giai đoạn này cũng có một bộ phận học sinh miền Nam được gửi sang học tại Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ Đức. Một bộ phận nhỏ được học chung với các học sinh địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội).
Từ năm 1968-1975, có thêm khoảng 10.000 con em của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tiếp tục được đưa ra miền Bắc, chủ yếu bằng đường bộ (theo đường Hồ Chí Minh), nâng tổng số học sinh miền Nam lên 32.000 người.
Từ năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ đã quyết định chia nhỏ các trường học sinh miền Nam, sơ tán về các địa phương như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn… và một số được gửi sang Quế Lâm (Trung Quốc)[2].
Thẻ học sinh của một học sinh miền Nam quê Bạc Liêu tại Đông Tiiều, khu Hồng Quảng, (nay thuộc Quảng Ninh) (Ảnh tư liệu)
Trải qua 21 năm, miền Bắc đã đón tiếp, nuôi dưỡng, đào tạo gần 32.000 học sinh miền Nam tại 28 trường học sinh miền Nam, đứng chân tại các địa phương như: Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông[3], Hòa Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Yên[4], Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An… Nơi có nhiều trường nhất gồm Hà Đông (12 trường), thành phố Hải Phòng (10 trường). Ngoài ra, còn có các trại nhi đồng miền Nam, khu học xá ở Quế Lâm, Nam Ninh (Trung Quốc) và hàng nghìn học sinh được gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng từ mẫu giáo cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa, có cả trường cho con em đồng bào các dân tộc miền núi…
Bên cạnh Trường học sinh miền Nam còn có Trại Nhi đồng miền Nam do bà Trương Thị Sáu (vợ của nhà trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh) phụ trách. Trại gồm các cháu từ 3 đến 6 tuổi, đều là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hoặc vẫn còn đang trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.
Nơi ươm mầm những tài năng cho đất nước từ trong kháng chiến
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, với chức năng nhiệm vụ được giao là mô hình trường nội trú, vừa là gia đình có nhiệm vụ nuôi dưỡng con em, vừa là trường học có nhiệm vụ dạy dỗ, đào tạo học sinh. Học sinh được ăn ở, sinh hoạt, học tập ngay trong trường cùng với các thầy, cô và cán bộ, công nhân viên khác của nhà trường như một gia đình lớn.
Đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương. Cùng với Bộ Giáo dục lo phần chuyên môn, nghiệp vụ, trường còn được sự quan tâm đặc biệt của nhiều ban, ngành ở Trung ương và địa phương nơi có trường đứng chân. Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Lương thực - Thực phẩm, Bộ Y tế, Bộ Nội thương… đều phân công bộ phận chuyên môn lo công tác phục vụ cho các trường học sinh miền Nam.
Trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, để bảo đảm an toàn cho việc dạy và học, được sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc, một Khu học xá dành riêng cho con em miền Nam được thành lập tại Quế Lâm, Trung Quốc.
Các trường ở trong nước cũng lần lượt chuyển về các địa điểm sơ tán. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng các Trường học sinh miền Nam dù ở đâu cũng được dành những điều kiện ưu tiên nhất với những gì Đảng, Nhà nước và Nhân dân có thể làm được.
Có thể nói, trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, lại phải tập trung dồn toàn bộ nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thì những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó đều ưu tiên dành cho học sinh miền Nam.
Ba nữ sinh miền Nam chụp ảnh tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Việc thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, mà còn nói lên tình cảm cao quý thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, cũng là của Tổ quốc, Nhân dân với các cháu miền Nam lúc bấy giờ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chăm lo học sinh và trường học sinh miền Nam. Theo các tài liệu lịch sử, từ sau năm 1954, Bác Hồ đã nhiều lần trực tiếp nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo về công tác này, cũng như tranh thủ thời gian thăm một số đơn vị Trường. Có thể nói, đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu dành cho miền Nam từ những ngày gian khó, đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó"[5].
Những "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc sau này đã quay về xây dựng miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, doanh nhân có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội.
Được sống, học tập trong vòng tay yêu thương, chăm lo của Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, các thế hệ học sinh của các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã nỗ lực vượt khó, chăm lo học hành, rèn luyện và trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt.
Nhiều thế hệ học sinh miền Nam vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân như các Anh hùng Nguyễn Kim Vang, Hải Quân, Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, Anh hùng Lực lượng vũ trang trong Công an Trần Trung Thất, nhà báo Lê Đình Phụng. Đồng chí Phạm Bá Lữ và nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đày[6]… Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang học sinh miền Nam tuyệt đối trung thành, xả thân, ân nghĩa, tài hoa.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ học sinh miền Nam đi trước, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các “cựu học sinh” Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tiếp tục mang nhiệt tình cách mạng và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ cương vị chủ chốt của các bộ ban ngành ở Trung ương, nhiều đồng chí là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng.
Đặc biệt ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, rất nhiều những hạt giống đỏ học sinh miền Nam đã khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước.
Với thời gian hoạt động là 21 năm, việc thành lập, tổ chức và kết quả dạy và học của Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã thể hiện tư duy của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân ta luôn biết coi phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là gốc cho đại kế trăm năm để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước. Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, là di sản quí trong kho báu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng bài học kinh nghiệm từ hệ thống trường học sinh miền Nam vẫn giữ nguyên giá trị đối với ngành giáo dục-đào tạo hiện nay. Đó là bài học từ tầm nhìn chiến lược "trồng người" đến việc xác định và kiên định mục tiêu giáo dục, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là bài học tất cả vì học sinh thân yêu, cả hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình và xã hội cùng chăm sóc, vun trồng cho các thế hệ tương lai của đất nước[7].
Kim Dung
[1] https://baodaknong.vn/truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-tam-nhin-chien-luoc-ve-dao-tao-nguon-nhan-luc-77681.html
[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-dich-chuyen-lich-su-cua-32000-hoc-sinh-mien-nam-ra-dat-bac-20240717092155188.htm
[3] Hà Đông và Sơn Tây nay thuộc Hà Nội
[4] Nay là tỉnh Vĩnh Phúc
[5] https://baodaknong.vn/truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-tam-nhin-chien-luoc-ve-dao-tao-nguon-nhan-luc-77681.html
[6] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-tinh-hoa-quy-bau-cua-nen-giao-duc-nuoc-nha-1491860332
[7] https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-dich-chuyen-lich-su-cua-32000-hoc-sinh-mien-nam-ra-dat-bac-20240717092155188.htm