Có lẽ trên thế giới, ít có nền văn học nào có sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến đời sống tâm hồn người Việt Nam như văn chương Nga. Có thể một phần do tình hữu nghị bền chặt đặc biệt giữa hai nước, một phần do vẻ đẹp của tính cách Nga, tâm hồn Nga vừa tuyệt vời, lấp lánh vừa gần gũi, thân quen với tâm hồn người Việt. Một phần nữa là vì sức sống, giá trị tự thân của những tác phẩm thơ văn Nga – được đánh giá là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật thế giới.
Một số sách văn học Nga. Ảnh: Internet
Nhiều kiệt tác văn thơ Nga chứa đựng tư tưởng tiến bộ và nhân văn của thời đại, những giá trị thẩm mỹ sâu sắc. Tình yêu đối với thiên nhiên tươi đẹp, lòng yêu nước nhiệt thành, khát vọng tự do, dân chủ, tinh thần nhân đạo cao cả, tư tưởng phê phán, tố cáo xã hội sâu sắc... được phản ánh trong những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết Nga rất gần gũi với tâm tư, tình cảm, nếp nghĩ, tư duy và tâm hồn người Việt, cũng như phù hợp với hoàn cảnh lịch sử bi hùng của dân tộc ta nên nó tác động trực tiếp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của nhân dân VIệt Nam qua nhiều thế hệ. Đã có những thế hệ lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích của Nga như Ông già Khốt- ta- bít của Lazar Lagin, Cánh buồm đỏ thắm của Aleksandr Grin, Người thầy đầu tiên, Giamilia truyện núi đồi và thảo nguyên, Cây phong non trùm khăn đỏ của Aitmatov, và nhiều truyện ngắn của Tchekhov…. “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như áng mây ngũ sắc ngủ trong đầu” – lời Bằng Việt viết về văn chương của Pautovski nhưng có lẽ đã nói hộ về sức sống của thơ văn Nga trong lòng người Việt.
Đặc biệt, khi nói về sức sống của văn chương Nga ở Việt Nam, phải nói đến dòng văn chương cách mạng. Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại chính là nguồn cảm hứng sôi nổi, bất tận cho nhiều nhà thơ, nhà văn Nga lúc bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên, thế kỉ 19 là thời kỳ rực rỡ nhất của văn học Nga Xô VIết. Nhờ mảnh đất hiện thực mầu mỡ của cuộc đấu tranh cách mạng và sự xuất hiện đúng lúc của các tài năng sáng chói, văn thơ Nga đã bắt kịp những thành tựu của văn học phương Tây và phát triển đến đỉnh cao. Nền văn chương cách mạng Nga gắn liền với những tên tuổi chói lọi như Puskin, Lermantop, Dostoievski, Turgenev, Tchekhov, Tolstoi, Ilia Erenbua… Đến với những tác phẩm kinh điển của văn chương cách mạng Nga, thế giới nhìn thấy cả nước Nga Xô Viết trong những năm tháng bi hùng: từ cuộc cách mạng lịch sử long trời lở đất đến thời kỳ xây dựng chính quyền non trẻ nhiều gian khó, từ cuộc sống của những gia đình nông dân ở nông thôn Nga lao động tiếp viện cho tiền tuyến đến cảnh chiến trường khói lửa nhiều mất mát hy sinh, từ những người mẹ người chị ở làng quê tảo tần mà nhiệt huyết đến những cán bộ chiến sĩ can trường vào sinh ra tử, từ những cô gái Nga xinh đẹp, yêu đời đến những chàng trai Xô Viết can đảm lạc quan...
