1. Trí tuệ nhân tạo và vai trò quản trị của cường quốc tầm trung
Trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là trí thông minh nhân tạo là “hệ thống các thiết bị kỹ thuật số có thể mô phỏng trí thông minh và khả năng giải quyết vấn đề của con người” [1]. AI đã và đang được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: y tế, giáo dục, lao động - sản xuất, qua đó đóng góp rất lớn cho sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh những tác động tích cực, sự phát triển của AI cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Chẳng hạn như việc một số hệ thống AI hoạt động kém hiệu quả, gây ra những thiệt hại đáng kể cho đời sống con người. Đặc biệt, việc nhiều AI được tích hợp các thuật toán mang tính thiên vị, phân biệt chủng tộc, đưa ra thông tin không chính xác hay các vấn đề về bản quyền và bảo mật dữ liệu cũng làm dấy lên những lo ngại về đạo đức trong AI và sử dụng AI có trách nhiệm. Chính bởi những tác động tiêu cực trên đã khiến tầm quan trọng của việc quản trị AI được nhấn mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, việc AI chỉ được quản trị ở cấp độ quốc gia thôi là chưa đủ, vì vậy, cần phải được quản trị ở cấp độ toàn cầu để tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bằng, vì lợi ích của tất cả các bên, với sự tham gia của đa dạng các bên, bao gồm các chủ thể nhà nước và chủ thể phi nhà nước, nhằm thúc đẩy tính công bằng (fairness), minh bạch (transparency) và trách nhiệm giải trình (accountability) trong quá trình phát triển AI[2].
Hiện nay, việc quản trị AI ở cấp độ toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Điều này xuất phát từ cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là sự phân tách về mặt công nghệ nói chung và AI nói riêng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bối cảnh đó cũng cho thấy, các cường quốc tầm trung có vai trò tích cực trong việc quản lý AI toàn cầu.
Sở dĩ như vậy vì các cường quốc tầm trung có năng lực ở mức tương đối, vượt trội hơn các nước vừa và nhỏ trong hệ thống, tuy rằng vẫn chưa thể đuổi kịp các nước lớn. Đồng thời, các quốc gia này có kiểu hành vi đặc thù của một cường quốc tầm trung, đặc trưng bởi ưu tiên cao dành cho ngoại giao đa phương, theo đuổi các lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt và vận dụng sức mạnh mềm trong chính sách đối ngoại[3].
Jeffrey Robertson nhận định: “cường quốc tầm trung có mối quan tâm và năng lực (nguồn lực vật chất, ảnh hưởng ngoại giao, sự sáng tạo, v.v.) để chủ động hợp tác với các quốc gia tương tự nhằm đóng góp vào sự phát triển và củng cố các thể chế quản lý tài sản chung toàn cầu”[4]. Việc tích cực tham gia quản trị toàn cầu ở các lĩnh vực chuyên biệt không chỉ là một lựa chọn phù hợp với thế và lực của các cường quốc tầm trung - những quốc gia có đủ nguồn lực để triển khai, thúc đẩy các sáng kiến và có đủ vị thế, uy tín để đóng vai trò dẫn dắt chương trình nghị sự toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều cường quốc tầm trung đã lựa chọn tham gia quản trị AI toàn cầu như một định hướng ngoại giao chuyên biệt của mình, điển hình như: Hàn Quốc, Úc, Ca-na-đa, Đức,... Đây đều là những quốc gia có năng lực AI ở mức cao, nhận thức rõ tầm quan trọng của quản trị AI toàn cầu, kết hợp với sức mạnh và vị thế, uy tín của mình, các quốc gia này đã và đang đóng vai trò rất đáng kể trong quản trị AI toàn cầu. Họ đã tận dụng uy tín của mình như là những “công dân tốt toàn cầu”, đóng góp vào quản trị toàn cầu nói chung và lĩnh vực AI nói riêng trên cơ sở chọn lọc các vai trò trong mô hình hành vi của mình. Các vai trò này bao gồm: (1) xúc tác (catalyst) bằng cách đưa ra sáng kiến ngoại giao, đề xuất ý tưởng nhằm quản trị AI toàn cầu; (2) điều phối, dẫn dắt (facilitator) thông qua việc tham gia dẫn dắt, định hình chương trình nghị sự quản trị AI toàn cầu, tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước lớn cũng như giữa nước phát triển và kém phát triển trong lĩnh vực AI, từ đó thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn diện; (3) quản lý (manager) thông qua thúc đẩy xây dựng và tham gia thể chế, bao gồm các tổ chức và cơ chế cũng như các công ước và chuẩn mực về quản trị AI toàn cầu[5].
