Danh dự là là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp. Danh dự không phải tự nhiên có được, cũng không phải trên trời xa xuống mà được hình thành từ sự sự tu dưỡng, cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện miệt mài, đóng góp công sức, trí tuệ, cống hiến của một cá nhân đối với tổ chức, tập thể và xã hội như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng.
Trong bài phát biểu ngày 11/8/2021, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên mà trước hết là người lãnh đạo đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, phải biết liêm sỉ, giữ danh dự, bởi “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”[1].
Đối với người cán bộ, đảng viên thì danh dự, uy tín không thể đo đếm hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất, đó là điều thiêng liêng, cao quý. Lời tuyên thệ khi kết nạp Đảng là giây phút trang trọng, xúc động, tự hào: “Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ Tịch Hồ Chí Minh, xin thề: Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng...”. Đó không chỉ là một câu khẩu hiệu mà chính là lời thề - lời thề danh dự của người đảng viên.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm, lòng trung thành của người đảng viên vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lời thề thiêng liêng, cao quý ấy chính là sức mạnh, động lực giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền bối sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nhân dân tin theo Đảng, sẵn sàng đùm bọc, chở che cho cán bộ, đảng viên, hy sinh cho Đảng, gọi Đảng là "Đảng ta" một cách trìu mến, trân trọng.
Trong vai trò là công bộc của dân, lời thề đảng viên với lương tâm, danh dự, phẩm chất chính trị, giá trị, uy tín và thanh danh của người cộng sản. Giữ vững được lời thề và hành động đúng với lời thề chính là để giữ đạo đức, danh dự đảng viên, giữ được thanh danh cho Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ liêm sỉ và danh dự, hãy khắc cốt ghi tâm: “Lời thề trước Đảng – hãy giữ danh thơm, tiếng tốt”. Đó là cách để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng một cách bền vững nhất[2]. Uy tín, thanh danh của Đảng được dựng xây, bồi đắp, ngày càng được củng cố là nhờ đạo đức cách mạng, sự hy sinh, tinh thần vì nước, vì dân của những chiến sĩ cộng sản kiên trung, tiên phong ấy.
Người có liêm sỉ và danh dự, trọng danh dự khi làm một việc gì luôn cẩn trọng, suy xét một cách thấu đáo xem có ảnh hưởng đến danh dự của bản thân không, có làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của người khác, của tập thể, cộng đồng không; luôn đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân. Không lợi dụng địa vị của mình để chiếm công vi tư. Nhờ đó, người có liêm sỉ, danh dự, trọng danh dự luôn hướng tới điều thiện, điều tốt, tránh những điều xấu, điều ác. Ngược lại, người không có danh dự, không có liêm thì thứ gì cũng lấy, người không có sỉ thì việc gì cũng làm.
Tuy nhiên, uy tín, danh dự không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác về làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương vào ngày 18/6/1968: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[3]. Lời chỉ dạy của Bác vô cùng sâu sắc, thấm thía, nhất là trong tình hình hiện nay khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ cao cấp của Đảng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, mất cảnh giác, bị cám dỗ của quyền lực, địa vị, tiền tài,… làm cho suy thoái đúng như nhận định của Đảng tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII: Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tháng 5/2021, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và yêu cầu phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và danh dự của người Đảng viên. Bởi: “Nếu không liêm thì thấy thứ gì cũng dám lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất. Không có tài, không có đức mà dám cầm trọng trách thì chỉ làm cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ. Cán bộ ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ, sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình trung đã vứt bỏ danh dự, liêm sỉ, tức là làm việc đáng hổ thẹn rồi”[4].
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế, nhất là việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa toàn diện, thiếu đồng bộ, thậm chí bị buông lỏng dẫn đến có đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý. Đáng chú ý là hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên có chức, có quyền, kể cả một số cán bộ cấp chiến lược vi phạm nghiêm trọng pháp luật, phải xử lý, làm suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng. Bài học từ nhiệm kỳ khóa XII, XIII với hơn 200 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật đảng cho thấy, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, thì dù ở đâu, dù ở cương vị nào, trước cam go, thử thách, trước những cám dỗ “mồi phú quý, bả vinh hoa” thì mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc cốt, ghi tâm Lời thề trước Đảng, hãy giữ “danh thơm, tiếng tốt” để bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng. Nhưng đau xót hơn là Đảng mất cán bộ, uy tín, thanh danh của Đảng bị tổn hại, niềm tin của những cán bộ, đảng viên chân chính và nhân dân đối với Đảng bị giảm sút. Không phải ngẫu nhiên trong thời gian gần đây, người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng. Bởi công bộc của một quốc gia liêm chính phải là những người có đức, có tài, phải công chính vô tư.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn luyện mình sao cho xứng đáng với Đảng, với Tổ Quốc, với Nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất, đó là danh dự, đúng như lời của Tổng Bí thư từng nhắn gửi: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”[5]./.
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.98.
[2] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm tin của nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, NXBQGST, Hà Nội, 2023, tr.15.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672.
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm tin của nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, NXBQGST, Hà Nội, 2023, tr.29.
[5] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.366.
Phan Quang Mạnh