1. Mở đầu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác - Ph.Ăngghen viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Ở luận điểm này, C.Mác - Ph.Ăngghen muốn nói rằng: “đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển trong xã hội có giai cấp’’. Sâu xa hơn, các ông muốn khẳng định vai trò của con người trong quá trình làm nên lịch sử của chính mình; nói cách khác, các ông xuất phát từ chính con người hiện thực để giải phóng con người hiện thực.
Trang bìa “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất bản lần đầu ở Anh ngày 24/2/1848
Thời kỳ C.Mác - Ph.Ăngghen viết tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản ở châu Âu phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh, những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, thì chủ nghĩa tư bản cũng bộc lộ những hạn chế và bản chất xấu xa của nó. Xã hội tư bản đã không xoá được những đối kháng giai cấp mà chỉ thay vào đó những giai cấp mới, điều kiện mới, hình thức bóc lột mới mà thôi; có thêm điều kiện mới về khoa học kỹ thuật, về thị trường, làm cho giai cấp công nhân và những người lao động càng bị bóc lột thậm tệ hơn so với các chế độ bóc lột trước đó. Tình trạng làm cho những người lao động điêu đứng, lầm than, “con người bị tha hóa mất hết nhân tính”. Sự tha hóa của lao động đã gây nên hậu quả, từ chỗ làm nên bản chất con người thì nay lại làm cho con người xa lạ với bản chất của mình.
2. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, muốn xóa bỏ sự áp bức bóc lột đến cực độ của chủ nghĩa tư bản, muốn giải phóng giai cấp vô sản thì phải xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản. Muốn vậy, phải xoá bỏ những thiết chế xã hội được xây dựng trên nó, đó là nhà nước tư sản, chế độ sở hữu tư nhân đang từng ngày, từng giờ bảo vệ nó.
Xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa tức là xoá bỏ giai cấp tư sản - điều tất yếu mà giai cấp vô sản, những người cộng sản phải làm. Đó là con đường chung nhất để giải phóng mình và toàn xã hội.
C.Mác và Ph.Ăngghen đặt ra vấn đề có tính nguyên tắc đó là: giai cấp vô sản muốn giải phóng mình thì phải giành lấy chính quyền, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản. Khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, xây dựng nhà nước kiểu mới, tức là làm thay đổi nội dung giai cấp của dân chủ, của nhân quyền - đây là dân chủ, nhân quyền cho giai cấp vô sản và những người lao động khác, nghĩa là cho đại đa số dân cư.
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đề cao quyền tự do cá nhân như là điểm xuất phát, việc bảo đảm và phát triển quyền tự do của mỗi người là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người trong xã hội. Các ông nhấn mạnh: Xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt. Bởi vì, con người là con người xã hội, dựa vào xã hội để tồn tại và phát triển và cũng chịu sự ràng buộc của các mối quan hệ xã hội.
Có thể nói, tư tưởng “vì con người” và “giải phóng con người” là tư tưởng cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong học thuyết của C.Mác - Ph.Ăngghen, được thể hiện rõ nét trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đó là điểm xuất phát trong cách đặt vấn đề xây dựng một xã hội mới và là mục tiêu cuối cùng của cách mạng vô sản - đưa con người từ vương quốc của cái tất yếu trở thành vương quốc của tự do.
3. Đã 173 năm đã trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đó là khoảng thời gian đủ dài để lớp bụi có thể phủ mờ những điều tầm thường và mài sáng, tôn vinh những chân lý bất biến. Với dòng thời gian ấy, chứa đựng trong mình biết bao thăng trầm, biến động của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời, tồn tại và phát triển mạnh mẽ, đạt đến những đỉnh cao trong sự phát triển của lịch sử nhân loại; nhưng cũng chừng ấy lịch sử đã chứng kiến sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu.
Những thế lực thù địch,phản động đã chớp lấy cơ hội này để phủ định những chân lý mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đưa ra, bằng cách rêu rao rằng không thể có sự tồn tại của xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cái chân lý bất biến, sự thật không thể mờ đi trước lời dèm pha, thời gian đã và đang chứng minh, tôn vinh những giá trị đúng đắn của một học thuyết cách mạng và khoa học. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - tư tưởng vĩ đại về giải phóng con người không chỉ tồn tại, mà còn tiếp tục toả sáng, đưa nhân loại đấu tranh tiến lên xây dựng một thiên đường có thật trên trái đất - ở đó con người sống trong tự do, bình đẳng, bác ái - đó chính là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Thực tiễn 173 năm qua, tư tưởng về giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và toàn thể nhân loại trong quá trình đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Minh chứng rõ nhất, đó cuộc đấu tranh và giành thắng lợi trong cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một chân trời mới cho giai cấp vô sản và toàn thể nhân loại thoát khỏi sự kìm kẹp, bóc lột của chủ nghĩa tư bản; giai cấp vô sản từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ở Việt Nam, dưới ánh sáng soi đường của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước cách mạng thực sự của dân, do dân và vì dân. Từ đó mở ra một chặng đường mới trong sự nghiệp giải phóng con người.
Lời khẳng định về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945
Thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhưng không phải vì thế mà trên thế giới cũng như ở các nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội xa rời đấu tranh giai cấp. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản vẫn không từ bỏ vũ khí đấu tranh giai cấp, đặc biệt là đấu tranh về hệ tư tưởng nhằm duy trì chủ nghĩa tư bản, bảo đảm địa vị, lợi ích của các tập đoàn tư bản, duy trì sự thống trị một nhóm cường quốc tư bản đối với phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, việc xác lập chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới của giai cấp vô sản vẫn chưa hoàn thành, sự tha hoá trong lao động của con người vẫn đang còn diễn ra, sự nghèo đói, bất bình đẳng vẫn đang đeo đuổi loài người. Tuy nhiên, điều kiện đấu tranh giai cấp ngày nay không giống như thời kỳ trước, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều sự điều chỉnh... Cho nên, trong quan niệm, cách thức, biện pháp, cũng cần phải có sự thay đổi linh hoạt, không tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, xếp mọi thứ vào đấu tranh giai cấp, không thực hiện đấu tranh giai cấp theo kiểu giáo điều máy móc.
Qua 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường đi tới giải phóng con người toàn diện. Con người Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của chế độ, có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Tuy trình độ sản xuất vật chất chưa cao, một số hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội còn đang tác động tiêu cực đến sự nghiệp giải phóng con người nhưng chúng ta có thể tự hào về chỉ số phát triển con người (HDI) đã đạt được nhờ tính chất ưu việt trong giáo dục - đào tạo, trong chăm sóc sức khỏe, trong xóa đói, giảm nghèo, phát huy dân chủ, quyền con người ngày càng được đảm bảo…
Trước thực tế nêu trên, có thể nhận thấy sự nghiệp giải phóng con người ở nước ta vẫn đang là một quá trình lâu dài, còn nhiều khó khăn, phức tạp ở phía trước. Do vậy, việc nhận thức lại tư tưởng về giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản giúp chúng ta củng cố thêm cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng con người, trước mắt là thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước được xác định trong Đại hội XIII của Đảng.
Chinh Trần