Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn học, nghệ thuật, luôn coi đây là một “mặt trận” quan trọng của cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng của Người về văn học, nghệ thuật thường được nêu ngắn gọn trong một số bài viết, bài phát biểu, hoặc những bức thư gửi văn nghệ sĩ nhân các sự kiện liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Với sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về văn học, nghệ thuật vào hoàn cảnh cụ thể của văn học, nghệ thuật Việt Nam, đến nay, những tư tưởng về văn học, nghệ thuật của Bác vẫn đậm tính thời sự, tiếp tục là những tư tưởng soi đường cho sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”[1].
Trước tiên, nói văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, chính là đề cao vai trò, tác dụng của hoạt động này. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới” [2]. Như vậy, văn học, nghệ thuật có khả năng tạo nên nguồn năng lượng tinh thần vô cùng to lớn giúp toàn thể Nhân dân ta, đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời còn là minh chứng cho tài năng và nhân cách của một dân tộc anh hùng.
Sở dĩ văn học, nghệ thuật có thể gánh vác được trọng trách ấy vì văn học, nghệ thuật góp phần giáo dục, hoàn thiện con người. Sự giáo dục của văn học, nghệ thuật không chỉ là giáo dục trong khuôn khổ phạm vi đạo đức, chính trị, pháp luật mà rộng hơn và sâu hơn là sự giáo dục, cảm hóa của chủ nghĩa nhân văn, có khả năng cải biến toàn bộ tinh thần, đạo đức của con người. Văn học, nghệ thuật không đơn thuần chỉ là truyền tải cái đẹp, giúp con người biết thưởng thức cái đẹp mà còn hướng con người đến cách sống đẹp. Nghĩa là, văn học, nghệ thuật có thể giúp con người tự nhận thức chính mình, vượt lên bản thân mình để chia sẻ, cảm thông và có những hành động tốt đẹp vì cộng đồng. Đây chính là sự “thanh lọc” hay khả năng “nhân đạo hóa” của văn học, nghệ thuật. Trong định hướng xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”[3].
Hai là, khi xem văn hóa nghệ thuật là một mặt trận là nhìn văn hóa nghệ thuật trong trạng thái vận động tích cực để thực hiện chức năng, vai trò quan trọng của nó đối với đời sống con người. Vai trò của văn hóa nghệ thuật không chỉ ở trong nhận thức mà phải được hiện thực hóa để trở thành động lực, sức mạnh tinh thần to lớn của con người. Văn học nghệ thuật phải được sử dụng như một vũ khí đặc biệt để đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, thanh lọc, giành lấy những phần tươi sáng, tốt đẹp của cuộc sống, con người. Thứ vũ khí sắc bén nếu không được mài sáng, phát huy thì cũng chỉ như lý luận suông mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục”[4]. Văn học nghệ thuật luôn cần phải phát huy tác dụng đặc biệt quan trọng, to lớn của nó trong cuộc đấu tranh và cải tạo xã hội.
Hơn nữa, “mặt trận” còn là nơi tập hợp lực lượng, thể hiện sự thống nhất, đoàn kết, tạo nên sức mạnh để đấu tranh, thực hiện những mục tiêu đã xác định. Với chức năng cảm hóa con người, cải tạo xã hội, văn học, nghệ thuật cũng là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân. Để làm tròn sứ mệnh ấy, văn nghệ phải có tổ chức, văn nghệ sĩ phải đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rằng: “Giới văn nghệ đã có những đóng góp đáng kể…Các ngành văn nghệ đoàn kết; đoàn kết nhằm vào mục đích chung phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta làm thế thì văn nghệ nhất định tiến bộ hơn nữa, đồng thời có lực lượng mà giúp đỡ nhân dân tiến bộ hơn nữa”[5].
Văn học, nghệ thuật, như quan điểm của Mác, là “hoạt động tinh thần phong phú, một niềm vui thích mà con người có thể tạo ra cho mình, nhưng nó không phải là một sản phẩm tự nhiên, tùy thích”[6]. Để thực hiện được chức năng của nó, văn học, nghệ thuật cần vận động, phát triển theo những định chuẩn phổ quát về cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Mục đích của sáng tác văn học, nghệ thuật phải gắn bó với yêu cầu xã hội, với cuộc sống Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lâu dài cũng như trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Dù ở giai đoạn nào, nền văn học nghệ thuật vẫn cần thể hiện tính cách như là một “mặt trận”, nghĩa là có tính tổ chức, có định hướng, thể hiện cái đẹp, hướng đến cái đẹp, đấu tranh với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn để giành lại cái “tươi vui” cho cuộc sống và tâm hồn con người. Thực tế cho thấy, văn học, nghệ thuật luôn tham gia tích cực vào tiến trình phát triển ý thức xã hội, tiến trình tiến bộ xã hội.
Do vậy, khi xác định văn hóa nghệ thuật là một “mặt trận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời đặt ra yêu cầu đối với chủ thể hoạt động trên mặt trận ấy - những văn nghệ sĩ, phải là những “chiến sĩ”.