2. Hàn Quốc - Trường hợp cường quốc tầm trung tiêu biểu trong quản trị AI toàn cầu
Dựa trên các tiêu chí về sức mạnh, bản sắc và hành vi, có thể nói Hàn Quốc là một cường quốc tầm trung điển hình tại châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, Hàn Quốc có nền kinh tế phát triển cao, GDP năm 2023 của Hàn Quốc đạt 1,71 nghìn tỷ USD, đứng thứ 4 châu Á và 14 thế giới[6] .Về quân sự, theo đánh giá của Global Firepower, chỉ số sức mạnh quân sự của Hàn Quốc xếp thứ 5 trong tổng số 145 quốc gia được khảo sát[7]. Hàn Quốc có năng lực AI rất phát triển với các công ty công nghệ AI hàng đầu thế giới như Samsung, SK Hynix, LG,... và nằm trong số ít các quốc gia có khả năng chế tạo các chip bán dẫn cao cấp phục vụ phát triển AI. Theo trang Tortoise Media, Hàn Quốc được xếp hạng 6 thế giới về năng lực AI dựa trên các tiêu chí nhân tài, cơ sở hạ tầng, môi trường hoạt động, nghiên cứu và phát triển, chiến lược của chính phủ và thương mại[8]; trang Oxford Insights xếp hạng Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ Hàn Quốc đứng thứ 7 thế giới và thứ 2 ở Đông Á[9].
Hàn Quốc ngày càng tích cực tham gia quản trị AI toàn cầu. Điều này xuất phát từ sự phát triển trong năng lực AI của Hàn Quốc và nhu cầu quản trị các vấn đề nảy sinh từ AI ở cấp độ toàn cầu. Hàn Quốc nhận thức rõ tầm quan trọng của quản trị AI và tham gia quản trị AI toàn cầu để ngăn chặn và xử lý các thách thức do AI tạo ra. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh AI tại Seoul (5/2024): “Để theo kịp môi trường số thay đổi nhanh chóng do AI mang lại, tôi đã nhấn mạnh nhu cầu về các chuẩn mực số mới [...] Vì không gian số có tính kết nối cao và vượt ra ngoài biên giới quốc gia nên chúng ta cần nỗ lực thiết lập các chuẩn mực số ở cấp độ toàn cầu”[10]. Trong thời gian gần đây, vai trò của Hàn Quốc trong việc quản trị AI toàn cầu được thể hiện cụ thể ở những phương diện chính sau:
Thứ nhất, Hàn Quốc đã tích cực trong việc đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao trong lĩnh vực quản trị AI toàn cầu, thể hiện vai trò xúc tác của mình. Tại Diễn đàn Tầm nhìn số Paris tháng 6 năm 2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol đề xuất ý tưởng “Sáng kiến Paris” nhấn mạnh tầm quan trọng của thông qua thành lập một cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập các chuẩn mực mới cho AI để đảm bảo quyền tự do của con người và hướng tới xây dựng một trật tự số trên toàn cầu[11].
Thứ hai, trong vai trò điều phối, dẫn dắt, Hàn Quốc đã tích cực tham gia vào việc xây dựng chương trình nghị sự, xây dựng đồng thuận và làm cầu nối hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực quản trị AI. Năm 2021, Hàn Quốc giữ cương vị phó chủ tịch của Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tham gia thảo luận về hợp tác quốc tế nhằm thiết lập các chính sách toàn cầu có khả năng mang lại lợi ích công bằng và bao trùm từ các loại công nghệ số, trong đó bao gồm AI. Tháng 5/2024, Hàn Quốc đã cùng Anh tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh về AI tại Seoul với sự tham gia của cả Mỹ, Trung Quốc cũng như các cường quốc AI khác như Canada, Australia, Nhật Bản,... và cả các nước có trình độ AI còn hạn chế như Philippines, Rwanda. Hội nghị này đã đưa ra Tuyên bố chung nhằm khẳng định cam kết của các bên nhằm thúc đẩy sự đổi mới, an toàn và toàn diện trong quản trị AI[12], từ đó khẳng định vai trò tích cực của Hàn Quốc trong việc xây dựng đồng thuận toàn cầu về AI.
