Nhất nguyên hay đa nguyên là quan điểm chính trị khác nhau của các giai tầng xã hội về thể chế chính trị của một quốc gia, dân tộc trong những điều kiện lịch sử nhất định.
Nhất nguyên là quan điểm khẳng định, thừa nhận một hệ tư tưởng, một đường lối của một đảng phái đại diện cho một giai cấp về thể chế chính trị. Cách tiếp cận này cho phép triển khai một hệ tư tưởng, sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của một đảng đối với các giai tầng khác và đối với xã hội. Thông qua nhà nước, đường lối của đảng đó được cụ thể hóa, thể hiện tập trung ý chí, quyền lực của giai cấp giữ vai trò lãnh đạo. Gắn liền với nhất nguyên chính trị là một đảng, một nhà nước giữ vai trò lãnh đạo, quản lý xã hội.
Đa nguyên là quan điểm thừa nhận nhiều hệ tư tưởng, nhiều đường lối của các giai tầng xã hội trong một thể chế chính trị. Theo đó, quan điểm này đề xuất, thừa nhận nhiều đảng phái tham gia lãnh đạo, nhà nước đó có sự phân chia, chia tách quyền lực theo quan điểm chính trị của các đảng phái trong xã hội.
Vậy, thực tế phát triển của chính trị từ lịch sử đến hiện tại, có tồn tại hay không quan điểm đa nguyên chính trị? Để hiểu được điều này, trước hết chúng ta phải phân tích thực chất về chính trị, về đảng phái, nhà nước.
Khi bàn về nhà nước và đảng phái chính trị, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, các đảng phái chính trị và nhà nước chỉ là sự thể hiện tập trung lập trường, ý chí của giai cấp thống trị về kinh tế. Chỉ có giai cấp nào có sức mạnh về kinh tế mới tổ chức ra được đảng phái và bộ máy nhà nước. Theo đó, nhà nước mang bản chất của giai cấp thống trị về kinh tế. Không có đảng phái, nhà nước nào không mang tính giai cấp. Do cơ sở kinh tế quy định nên những nhà nước nảy sinh từ chế độ tư hữu đều chỉ mang bản chất của một giai cấp mà thôi. Theo đó, trước khi nhà nước vô sản - nhà nước kiểu mới khác với các nhà nước trước đó ra đời, lịch sử đã tồn tại 3 kiểu nhà nước: nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản.
Về thực chất, từ khi chính trị xuất hiện, chưa có chính thể nào tồn tại sự đa nguyên về chính trị. Hình thức nhà nước đã liên tục thay đổi trong mỗi kiểu nhà nước, nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất nhà nước. Những chính thể trên thế giới hiện nay dù có đa đảng nhưng thực chất vẫn chỉ là nhất nguyên chính trị. Những đảng phái, phe nhóm được coi là đối lập trong mỗi chính thể ở các nước tư bản hiện nay cũng chỉ là sự đối lập về những sách lược ở những lĩnh vực cụ thể nhất định.
Một số các quốc gia còn tồn tại chính thể quân chủ lập hiến hay quân chủ đại nghị, về thực chất cũng không phải là đa nguyên chính trị. Quân chủ lập hiến là một hình thức tổ chức nhà nước giữ nguyên vai trò của vua hay quốc vương từ thời phong kiến nhưng vị quân vương không nắm thực quyền, mà quyền lực chủ yếu thuộc quốc hội do đảng phái chiếm đa số ghế lãnh đạo; đảng này cũng có quyền tự chấp chính, hoặc liên minh với đảng khác để thành lập Chính phủ. Thủ tướng thường là thuộc đảng chiếm đa số.
Trong chính thể quân chủ lập hiến, nhà vua hay nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia, nhưng về quyền lực thì chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống dòng tộc và sự thống nhất của quốc gia.
Dùng cơ sở kinh tế để luận giải sự ra đời và thực chất của chính trị, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng chính trị phản ánh kinh tế, là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, cốt lõi là chế độ sở hữu. Khảo cứu sự ra đời của nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến và nhà nước tư sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng chính chế độ tư hữu đã quy định bản chất nhà nước của một giai cấp và quy định tính nhất nguyên của chính trị.