Trong những thế hệ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng tiền bối của dân tộc như: Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh… được coi là những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với văn học Nga-Xô Viết. Tiếp đó là những thanh niên trí thức – nhà thơ nhà văn đi theo cách mạng như: Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hải Triều, Đặng Thai Mai… Từ những hạt nhân đó, văn học Xô Viết đã nảy mầm đơm hoa kết trái trong thơ văn Việt Nam. Việc tiếp nhận tinh hoa văn học Nga-Xô Viết ở Việt Nam là một quá trình liên tục, lâu dài và sâu sắc. Những năm 1936-1939, khi phong trào dân chủ lên cao, độc giả Việt Nam càng có điều kiện biết tới Liên Xô và văn học Xô viết, thông qua các tài liệu tiếng Pháp và tiếng Trung. Từ đó, văn học Xô viết bắt đầu sống cuộc sống của nó trong lòng người Việt. Khi miền Bắc được giải phóng, văn học Xô Viết ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Đặc biệt là từ sau Hiệp định hợp tác văn hóa Xô-Việt (1957), hàng loạt các tác phẩm văn học Nga, từ tác phẩm của tác giả thành danh đến những tác giả mới đều được dịch và giới thiệu. Tính chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ XIX cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô Viết in dấu khá đậm nét trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn nhà thơ Việt Nam lúc bấy giờ và đó là quá trình tiếp nhận tự nguyện, chủ yếu từ sự đồng điệu của trí tuệ và tâm hồn.
Và rồi, hết sức tự nhiên, những giá trị văn chương đẹp đẽ đã dần dần lan toả trong đời sống nhân dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo người đọc Việt lúc bấy giờ, từ những những nhà nghiên cứu, sinh viên, trí thức… cho đến nhà cách mạng, những độc giả là người lao động bình dân. Tư liệu lịch sử ghi lại rằng, khi ở trong nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cộng sản của Việt Nam đã viết Bài ca Cách mạng Tháng Mười (in trong số đặc biệt của tờ Lao tù tạp chí, ra ngày 7-11-1931), đồng chí Lê Duẩn đã kể cho các đồng chí trong tù nghe tác phẩm Người mẹ của M.Gorky.
Nhiều tác phẩm văn học cách mạng Nga đã tác động vô cùng lớn lao đến thế hệ thanh niên đang mò mẫm tìm đường thời kỳ ấy. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ Nga đã đồng hành cùng bao cán bộ, chiến sỹ, sinh viên, học sinh Việt Nam trong suốt cả một quá trình dài đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc như: “Người mẹ” (Macxim Gorơki), “Thép đã tôi thế đấy” (Nhicalai Oxtơrốpxki); “Đội cận vệ thanh niên” (Phađêép), "Một người chân chính” (Bôrít Pôlêvôi), “Mùa gặt” (Nicôlaivêva) , “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang” (Mikhaiin Sôlôkhốp), “Con đường đau khổ” (A. Tônxtôi),“Chiến tranh và hòa bình” (L.Tônxtôi), “Tarát bunba” (của Gôgôn), ”Cha và con” (của Tuốcghênép), bút ký "Thời gian ủng hộ chúng ta” (của Êrenbua), truyện ngắn “Bông hồng vàng” (của Pauxtốpxki); các tập thơ kiệt xuất như: Anh yêu em (Puskin), Đợi anh về (Simonov), Không đề, Mùa lá rụng (Olga Bergholz), Tổ quốc bắt đầu từ đâu (M. Matusovski) , Cuộc sống ơi, ta mến yêu người (K. Vansenkin) v.v…. Những tác phẩm ấy đã có mặt rất lâu trong các thư viện, tủ sách gia đình ở nước ta, đã được xếp cẩn thận trong ba lô của ngừoi chiến sĩ ra chiến trường. Mỗi người đọc Việt đều tìm thấy cho mình những tác phẩm, tác giả yêu thích và những nhân vật, tính cách Nga và dòng tư tưởng trong những tác phẩm ấy đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, lý tưởng và hành động của không ít người trong suốt hàng thế kỷ.
