So sánh kết quả đạt được với chi phí bỏ ra là cách đơn giản nhất để xem xét, đánh giá tính hiệu quả. Khi bàn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần phân biệt một số loại. Một là, hiệu quả kinh tế - tài chính - được tính toán dựa trên các chỉ tiêu tài chính như vốn đầu tư, chi phí, lợi nhuận… Hai là, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội không chỉ được dựa trên các chỉ tiêu tài chính mà còn đánh giá ở các khía cạnh xã hội, thậm chí là cả nhiệm vụ chính trị… Cũng cần lưu ý là, thực hiện nhiệm vụ chính trị thoạt nghe có vẻ cao xa, nhưng thực ra, đó chính là mục tiêu vì lợi ích tổng thể của quốc gia, dân tộc. Nếu đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính là cách đánh giá trực tiếp, dễ dàng đo lường, lượng hóa, so sánh thì trong đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội, việc đo lường, lượng hóa khó khăn hơn rất nhiều. Có thể thấy rất rõ, đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính của việc xây dựng một con đường đơn giản hơn nhiều so với đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc lượng hóa đầy đủ, chính xác lợi ích từ việc tiết kiệm thời gian do con đường đó đem lại cũng như lợi ích từ việc giảm thiểu tai nạn về người tham gia giao thông... lại khá khó khăn. Trong khi đây lại chính là các lợi ích xã hội.
Cơ sở quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước trong các nền kinh tế là ở chỗ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân không muốn làm hoặc không làm được vì đó là những ngành, lĩnh vực không sinh lợi trực tiếp, thu hồi vốn lâu. Chính vì thế, có những lĩnh vực, hiệu quả không được thể hiện ở việc tạo ra lợi nhuận mà là ở chỗ doanh nghiệp tạo ra kết quả tốt nhất trong giới hạn nguồn lực sẵn có, hoặc chi phí thấp nhất với kết quả đầu ra định sẵn. Có những lĩnh vực phải chấp nhận lỗ nhưng đó là mức lỗ thấp nhất, và phải được bù đắp gián tiếp thông qua việc tạo ra hiệu quả cho các lĩnh vực hoạt động khác, hoặc cho đời sống kinh tế-xã hội. Xét một cách tổng thể, lợi ích của xã hội lớn hơn chi phi phí doanh nghiệp bỏ ra. Lỗ của doanh nghiệp nhưng lợi ích mang lại cho số đông.
Do đó, trong nhiều trường hợp, khi bàn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chúng ta không chỉ bàn chuyện lỗ, lãi mà quan trọng hơn, là phương thức quản lý, cơ chế giám sát để nếu bị thua lỗ thì tổn thất là thấp nhất.
Ở Việt Nam, trong hơn 2 tháng qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang nỗ lực hết sức để đối phó với đại dịch toàn cầu Covid - 19. Ngày 09/02/2020, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) có chuyến bay viện trợ thiết bị, vật tư y tế tới thành phố Vũ Hán và đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch trở về nước. Hiệu quả kinh tế, nếu tính toán, trong trường hợp này, không hãng hàng không nào thực hiện, nhưng giá trị nhân văn, tình người, giá trị xã hội thì vô cùng to lớn mà lại không thể quy đổi thành tiền được. Các doanh nghiệp như Tổng Công ty Dệt may Việt Nam đã sản xuất và cung ứng hàng triệu khẩu trang ra thị trường cũng như trao tặng hàng chục nghìn khẩu trang cho các bệnh viện. Trước nhu cầu gạo tăng cao sau khi xuất hiện ca nhiễm số 17, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trong một ngày đã bán ra lượng gạo gấp 20-30 lần để đáp ứng nhu cầu của người dân và bình ổn thị trường. Vietel lắp đặt 700 điểm cầu truyền hình phục vụ Bộ Y tế họp để điều hành công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh, giải đáp miễn phí về dịch bệnh cho hàng chục nghìn cuộc gọi mỗi ngày qua đường dây nóng, lắp đặt cầu truyền hình cho 23 bệnh viện lớn tham gia chống dịch nhanh chóng trong vòng 1,5 ngày, vận hành ứng dụng Sức khoẻ Việt Nam, hỗ trợ công tác giáo dục thông qua miễn phí 100% dung lượng khi truy cập vào mạng xã hội ViettelStudy… Đó là một số ít ví dụ về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, điều đó cũng đủ để cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong điều tiết, ứng phó hiệu quả cũng như khả năng phản ứng nhanh chóng với các biến động.
Cả lý thuyết và thực tiễn đều chứng minh sự tồn tại tất yếu khách quan của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, đặc biệt trong các thời khắc nguy cấp, giai đoạn khủng hoảng. Doanh nghiệp nhà nước phải luôn sẵng sàng làm những việc khó, những việc mà khu vực tư nhân không thể thực hiện được và không sẵn lòng thực hiện. Và do vậy, khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cần cái nhìn toàn diện và nhiều chiều.
Hà An