Với các nhà nước mang bản chất của một giai cấp đã làm xuất hiện tình trạng bất công, áp bức bóc lột, tha hóa lao động, phân biệt đối xử... vì các giai tầng còn lại trong xã hội không có điều kiện thực hiện lợi ích của mình, không biểu đạt tư tưởng của mình vì họ không có sở hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Vì vậy, muốn xóa bỏ được tình trạng bất công, áp bức bóc lột, tha hóa lao động, phân biệt đối xử... thì không phải ở việc thay đổi một hình thức nhà nước, một điều luật hoặc giải quyết những lợi ích cụ thể mà phải đi đến xóa bỏ chế độ tư hữu.
Vì lẽ đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời trên cơ sở chế độ công hữu sẽ giải quyết được những hiện tượng xã hội phức tạp nảy sinh từ các chế độ xã hội trước đó. Quyền lực của nhà nước vô sản (sau là nhà nước xã hội chủ nghĩa) không thuộc về một giai cấp mà thuộc về toàn thể nhân dân. Nhà nước vô sản vẫn mang bản chất của giai cấp công nhân, nhưng giai cấp công nhân có sự thống nhất lợi ích cơ bản, có hệ tư tưởng phản ánh ý chí, nguyện vọng của các giai tầng trong xã hội. Sở dĩ nhà nước vô sản (nhà nước xã hội chủ nghĩa) vẫn mang bản chất của giai cấp vô sản (giai cấp công nhân) bởi vì giai cấp vô sản mang bản chất của giai cấp cách mạng, đại diện cho phương thức sản xuất mới, là giai cấp đại diện cho xu thế của tiến bộ xã hội.
Mặt khác, V.I.Lênin viết, chủ nghĩa xã hội là sự xoá bỏ giai cấp nhưng không thể xoá bỏ ngay một lúc được, các giai cấp vẫn sẽ tồn tại trong suốt thời đại chuyên chính vô sản. Bộ mặt của mỗi giai cấp và quan hệ qua lại giữa các giai cấp cũng thay đổi, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn chưa chấm dứt “nó chỉ diễn ra dưới những hình thức khác mà thôi”[1]. Tình hình đó phải có một giai cấp lãnh đạo xã hội.
Nhà nước vô sản (nhà nước xã hội chủ nghĩa) mang bản chất của giai cấp công nhân. Điều này không làm mất đi quyền lực của nhân dân như nhiều luận điệu xuyên tạc bôi nhọ nhà nước vô sản, cho rằng nhà nước vô sản không mất đi bản chất giai cấp và cũng chỉ nhằm khôi phục lại sự thống trị của giai cấp vô sản mà thôi.
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam còn cho rằng, theo lý luận mácxít, chính trị phản ánh kinh tế, phản ánh sở hữu nên nếu trước đây nền kinh tế của Việt Nam chỉ có kinh tế nhà nước, sở hữu nhà nước thì thực hiện nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo là phù hợp. Nhưng từ khi đổi mới nền kinh tế Việt Nam nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu thì tất yếu chính trị phải đa nguyên, đa đảng mới phù hợp với lý luận mácxít.
Cần nhận thấy rằng, đúng là chính trị phản ánh kinh tế, nhưng chính trị không phản ánh tất cả các phương diện kinh tế mà chỉ là biểu hiện tập trung của kinh tế, tức là phản ánh quan hệ kinh tế cơ bản, cốt lõi nhất là vấn đề sở hữu. Mặc dù ở Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu nhưngsở hữu toàn dân vẫn là loại hình chi phối các hình thức sở hữu khác. Tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội vẫn tập trung trong tay nhà nước - bộ máy đại diện cho nhân dân, quản lý, điều tiết. Do vậy, thực chất ở Việt Nam không có đa nguyên về kinh tế nên chính trị không thể đa nguyên.
Về mặt thực tiễn, nhiều quốc gia có chính thể đa đảng trên thế giới cũng không phải là nhân tố bảo đảm cho sự ổn định chính trị và giải quyết được mọi vấn đề kinh tế - xã hội. Các cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phong trào ly khai, chủ nghĩa dân túy... diễn ra suốt nhiều thập kỷ qua ở khắp nơi trên thế giới là minh chứng cho điều đó. Đương nhiên, mỗi thể chế chính trị sẽ có những ưu và nhược điểm của nó khi thực hiện chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Nhưng với vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đối với hạnh phúc của nhân dân trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ bản lĩnh, trí tuệ và tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản đối với thời đại.
Từ vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên có thể khẳng định rằng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thực hiện nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo là phù hợp với tất yếu kinh tế, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
[1]V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến Bộ, Matxcơva. 1977, tr. 318
Quang Đặng