Việt Nam có 05 trên tổng số 77 thành phố (thuộc 44 quốc gia) được UNESCO công nhận danh hiệu “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu” (GNLC). Qua đó khẳng định nước ta đã và đang có nhiều tiến bộ trong chính sách xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Nhìn lại lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người mở đường và nỗ lực xây dựng xã hội học tập từ ngày 8/9/1945.
05 “thành phố học tập toàn cầu” ở Việt Nam. Ảnh: ttxvn
Đến tháng 9/2022, thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được UNESCO vinh danh công nhận danh hiệu “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”. Trước đó, năm 2015 có thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương; năm 2020 có thành phố Sa Đéc và Vinh. Như vậy, nhìn về số lượng, Việt Nam có 05 trên tổng số 77 thành phố (thuộc 44 quốc gia) được UNESCO vinh danh. Điều đó thể hiện những cố gắng của các thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung trong quá trình hiện thực hóa chủ trương học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Nhìn lại lịch sử, chúng tôi nhận thấy đây là chủ trương nhất quán của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ khi ra đời đến nay. Ngay sau tuyên ngôn độc lập (ngày 02/9/1945), giữa tình thế cách mạng vô vàn khó khăn, rất nhiều vấn đề phải quan tâm chỉ đạo giải quyết, trong đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Vì vậy, ngay trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Bác Hồ đã chỉ đạo việc chống nạn mù chữ là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, sau công tác chống nạn đói.
Đặc biệt, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành các sắc lệnh rất quan trọng về phát triển giáo dục đào tạo như: Sắc lệnh số 17/SL về thành lập Nha Bình dân học vụ và cử Giám đốc Bình dân học vụ; Sắc lệnh 19/SL có quy định trong thời hạn 6 tháng, các làng và các đô thị phải có ít nhất một lớp học với ít nhất 30 người học; Sắc lệnh số 20/SL có quy định về việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người… Sau đó, đầu tháng 10/1945, Hồ Chủ tịch đã ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”. Bác kêu gọi tất cả mọi người lập tức tiêu diệt “giặc dốt”, mọi tầng lớp phải nỗ lực tự học tập bởi “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhờ chủ trương đúng đắn đó mà nền giáo dục nước ta đã đạt nhiều kết quả trong công tác xoá mù chữ, nâng cao dân trí, đã có được một đội ngũ trí thức công nông lớn mạnh.
Trong suốt quá trình kháng chiến và kiến quốc, nền giáo dục nước ta không chỉ quan tâm phát triển đội ngũ trí thức tinh hoa mà cũng luôn hướng tới việc nâng cao trình độ dân trí. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, Đảng và Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển nền giáo dục toàn dân, toàn diện. Đầu những năm 1980, nền giáo dục Việt Nam có khoảng 500 trường bổ túc văn hóa nhằm bổ túc kiến thức cho lao động phổ thông, cho công nhân ở các nhà máy, cho thanh thiếu niên người khắp cả nước… Năm 1989, Việt Nam thành lập Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ.
Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công mục tiêu thế giới bước vào thế kỷ 21 không còn nạn mù chữ do UNESCO khuyến cáo và Liên hợp quốc phát động. Năm 2000 nước ta đạt tỉ lệ 100% cấp tỉnh và cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ; tỉ lệ biết chữ độ tuổi tuổi 15-60 là 97,73%... Sau đó 10 năm, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước rất chú ý tới việc xây dựng xã hội học tập, khuyến khích học tập suốt đời. Điều này được thể hiện cụ thể trong quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (năm 2013).
Trên phạm vi thế giới, năm 1965, Tổ chức UNESCO đã lựa chọn ngày 8/9 hàng năm để kỷ niệm “Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ”. Có nhiều ý kiến cho rằng, UNESCO có dụng ý chọn ngày 8/9 vì gắn với ngày Chính phủ của Chủ tich Hồ Chí Minh ban hành các sắc lệnh đầu tiên về nền giáo dục toàn dân, bắt buộc và không mất tiền. Lập luận này được củng cố thêm khi Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời”, ông Santosh Khatri - điều phối viên của UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu: “Triển lãm này đã tôn vinh cam kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Đó cũng là một tầm nhìn mà UNESCO luôn thúc đẩy và hướng tới”(1).
Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định việc học tập suốt đời là một nhu cầu cấp bách đối với mỗi cá nhân nhằm thích nghi với yêu cầu công việc, với những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay, UNESCO còn thành lập Viện Học tập suốt đời và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Việt Nam hưởng ứng chủ trương Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của UNESCO lần đầu tiên vào năm 2011. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có sự chỉ đạo tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời vào tuần đầu của tháng 10 hằng năm.
Cùng với các hoạt động nói trên, danh hiệu Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO được ghi nhận để khuyến khích học tập suốt đời và vinh danh các điển hình tiên tiến trong việc xây dựng thành phố học tập. Lần đầu tiên danh hiệu này được tặng thưởng tại Hội nghị Quốc tế về Thành phố Học tập lần thứ 2, diễn ra tại thành phố Mexico (Mexico) tháng 9/2015. Danh hiệu này do Hội đồng xét duyệt quốc tế thuộc các thành viên trong Ban điều hành Viện Học tập suốt đời của UNESCO tiến hành.
Như vậy, có thể khẳng định, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã được đề ra từ năm 1945. Suốt 77 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa chủ trương này và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được UNESCO vinh danh. Điều đó cho thấy, bản thân Hồ Chủ tịch không chỉ là một tấm gương mẫu mực tự học tập suốt đời, mà tầm nhìn của Người đã thúc đẩy tiến trình xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời ở Việt Nam. Đây chính là xu hướng lớn của nền giáo dục thế giới trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Chú thích:
(1) Thành Sang (2010), Triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, http://www.voh.com.vn/van-hoa-giai-tri/trien-lam-ho-chi-minh-va-hoc-tap-suot-doi-tai-bao-tang-ho-chi-minh-114719.html
Anh Vũ