Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - hình thức hiện tại của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời từ năm 1930, có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Qua 90 năm hình thành và phát triển, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện sứ mệnh của mình, trong đợt bão, lũ tại các tỉnh miền Trung hiện nay, vai trò của Mặt trận càng được thể hiện rõ nét thông qua nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hướng về đồng bào vùng bão, lũ. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã cố tình suy diễn, xuyên tạc nhằm hạ thấp, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong bão lũ, giá trị nhân văn của dân tộc được phát huy mạnh mẽ
Từ tháng 10 đến nay, bão lũ liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, sạt lỡ đất chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây ra thiệt hại, mất mát rất lớn về người và của với những con số đau lòng: 235 người chết và mất tích, hơn 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái, hơn 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng.
Trước sự hung hãn của bão lũ, cả hệ thống chính trị đã vào guồng hết tốc lực. Từ những chủ trương kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cho đến lời hiệu triệu trái tim vì miền Trung ruột thịt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vang xa khắp mọi miền Tổ quốc, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái, nhường áo sẻ cơm của dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xác định công tác cứu trợ là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất hàng năm khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra, từ đó sẵn sàng ứng phó và thực hiện kịp thời công tác cứu trợ tùy theo mức độ ảnh hưởng và gây thiệt hại, hoạn nạn đối với người dân. Ảnh: Internet.
Cả dân tộc hướng về miền Trung ruột thịt thông qua nhiều chương trình, hành động quyên góp, hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi, miền ngược những bếp lửa “bánh chưng, bánh tét” thắm tình dân tộc đượm lửa ngày đêm. Trên mọi nẻo đường Tổ quốc, kìn kịt, kìn kịt những chuyến xe nối đuôi nhau chở hàng cứu trợ hướng về người dân vùng bão, lũ.
Có lẽ trong những ngày tháng này, mỗi con dân nước Việt ai ai cũng muốn được gửi gắm tình cảm, được đóng góp công sức của mình để sẻ chia cùng đồng bào miền Trung ruột thịt - đó là giá trị, bản sắc văn hóa nhân văn của dân tộc thật trân quý, tự hào mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong khi người dân miền Trung đang gồng mình để chống chọi với bão, lũ, cả dân tộc đang hướng về miền Trung, sát cánh cùng miền Trung khắc phục hậu quả bão, lũ, thì các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại lợi dụng tình hình mưa lũ, tích cực, ráo riết đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ uy tín, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác.
Một số trang tin của các tổ chức khủng bố như “Việt Tân”, “Nhật ký yêu nước”, một số tài khoản facebook của một số phần tử cơ hội ra sức đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt vu cáo hệ thống chính trị Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ tại các tỉnh miền Trung, trong đó phủ nhận hoàn toàn vai trò, hoạt động hướng về miền Trung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ sự xuyên tạc, phủ nhận của một số đối tượng, các “nhà dân chủ” giả hiệu “tát nước theo mưa”lu loa rằng: cần giải tán các cơ quan làm công tác cứu trợ; chính quyền “rất thờ ơ” bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó nhất, thậm chí chính quyền còn “cản trở” hoạt động thiện nguyện của của nhân dân,v.v..
Mục đích của việc phủ nhận sạch trơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực chất là để quy chụp, tìm cách gây nghi ngờ, chia rẽ nghĩa đồng bào, chia rẽ dân với Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin, phủ nhận công lao to lớn của cả hệ thống chính trị.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là không thể phủ nhận
Việc kêu gọi, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn là nghĩa cữ cao đẹp, mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam mà chúng ta luôn tự hào, trân trọng, giữ gìn và phát huy. Trong cơn hoạn nạn, mỗi người đều có quyền chia sẻ, vận động thực hiện nghĩa tình đồng bào. Tuy nhiên, làm thế nào để tiền và hàng hoá cứu trợ được sử dụng thiết thực, ý nghĩa và công bằng? Điều này không thể thiếu sự vào cuộc và vai trò của hệ thống chính trị trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng, Mặt trận là tổ chức được Chính phủ bảo đảm các điều kiện để kêu gọi nguồn lực xã hội cho việc cứu trợ xã hội.
Ngay khi mưa, lũ miền Trung vừa xảy ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi vàquyết định phân bổ số tiền 20 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ người nghèo để cứu trợ khẩn cấp cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi, vận động quyên góp để giúp đỡ đồng bào vùng lũ.
Tính đến sáng ngày 5/11/2020, hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã tiếp nhận những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước với số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ lên tới trên 307,7 tỷ đồng. Và cũng chưa bao giờ, qua một buổi tối (của Chương trình vì người nghèo, tối 17/10, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức), số tiền quyên góp lên tới 2.400 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do bão, lũ. Ảnh: Internet
Số tiền quyên góp được trong đợt bão, lũ sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ cho cấp cơ sở để hỗ trợ khẩn cấp cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số còn lại để giúp người dân khắc phục hậu quả, tái thiết nhà cửa, sản xuất, trên cơ sở danh sách thống kê từ các địa phương tổng hợp. Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Việc phân bổ nguồn tiền hỗ trợ, quyên góp ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến người nghèo, đặc biệt là nhân dân đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện kịp thời nhất với tinh thần công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, thất thoát”. Nguyên tắc là nguồn lực vận động của đợt nào sẽ được phân bổ hết đợt đó, kết thúc mỗi đợt đều báo cáo các hoạt động cụ thể với Chính phủ.
Việc cá nhân đứng ra kêu gọi cộng đồng đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh hoạn nạn là việc làm tốt, đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu một cá nhân đứng ra làm thì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt với nguồn tiền lớn thì sức một người không thể quán xuyến hết được. Mặt khác, nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng, phương pháp không phù hợp, không có cái nhìn tổng thể… thì sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, thậm chí gây mất đoàn kết trong cộng đồng, làm tổn thương đến lòng tự trọng của người dân, gây phản ứng trong dư luận (điều này thực tế đã xảy ra). Hơn nữa, với số tiền vận động lên đến vài chục hoặc hàng trăm tỷ thì cho dù cá nhân đó minh bạch đến đâu, nhiều người cũng đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ giám sát sự minh bạch, công khai trong sử dụng nguồn lực đó? liệu số tiền đó có được sử dụng sử dụng cho đúng đối tượng, đúng mục đích không?... những sự thắc mắc này sẽ làm uy tín cá nhân và sự nỗ lực, thành tâm của người đó bị ảnh hưởng.
Từ thực tế chuyến công tác tới các vùng bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đánh giá: nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn địa bàn khó khăn thì hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng cho rằng, hàng cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối là chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan làm công tác cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, có như vậy mới đến đúng địa chỉ.
Hiện nay, theo quy định về cứu trợ quốc tế, có ba nguyên tắc cần tuân thủ: (1) Không phân biệt đối xử với những người ở những vùng xảy ra thảm họa. (2) Không tạo áp lực cho những người tại đó kể cả nạn nhân và chính quyền để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ chính, không bị áp lực thêm vì việc cứu trợ. (3) Giúp những gì cộng đồng địa phương đang cần thay vì những gì mình có. Để đảm bảo những nguyên tắc trên, rất cần có tổ chức chuyên nghiệp làm công tác cứu trợ, trên cơ sở điều phối của chính quyền, cơ quan chức năng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chuyên nghiệp có đầy đủ điều kiện, căn cứ pháp lý để thực hiện trọng trách đó mà không một cá nhân, tổ chức nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được.
Đào Tùng