Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông đang chuẩn bị dốc toàn lực để thúc đẩy quốc hội thông qua một gói kích thích kinh tế mới đầy tham vọng, đồng thời vạch ra kế hoạch cho một loạt hành động nhằm thực hiện các lời hứa tranh cử và khắc phục những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump làm suy yếu các cơ quan chính phủ chủ chốt.
Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 với nhiệm vụ cấp bách là xử lý các cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và phân biệt sắc tộc. Cùng lúc, đội ngũ của ông phải đảm nhận nhiệm vụ chỉ đạo một trong những chiến dịch tiêm chủng diện rộng phức tạp nhất lịch sử nước Mỹ nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Theo các nguồn thạo tin, chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu sau nhậm chức của Biden sẽ tập trung vào hai khía cạnh: Thông qua một gói viện trợ kinh tế quy mô lớn và hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy các ưu tiên của ông. Các quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực cho biết kiềm chế đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế và giải quyết nạn phân biệt chủng tộc là những ưu tiên cấp thiết nhất mà Biden đặt ra.
Phạm vi của dự luật kích thích có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đua vào ghế Thượng viện ở Georgia vào đầu tháng một năm sau, khoảng hai tuần trước khi Biden nhậm chức. Nếu không ứng viên Dân chủ nào giành được ghế thượng nghị sĩ tại Georgia và Thượng viện vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa, các tham vọng của Biden sẽ vấp trở ngại lớn. Dự luật nhập cư mà Biden cho biết ông có kế hoạch gửi lên quốc hội trong 100 ngày đầu nhậm chức nhiều khả năng sẽ chết yểu.
Biden là một người khá thận trọng với các sắc lệnh hành pháp. Nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã dành nhiều tháng để suy nghĩ về các hành động đơn phương mà Biden có thể thực hiện gần như ngay lập tức sau khi bước chân vào Nhà Trắng. Chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về những bước đi cụ thể, song một quan chức chuyển giao quyền lực cho hay Biden sẽ cân nhắc sử dụng "các đòn bẩy theo ý mình".
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hồi tuần trước, Biden đặc biệt nhấn mạnh đến gói kích thích kinh tế, cam kết rằng nó sẽ nhắm đến những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất và sẽ hỗ trợ cho cả các chính quyền địa phương cũng như những bang thiếu tiền.
"Sẽ có rất nhiều thứ diễn ra cùng lúc", Biden nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là ta cần phải tập trung vào những người luôn bị ảnh hưởng đầu tiên và hồi phục sau cuối khi khủng hoảng bùng phát".
Nhân viên y tế và lực lượng phản ứng khẩn cấp nên là những người đầu tiên nhận vaccine Covid-19 khi nó được cấp phép và phân phối đại trà.
Tuy nhiên, Biden thừa nhận chương trình nghị sự của ông có đạt được hay không còn "tùy thuộc vào hình thức hợp tác mà tôi có thể nhận được hoặc không nhận được từ quốc hội Mỹ".
Tổng thống đắc cử Mỹ đề cập tới cam kết gửi một dự luật lên Thượng viện giúp thúc đẩy việc cấp quyền công dân cho 11 triệu người nhập cư không giấy tờ, nhưng cũng cho biết sẵn sàng lập tức đảo ngược một số sắc lệnh hành pháp "rất có hại" của chính quyền Trump, nhất là liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước bầu cử, chiến dịch tranh cử của Biden cho biết ông dự định thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giúp giảm lượng khí phát thải, tăng cường đầu tư công vào năng lượng sạch và khuyến khích cải cách, đổi mới ở khu vực tư nhân. Nhưng phạm vi chương trình nghị sự về khí hậu của Biden vẫn cần được quốc hội thông qua. Việc nó thành hình như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là cuộc đua ghế Thượng viện ở Georgia.
Theo giới quan sát, danh sách việc cần làm của Biden sau khi đắc cử sẽ rất dài. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ ưu tiên sớm việc thông qua Đạo luật Chống bạo hành Phụ nữ. Trong đó, Biden nhấn mạnh sẽ hướng các nguồn lực liên bang vào nhiệm vụ chống nạn bạo hành đối với phụ nữ chuyển giới.
Biden đồng thời tuyên bố với rằng ông sẽ kết nối lại với các công đoàn lao động của chính phủ. "Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Biden sẽ khôi phục quyền tổ chức và thương lượng tập thể của nhân viên liên bang kết hợp chỉ đạo các cơ quan chính quyền thương lượng với liên đoàn nhân viên liên bang về những chủ đề không bắt buộc", cam kết trên trang web chiến dịch tranh cử Biden có đoạn.
Cái bóng từ nhiệm kỳ của Trump phủ lên phần lớn chương trình nghị sự giai đoạn đầu mà Biden đề ra. Tổng thống Trump từng nhiều lần dựa vào Bộ Tư pháp để giải quyết các vấn đề của mình. Biden trong chiến dịch tranh cử đã hứa sẽ khôi phục ranh giới giữa quan chức Nhà Trắng và Bộ Tư pháp.
Bước đầu tiên sẽ là ban hành một sắc lệnh hành pháp "cấm tất cả nhân viên Nhà Trắng hay bất kỳ thành viên nào trong chính quyền khởi xướng, khuyến khích, cản trở hoặc gây ảnh hưởng không thích hợp đến các cuộc điều tra hoặc truy tố của Bộ Tư Pháp vì bất kỳ lý do gì". Bất kỳ ai trong chính quyền vi phạm những quy tắc trên sẽ bị sa thải.
Chương trình nghị sự "ngày thứ nhất" của Biden còn bao gồm lời hứa ngay lập tức đưa Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tổ chức này.
Mong muốn của Biden liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu là tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh toàn cầu" có khả năng tìm kiếm và xây dựng những nền tảng tham vọng hơn những gì đã được thỏa thuận ở Paris.
Nguồn VnExpress