Xin dừng lại lâu hơn để nói về sức lan toả tuyệt vời của tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky trong lòng người Việt. Vào thế kỷ XX, đây là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Thông qua nhân vật Pavel Corsaghin, tác phẩm đã truyền cho thanh niên Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngọn lửa yêu nước và chất thép của tinh thần cách mạng. Câu nói bất hủ của nhân vật: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…” đã trở thành phương châm hành động, là lẽ sống, là niềm tin để bao người thanh niên Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy sống, chiến đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng một cách can trường, oanh liệt và sống một cuộc đời xứng đáng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các chiến sĩ Điện Bàn, Quảng Nam đã cùng nhau chép tay toàn bộ cuốn Thép đã tôi thế đấy. Có chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ cuốn sách quý giá này. Hay chuyện về đồng chí Phạm Hồng Sơn - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 lẫy lừng, trong lúc bị thương nguy kịch, nhờ đọc “Thép đã tôi thế đấy” mà có thêm nghị lực phi thường, làm nên việc lớn, bất chấp bệnh tật và số phận éo le của mình. Trong những năm tháng ấy, có biết bao người chiến sĩ như thế, để đất nước Việt Nam này đẹp mãi, sáng mãi niềm tin, hy vọng vào ngày mai. Chính tấm gương của Pavel và chính nhà văn Ostrovsky đã là động lực giúp cậu học trò giỏi Toán Nguyễn Ngọc Ký trở thành thầy giáo dạy Văn và thành nhà văn nổi tiếng rất đặc biệt: “Đang là học sinh giỏi Toán cấp quốc gia, một lần tôi đọc được Thép đã tôi thế đấy, càng đọc càng say mê và chính tác phẩm này cùng nhân vật Pavel đã khiến tôi gắn bó với văn chương”.
Nhiều trang nhật ký, nhiều dòng lưu bút, nhiều lá thư gửi người thân của các nữ thanh niên xung phong, những người lính, người cán bộ, chiến sỹ cách mạng Việt Nam đã ghi lại chân thực những tình cảm ngưỡng mộ lẽ sống cao đẹp này. Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết: “Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”. Anh đã trò chuyện cùng Pavel Corsaghin, nhắc đến chàng thanh niên cộng sản với lòng xấu hổ vì bản thân tự cảm thấy chưa phấn đấu hết mình cho sự nghiệp. Còn bác sĩ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, trong cuốn sổ ghi đời đặc biệt của mình đã ghi lại một cảnh tượng mà chị nhìn thấy nơi chiến trường khói lửa: “có những người lính như mình nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy. Trong cuốn nhật ký đó, có 3 lần chị nhắc đến nhân vật Pavel với câu nói nổi tiếng của anh như một lời động viên, an ủi, tiếp thêm tinh thần, nghị lực sống để kiên cường hơn, dũng cảm hơn bất chấp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trong chiến trường Đức Phổ khốc liệt.
Cho đến nay, sau bao ngày tháng, đổi thay, tình yêu văn chương Nga tuy không còn sôi nổi và hào hứng như những năm tháng chiến tranh nhưng vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của các tác phẩm ấy vẫn sống mãi, vẫn như dòng mạch ngầm âm thầm cuộn chảy trong tâm hồn người Việt không bao giờ vơi cạn. Và điều đáng nói hơn, những giá trị đẹp đẽ và lâu bền của văn thơ Nga đã neo đậu trong tâm hồn người Việt, không chỉ là động lực tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho con người trong thời kỳ chiến tranh gian khổ hiểm nguy mà còn góp phần xây dựng lối sống, nhân cách cao đẹp cho con người mới xã hội chủ nghĩa hôm nay, để họ sống đẹp, sống giàu lý tưởng, có trách nhiệm công dân, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước, đưa Việt Nam vững bước cùng toàn cầu. Yêu văn chương Nga, yêu tính cách Nga, yêu tâm hồn Nga, nhưng từ yêu thích, say mê, ngưỡng mộ mà noi gương và cống hiến – đó chính là hành trình văn thơ sống giữa cuộc đời, là minh chứng cho tầm ảnh hưởng và lan toả của giá trị cao đẹp. Đúng như câu thơ của người chiến sĩ ngân lên trong chiến hào đánh Mỹ năm xưa:
Để tôi mở Gorky từng dòng bão biển
Trái tim Danko thắp đuốc lửa dữ dằn
Chim báo bão bay trong từng trang sách
Gorky còn thức suốt mãi câu văn...
Quang Hoa