Sau 6 ngày làm việc, chiều 26/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La đã kết thúc phần tranh tụng. Trước khi nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng. Trước tòa, nhiều bị cáo đã bật khóc và cho biết, 2 năm qua đã luôn ân hận, day dứt về những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Những người mắc sai phạm là những cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục, công an, vì lòng tham đã lợi dụng chức vụ cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh.
Bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. |
Những sai phạm này khiến dư luận xã hội bức xúc, làm mất đi niềm tin vào tính trung thực, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi quan trọng này. Những giọt nước mắt muộn màng là bài học để cảnh tỉnh những cán bộ khác, những phụ huynh có tư tưởng luồn“cửa sau” để lo cho con cái một tương lai không thực chất.
Theo dõi phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, anh Nguyễn Anh Tuấn, người dân ở thành phố Sơn La cho biết, thủ đoạn câu kết của những cựu cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục và công an để nâng điểm thi quả thực nghe thấy thật dễ dàng. Chẳng khó khăn gì khi trong một đêm mà hàng chục bài thi được rút, tẩy xóa để nâng điểm. Phải chăng công tác thanh tra, giám sát chỉ là hình thức, nên các cán bộ của hai đơn vị này mặc sức cấu kết làm sai.
Quá trình điều tra vụ gian lận thi cử này, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy đều khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh. Điều này cho thấy, những cựu cán bộ này đã bị đồng tiền làm mờ mắt.
"Các bị cáo cũng như phụ huynh và các cán bộ ngành giáo dục, công an, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp coi thi, chấm thi rất dễ liên kết với nhau nếu không có sự giám sát của các cơ quan độc lập. Nếu không có những cơ quan giám sát độc lập thì chắc chắn tiêu cực trong thi cử sẽ còn nữa" - anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Bị cáo Trần Văn Điện bật khóc khi được nói lời sau cùng, |
Ông Nguyễn Văn Lâm ở phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La bày tỏ, vì tiền, vì chỉ đạo của cấp trên mà nhiều cán bộ ngành giáo dục, công an đã bỏ qua danh dự, sự nghiệp của mình để sửa điểm cho một loạt thí sinh. Theo đó, gần như cả tổ chấm thi các môn trắc nghiệm ở Sơn La đã xé bỏ tất cả những quy định của pháp luật về thi cử, quy định của Bộ Giáo dục để sửa điểm với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
Theo ông Lâm, mấu chốt dẫn đến hàng loạt các sai phạm này nằm ở chỗ "có cầu ắt có cung". Tư tưởng trọng bằng cấp, muốn con có công việc ổn định, lương cao nên nhiều phụ huynh ở Sơn La chọn cho con vào trường công an, quân sự. Qua mối quan hệ quen biết, người nọ dắt mối người kia, từ chỗ nhờ vả rồi cảm ơn mà thành phạm tội.
Đơn cử như trường hợp bị cáo Lò Thị Trường ở phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Cả đời lam lũ chắt bóp được số tiền vài trăm triệu, muốn con vào được ngành Công an, sẵn mối quan hệ họ hàng với bị cáo Lò Văn Huynh, cựu Trưởng phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La nên nhờ can thiệp sửa bài thi nâng điểm cho con, để rồi vướng vòng lao lý.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, phương pháp thi trắc nghiệm là một phương pháp khoa học, nhưng không phải trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng đúng, nhất là khi tính tự giác, thói háo danh lợi trong xã hội vẫn còn rất lớn và không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục. Theo ông, những người vi phạm đều bắt đầu từ lòng tham, vì lợi lộc mang lại cho họ trong việc nâng điểm quá lớn. Do đó, cần phải có cơ chế để họ không tham được, tham nhưng không lấy được. Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải là xử lý cái gốc mà chỉ là phần ngọn, cơ bản nhất là phải đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục, cách dạy, cách học và cách thi.
"Hiện nay học và thi quá nặng nề, mệt mỏi, mà càng cồng kềnh, càng nhiều thủ tục thì càng nhiều tiêu cực" - ông Nguyễn Vân Lâm nêu ý kiến.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga. |
Rồi đây, 12 bị cáo trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La sẽ bị pháp luật trừng trị đích đáng. Đây cũng là bài học xương máu, đắt giá cho những cán bộ khác để tự răn mình, tự ngăn chặn nếu không những sai lầm có thể tiếp diễn. Các thầy, cô giáo, cũng như bất kể ai nếu phát hiện sai phạm tương tự trong những kỳ thi tới cần dũng cảm tố cáo để đảm bảo cho những kỳ thi an toàn, công bằng, trung thực và khách quan./.
PV/VOV-Tây Bắc