Trước hết, với tư cách là nghệ sĩ, người nghệ sĩ phải luôn ý thức được sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của nghệ thuật và của nghệ sĩ: Hướng con người tới những giá trị Chân, Thiện, Mỹ; góp phần làm cho cuộc sống con người mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Hiểu rõ sức mạnh của văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn văn học, nghệ thuật phải bám sát và phụng sự tốt nhất những nhiệm vụ quan trọng của dân tộc và nhân dân ta trong các giai đoạn lịch sử. Trong bài phát biểu ở Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bác thiết tha mong nền văn hóa nước nhà hãy lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” [7]. Bản chất nhân đạo sâu xa của sáng tạo nghệ thuật cách mạng là trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào của xã hội, nghệ sĩ phải dồn hết tài năng, tâm lực vào để phát hiện, bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định những cái tốt đẹp, cái cao cả của con người. Bởi vì, theo Bác: “Mỗi con người đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[8]. Bác cũng nhắc nhở văn nghệ sĩ rằng: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng những con người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau” [9]. Nghĩa là, người nghệ sĩ phải như “người thư ký trung thành của thời đại”, luôn lắng nghe, thấu hiểu, phản ánh kịp thời những sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, những tâm tư, mong ước của Nhân dân.
Tư cách nghệ sĩ còn thể hiện ở bản lĩnh trong nghệ thuật và trong cuộc đời: Vượt lên những đau khổ, đói nghèo, oan khuất…để giữ trọn nhân cách và thực hiện sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, như “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”. Ở góc độ này, tư cách nghệ sĩ gần với tư cách chiến sĩ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nghệ sĩ chân chính của Nhân dân, của dân tộc và thời đại còn phải thực hiện sứ mệnh của một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Khi nói, nghệ sĩ là chiến sĩ, chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh trọng trách của người nghệ sĩ trước vận mệnh của dân tộc, của nhân dân mình: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”[10]. Người nghệ sĩ – chiến sĩ có thể thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, nếu Tổ quốc cần, nhân dân cần.
Có thể thấy, hình tượng nghệ sĩ - chiến sĩ là một quan niệm mới của thời đại Hồ Chí Minh, nhưng không phải là điều gì quá xa lạ và khiên cưỡng. Đó chính là cách thể hiện đúng nhất, đầy đủ nhất tư cách công dân của người nghệ sĩ đối với dân tộc và nhân dân. Bởi lẽ, khi “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì những người hoạt động trên mặt trận văn hóa nghệ thuật chắc chắn phải là những người tiên phong nhất, trách nhiệm nhất, hăng hái nhất, bản lĩnh và sẵn sàng dấn thân nhất. Có như vậy, văn học, nghệ thuật mới thực hiện được chức năng cảm hóa, “cải tạo” con người. Trong Khuyến nghị về tình trạng của nghệ sĩ năm 1980, UNESCO cũng khẳng định: “Nghệ thuật trong định nghĩa đầy đủ nhất và rộng nhất là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người... Nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người, và các việc làm của người nghệ sĩ có thể ảnh hưởng đến quan niệm của thế giới, của mọi người, đặc biệt là thanh niên” [11]. Và như vậy, tư cách chiến sĩ và tư cách nghệ sĩ là hai phương diện không hề đối lập mà thống nhất, cùng làm tôn nổi sứ mệnh quan trọng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, dù ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã khẳng định: “Đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, cái thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”.[12]
Tuy vậy, trước cuộc sống “ngổn ngang, bề bộn” hiện nay, văn học, nghệ thuật vẫn chưa phát huy hiệu quả sức mạnh, với tư cách là vũ khí sắc bén, phương thức độc đáo của công tác tư tưởng trong việc xây dựng tình cảm, nếp nghĩ, nếp sống của con người; là một trong những động lực to lớn, thúc đẩy xã hội phát triển. Cụ thể, trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước như: Phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…vẫn thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao, có sự lôi cuốn, cảm hóa công chúng sâu sắc; vẫn thiếu vắng những hình tượng người nghệ sĩ-chiến sĩ thực sự dấn thân, nhập cuộc. Thậm chí “một bộ phận văn nghệ sĩ có biểu hiện suy thoái về lập trường tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, cơ hội chủ nghĩa, chỉ tập trung chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu lành mạnh của một bộ phận công chúng”[13].
Để văn học, nghệ thuật có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, người nghệ sĩ hôm nay vẫn cần trau dồi phẩm chất “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, bản lĩnh và tiên phong “trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước” [14].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 7, tr.246
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 5, tr.577
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t 67, tr 653.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 12, tr. 470.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 10, Tr 513
[6] Hà Minh Đức (1995), C.Mác – Ph. Ăng ghen, V.I. Lê nin và một số vấn đề lí luận văn nghệ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 48.
[7] Hồ Chí Minh, Về văn hóa nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 15, tr.672
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t 13, tr.504
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t7, tr. 246.
[11] UNESCO (1980), Recommendations on the Status of Artist
http://portal.unesco.org/unesco/ev.php?
[12] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 320-321.
[13] Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiên Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, số 247 – BC/BTGTW, ngày 21 tháng 9 năm 2018.
[14] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 320.
Lương An