Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật tổ chức, hoạt động và phát triển của Đảng. Tuy nhiên, Đảng ta nhiều lần chỉ rõ, ở không ít nơi, việc tự phê bình và phê bình còn nặng hình thức, thậm chí là đoàn kết xuôi chiều. Đây cũng là những hạn chế cần khắc phục để việc tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả hơn, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tiêu cực.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Ông có nhận xét gì về công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng ở giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Viết Chức: Bác Hồ đã nhắc đi nhắc lại vấn đề này và đảo thứ tự tự phê bình trước, phê bình sau và chú trọng phê bình mình. Đây chính là yếu tố rất cao của tinh thần tự giác, giác ngộ cao độ của một đảng viên. Đảng viên luôn luôn phải tự soi mình, tự tu dưỡng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc đi nhắc lại phải tự tu dưỡng và có tu dưỡng tốt, có tinh thần giác ngộ cao thì mới có thể đảm bảo tự phê bình tốt. Và có tự phê bình tốt thì mới tạo nên sức mạnh của Đảng. Điều này đã theo suốt quá trình xây dựng Đảng, theo suốt vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tự phê bình và phê bình có phần yếu, nên dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tham ô, tham nhũng,…
Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc mà nếu không đảm bảo được thì hiệu quả của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ không cao.
PV: Tổng Bí thư từng nói do không thực hiện đầy đủ quy định về tự phê bình và phê bình, tự phê bình và phê bình hình thức, bị biến tướng nên hiệu quả, chất lượng không cao, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Viết Chức: Đây là yêu cầu rất cao. Chúng ta thường nói thắng bản thân mình, thắng sự cám dỗ, những thói hư tật xấu là điều vô cùng khó. Và chỉ có tự phê bình thì mình mới thắng mình được. Việc khó thì ai làm? Đảng viên phải làm, phải tiên phong đi đầu. Nếu cái khó mà không làm được thì rõ ràng sức mạnh của Đảng bị hao hụt.
Thực tiễn hiện nay đã khá rõ, nếu ai buông lỏng, không tự kiểm điểm mình, lạm quyền thì làm sao mà tốt được. Dù đây là việc khó, nhưng khó mà không làm thì không thể thực hiện được vai trò lãnh đạo. Tự nói ra được trước tập thể thì quý quá, nhưng nếu không nói ra được trước tập thể thì cũng tự bắt tay lên trán để tự nghĩ xem bản thân mình làm được những gì.
Như Bác đã từng nhắc, trước tiên là tự phê bình và phê bình việc. Do vậy, bản thân mỗi người cần thực hành tự phê bình và phê bình việc mình làm, cũng như vị trí, vai trò, công việc của mình làm xem làm đến đâu.
Ví dụ, Bí thư hay Chủ tịch tự mình nói với tập thể rằng bản thân họ đã làm việc A, việc B đến đâu, làm hay, làm tốt ở điểm này và chưa tốt ở điểm kia. Theo tôi, biện pháp này có vẻ thuận hơn việc tự bản thân mỗi người nói mình tốt hay xấu, mà bây giờ phải căn cứ vào việc và yêu cầu công khai, minh bạch.
Trong khi thực tế hiện nay ở một số nơi, công việc của người đứng đầu bịt kín cả, chi bộ cũng không biết. Theo tôi, cách công khai, minh bạch những việc mình làm theo chức trách, nhiệm vụ chứ đừng để xảy ra tình trạng sự việc để hỏng rồi thì mọi người mới biết.
Thời gian qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Rõ ràng, chuyện tự phê bình và phê bình đang là yêu cầu hàng đầu và thời gian tới tiếp tục đề cao nguyên tắc này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người đứng đầu trong việc tự phê bình và phê bình hiện nay?
Ông Nguyễn Viết Chức: Tôi nghĩ là vô cùng quan trọng, bởi vì đầu xuôi đuôi lọt. Người đứng đầu gương mẫu thì cấp dưới mới làm theo. Người đứng đầu không nêu gương thì không được, trong gia đình cũng như vậy, bố, mẹ, ông, bà mà không nêu gương thì chắc chắn gia đình đó sẽ lủng củng.
Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta nói nhiều về người đứng đầu rồi thì bây giờ phải có cơ chế để đảm bảo chọn được người đứng đầu. Vì người đứng đầu không phải là họ xung phong và cũng chưa biết có chọn được người xuất sắc hay không. Nếu người đứng đầu không xuất sắc thì làm sao họ gương mẫu được, hơn nữa bản thân họ không gương mẫu thì cấp dưới cũng sẽ không gương mẫu.
Tự phê bình vô cùng khó chứ không phải đơn giản, nhưng để gỡ cái này tôi vẫn muốn nhấn mạnh ý mà Bác đã dạy đó là “gắn với việc”. Khi gắn với việc thì dù có “tô hồng” hay “bôi đen” trong phê bình thì cũng khó vì kết quả công việc là cụ thể, người nào phụ trách việc gì, làm được đến đâu, kết quả thế nào… đều được thể hiện rõ. Nếu tự phê bình theo cách như vậy thì sẽ dễ nói và dễ nhận thấy, tránh việc trù dập.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Đình Hiếu/VOV1