Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bang Virginia, tháng 4-2021.
Đây là sáng kiến do Ấn Độ và Nam Phi cùng gần 100 quốc gia khác đưa ra, trong đó kêu gọi các nước giàu tạm ngừng bảo hộ bản quyền nhằm tạo điều kiện cho những nước nghèo tự sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ứng phó với đại dịch trong nước.
Chia sẻ về quyết định này, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh, cần những giải pháp đặc biệt và chỉ có tạm từ bỏ bảo hộ sở hữu sáng chế vắc xin phòng Covid-19 mới có thể chấm dứt được dịch bệnh. Cũng theo bà K.Tai, Washington nhận thức rõ quyền sở hữu trí tuệ hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, tuy nhiên trước tình thế cấp bách hiện nay, quy định này nên tạm thời được dỡ bỏ.
Bước đi mới của Washington nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là "khoảnh khắc vĩ đại" trong cuộc chiến chống Covid-19. Khẳng định đây không phải là vấn đề từ thiện, ông T.A.Ghebreyesus nhấn mạnh, việc từ bỏ sở hữu sáng chế sẽ góp phần cải thiện năng lực sản xuất, chia sẻ vắc xin công bằng hơn, giúp các quốc gia đạt mục tiêu tiêm vắc xin để tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Về phần mình, Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI) cho rằng quyết định của chính quyền Mỹ sẽ có hiệu quả ngay lập tức đối với nỗ lực giảm sức ép về nguồn cung vắc xin toàn cầu hiện nay. Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh động thái của Nhà Trắng, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ vắc xin phòng Covid-19.
Theo giới phân tích, sáng kiến này được hoan nghênh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia lâm vào tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng. Đợt siêu lây nhiễm mới tại Ấn Độ càng khiến nguồn cung vắc xin bị cạn kiệt bởi sản lượng vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất là cốt lõi của Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX). Việc Mỹ thể hiện sự ủng hộ và đồng ý đàm phán với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu sáng chế vắc xin được xem là bước đi khéo léo của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tất nhiên, sáng kiến này có được WTO đồng thuận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như các rào cản hiện nay.
Đại diện thương mại Mỹ K.Tai cho rằng, quá trình đàm phán này cần nhiều thời gian do đây là vấn đề động chạm tới lợi ích của nhiều công ty. Việc từ bỏ sở hữu sáng chế vắc xin sẽ làm suy yếu các công ty dược, dẫn tới thụ động trong nghiên cứu giải pháp ứng phó trước đại dịch. Hiệp hội Các nhà nghiên cứu và sản xuất dược phẩm Mỹ (PhRMA) lo ngại việc này sẽ gây lộn xộn trong quá trình sản xuất, phân phối vắc xin, làm suy yếu chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để vắc xin giả hoành hành. Liên đoàn Các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) nhận định đề xuất trên không phù hợp với thực tiễn chống dịch. Thay vì việc từ bỏ sở hữu sáng chế vắc xin, các quốc gia nên tập trung dỡ bỏ rào cản thương mại, khơi thông nút thắt cung ứng vắc xin hiện nay.
Có thể thấy, trong giai đoạn cấp bách, đề xuất từ bỏ quyền sở hữu sáng chế vắc xin phòng Covid-19 nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, tiến trình này có đạt được mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào sự đồng thuận, thậm chí là hy sinh lợi ích của các công ty dược cũng như một số quốc gia.