Thứ ba, với vai trò quản lý, Hàn Quốc đã nỗ lực xây dựng thể chế và các chuẩn mực chung nhằm quản trị AI toàn cầu. Theo đó, vào năm 2019, Hàn Quốc đã đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và soạn thảo bộ Nguyên tắc về AI của OECD. Năm 2020, Hàn Quốc trở thành một trong 15 thành viên sáng lập của sáng kiến Đối tác Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (GPAI) với sự tham gia của đại diện chính phủ các nước thành viên, tổ chức dân sự và doanh nghiệp cũng như giới học giả với nhiệm vụ phát triển và sử dụng AI lấy con người là trung tâm, phù hợp với các nguyên tắc như quyền con người, tính bao trùm, đa dạng, đổi mới và tăng trưởng kinh tế[13]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tham gia vào quá trình soạn thảo và phát triển “Đề xuất về Đạo đức của AI” do UNESCO đưa ra năm 2021.
Tuy nhiên, các sáng kiến nhằm quản trị AI toàn cầu của Hàn Quốc vẫn còn một số mặt hạn chế, cụ thể như: thứ nhất, các đề xuất về các nguyên tắc trong phát triển AI mà Hàn Quốc đóng góp chủ yếu dựa vào sự tự nguyện tuân thủ của các quốc gia mà chưa có cơ chế thực thi hiệu quả; do đó, các quốc gia có thể lợi dụng lỗ hổng để lảng tránh việc tuân thủ các chuẩn mực về AI; thứ hai, thực tế, ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực thúc đẩy các thể chế về AI, điều này có thể dẫn đến sự chồng chéo trong vai trò và nhiệm vụ của các thể chế khiến các quy định quản trị AI được ban hành thiếu đi tính thống nhất, qua đó giảm sự hiệu quả của việc quản trị AI. Dù vậy, vai trò của Hàn Quốc trong nền quản trị AI toàn cầu vẫn rất nổi bật và đáng kể.
Có thể thấy, Hàn Quốc đã phát huy vai trò của một cường quốc tầm trung hàng đầu trong quản trị AI toàn cầu. Tuy vẫn tồn tại một số hạn chế, song thông qua các sáng kiến, khả năng kết nối các đối tác trên phạm vi toàn cầu và vai trò dẫn dắt trong một số cơ chế hợp tác về quản trị AI quốc tế, Hàn Quốc đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo các nguyên tắc và giá trị mang tính nền tảng trong quá trình phát triển công nghệ AI, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác quản trị AI trên thế giới. Những nỗ lực này đã và đang giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế trên trường quốc tế, giúp xây dựng lòng tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản trị AI toàn cầu. Trường hợp của Hàn Quốc có thể được coi là một điển hình trong thực tiễn quốc tế về vai trò của cường quốc tầm trung trong quản trị AI toàn cầu mà các nước tầm trung khác có thể tham khảo./.
Hồ Thị Phương Anh, Vũ Hải Hoàng, Nguyễn Phúc Bình,
Phạm Tùng Kiên, Đinh Phương Nam
[1] Cole Stryker và Eda Kavlakoglu, “What is artificial intelligence (AI)?,” IBM, 2024, https://www.ibm.com/topics/artificial-intelligence.
[2] Maral Niazi, “Conceptualizing Global Governance of AI,” Centre for International Governance Innovation
https://www.cigionline.org/static/documents/DPH-paper-Niazi.pdf, tr.5.
[3] Sarah Teo, “Toward a differentiation-based framework for middle power behavior,” International Theory, 2022, tr.2.
[4] Jeffrey Robertson, “Middle-Power Definitions: Confusion Reigns Supreme,” Australian Journal of International Affairs (2017), tr. 366-367.
[5] Andrew F. Cooper, Richard A. Higgott, Kim Richard Nossel (1993), Relocating middle powers: Australia and Canada in a changing world order, UBC Press, Vancouver, tr.24.
[6] “GDP growth (annual %) - Korea, Rep.,” World Bank Open Data, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=KR.
[7]
[8] Serena Cesareo, Joseph White, “The Global AI Index”, Tortoise Media, 2023, https://www.tortoisemedia.com/intelligence/global-ai/#rankings.
[9] “Government AI Readiness Index 2023,” Oxford Insights, 2023, tr.32,
https://oxfordinsights.com/wp-content/uploads/2023/12/2023-Government-AI-Readiness-Index-1.pdf,
[10]
[11]
[12] Linh Tô, “Hàn Quốc-Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh AI về nguyên tắc quản trị toàn cầu,” Vietnam+, 2024,
[13]