Từ chủ trương, chính sách…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá của tỉnh là: “phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới”[1]. Cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 08/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 358/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó là hàng loạt các chính sách như Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025...
Qua hơn nửa nhiệm kỳ, những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trong việc phát triển, nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản nói riêng đã có những dấu hiệu khởi sắc nhằm khẳng định nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế Tuyên Quang.
Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc sản
Khắc phục những hạn chế trước đây như: sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với chế biến chưa nhiều; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; sản phẩm nông nghiệp chưa chú trọng tới chỉ dẫn địa lý và chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường... Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Đặc biệt, với việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đã tận dụng được những lợi thế, biến nhược điểm thành ưu điểm, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của địa phương.
Tính đến cuối 2023, Tuyên Quang có 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà Yên Sơn. Điển hình như cây chè, tỉnh tập trung thâm canh nâng cao năng suất; rà soát trồng mới, trồng thay thế diện tích già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Toàn tỉnh hiện có 8.298,2 ha chè; trong đó có 2.270 ha chè đặc sản, sản lượng búp tươi đạt trên 74.000 tấn/năm.
Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) thu hái chè. Trà shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao tại Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP họp phân hạng 7 sản phẩm OCOP năm 2024.
(Ảnh: Quang Đán - TTXVN)
Ngoài chè, Tuyên Quang còn phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác như: trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa), mì khô Thuật Yến của Hợp tác xã dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Thuật Yến (thành phố Tuyên Quang); dầu lạc Trường Thịnh, trà cà gai leo Hợp Hòa (Sơn Dương); mật ong Phong Thổ (thành phố Tuyên Quang)... Đây là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh và đã chiếm lĩnh được thị trường, được nhiều khách hàng biết tới.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh mang thương hiệu OCOP được giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử lớn, được giới thiệu, trưng bày tại các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm... đã góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến bạn bè trong và ngoài nước.
Có được kết quả trên là do Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của Tuyên Quang được bán và giới thiệu tại Chương trình du lịch làng nghề Tuyên Quang 2024
(Nguồn: TTXVN)
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng trong sản xuất hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao... góp phần đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.
[1] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025
Mai Thu