Bài đồng dao “Con mèo mà trèo cây cau” làm chúng ta liên tưởng đến thông điệp phê phán nạn vòi vĩnh, hối lộ trong xã hội phong kiến. Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, hình ảnh con mèo và bài đồng dao đã gợi lên những suy tư về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay: phải chăng cần có cơ chế kiểm soát mạnh hơn đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử… để nâng cao hơn hiệu quả công tác này?
Dịp Tết Quý Mão 2023, hình ảnh chú mèo tài lộc được in ấn, trang hoàng với nhiều hình thức đẹp đẽ, bắt mắt. Trong không khí rộn ràng của năm mới dương lịch, bất chợt, những ca từ của bài đồng dao “mèo - chuột” quen thuộc chợt hiện lên:
“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!”
Con mèo trèo cây cau (Ảnh minh họa: Internet)
Bài đồng dao cho trẻ em nên câu từ, lời lẽ rất dung dị, dễ nhớ, dễ thuộc, vì vậy mà nó in sâu trong tâm trí của chúng ta từ tuổi thơ. Nội dung bài đồng dao dễ hiểu, là cách mượn hình ảnh những con vật quen thuộc để miêu tả đời sống sinh hoạt của con người. Đây là môtíp được sử dụng phổ biến trong ca dao. Hình ảnh con mèo trèo cây cau, những sinh hoạt “hỏi thăm”, “đi chợ”, đám giỗ… rất đời thường và phổ biến. Đây là lớp nghĩa tường minh mà tác giả dân gian cung cấp những hiểu biết về cuộc sống cho trẻ em.
Song ý nghĩa sâu xa mà tác giả dân gian muốn gửi gắm chính là cho những người lớn. Thông điệp được thể hiện qua các biện pháp nghệ thuật tạo những mâu thuẫn thú vị giữa mèo và chuột. Chúng ta đều biết, mèo và chuột là hai kẻ thù, có quan hệ đối kháng đến mức sống còn. Tất nhiên, con người có thiện cảm với con mèo, bởi nó giúp bắt chuột, hạn chế sự phá hoại của chuột. Song nhân vật mèo trong bài đồng dao lại được tác giả dân gian xây dựng với hàm ý là kẻ mạnh, có quyền lực, là cường hào trong xã hội phong kiến có nhiều bất công. Chuột là kẻ thấp cổ bé họng, bị ức hiếp, như là người dân lành. Bài đồng dao như vở kịch phản ánh trật tự xã hội phong kiến nông thôn Việt Nam xưa.
Trên cơ sở tuyến mâu thuẫn đó, các nội dung khác như những hoạt cảnh ý nghĩa. Thứ nhất, con mèo “hỏi thăm chú chuột”, phải chăng đây là cách nói mỉa mai nhằm cười cợt bộ mặt nhân đạo giả tạo của kẻ đi ức hiếp, vòi vĩnh. Thứ hai, “chú chuột đi chợ đàng xa”, có thể hiểu là chuột đi mua đồ biếu mèo, mong mèo để cho chuột cuộc sống bình yên; hoặc đó là cách nói nhằm cười nhạo con mèo đã chậm chân, nên chuột đã trốn thoát? Thứ ba, câu kết kể việc chuột mua đồ làm đám giỗ cho cha mèo, nhưng vì là bị vòi vĩnh nên cách thể hiện như là câu chửi rủa. Bởi mèo có thói quen ăn nhạt (Ăn nhạt mới biết thương mèo), nên chuột chơi khăm bằng cách “mua mắm mua muối”, và khi nói “giỗ cha con mèo” cũng như là câu chửi gia tộc mèo… Như vậy, bài đồng dao dễ làm chúng ta liên tưởng đến thông điệp phê phán nạn vòi vĩnh, hối lộ, tham nhũng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tranh Đông Hồ về Đám cưới chuột.
Tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” (Ảnh minh họa: Internet)
Chúng ta có thể cảm thông, thấu hiểu cho chú chuột trong bài đồng dao, bởi nó như những người nông dân xưa sống trong xã hội phong kiến chưa có dân chủ, pháp luật còn quá nhiều khoảng trống. Khi mà vua được xem là thiên tử (con trời), “quan chi phụ mẫu”, quản lý xã hội chủ yếu dựa vào “đức trị” thì khó tránh được việc phải lấy lòng vua quan, việc đưa và nhận hối lộ. Sự ứng xử của chú chuột có thể xem là sự khôn khéo, mềm mỏng của kẻ yếu đối với kẻ mạnh để có cuộc sống yên ổn.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn được xác lập trên nền tảng tính pháp lý và tính nhân văn, thì hành động đưa và nhận hối lộ đều bị xem là vi phạm pháp luật. Để hạn chế tình trạng này đến mức thấp nhất, phải tập trung ngăn chặn từ phía người có quyền lực, bởi họ có điều kiện để vòi vĩnh, nhận hối lộ.
Ước mơ lớn nhất của nhân dân trên khắp thế giới là những người có quyền lực “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng”. Tuy nhiên, lòng tham, ham muốn ở không ít người dường như không có điểm dừng, không ít người có quyền lực thường bị tha hóa, dẫn đến tình trạng lạm quyền, lộng quyền để hưởng lợi. Tình trạng tham ô, tham nhũng là một thực tế diễn ra ở nhiều chế độ xã hội. Nên ước mơ người có quyền lực “không muốn tham nhũng” rất khó khả thi.
Vì vậy, cùng với việc đề cao “đức trị”, ngày nay các quốc gia đều chú trọng kiểm soát quyền lực để quan chức “không thể, không dám tham nhũng”. Để làm được điều này, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bằng pháp luật. Khi cơ chế kiểm soát càng chặt chẽ thì càng hạn chế, giảm thiểu hiện tượng tiêu cực này.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng thể chế, thiết chế nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước. Nước ta có rất nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát, xét xử… để thực thi pháp luật. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều quy định nhằm hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhờ đó mà công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn nữa, theo tôi, cũng như một số chuyên gia đã đề cập, cần có cơ chế kiểm soát mạnh hơn đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử… Bởi dù đã có thể chế, thiết chế khá đầy đủ, song việc thực thi lại do những con người cụ thể đảm nhiệm. Chẳng hạn như các vụ trọng án Vinashin, Vinalines trước kia, đã có khoảng 10 đoàn thanh tra, kiểm toán được tiến hành tại các tổng công ty, tập đoàn này nhưng không phát hiện sai phạm. Vậy có thực sự họ không phát hiện sai phạm hay có sự khuất tất theo kiểu con mèo “hỏi thăm chú chuột”; và chuột đã khôn khéo “chăm sóc” chu đáo? Phải chăng vì thế mà các sai phạm bị bỏ qua, xem như không phát hiện được gì?
Vậy nên cần có cơ chế gắn trách nhiệm của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với những đơn vị, những nội dung họ đã thực hiện. Tức là, nếu họ không phát hiện sai phạm, nhưng sau đó, các sai phạm bị phát hiện thì các đoàn thanh tra, kiểm tra phải liên đới chịu trách nhiệm tùy mức độ sai phạm.
Đó cũng chính là một cách thức để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Khi đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra sẽ đi vào thực chất hơn, các sai phạm sẽ sớm bị phát hiện hơn, sẽ giảm thiểu các thiệt hại, hậu quả. Đây sẽ là một biện pháp bổ sung cùng với rất nhiều biện pháp khác đã và đang được Đảng, Nhà nước thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là về khía cạnh phòng.
Anh Vũ