Vai trò của môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đối với học viên, sinh viên
Trong tổng thể nội dung, chương trình đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo lý luận chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn học giữ vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp cho người học những những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Đặc biệt, môn học đã khẳng định những thành tựu quan trọng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua nội dung của môn học cho thấy, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Đảng, trên cơ sở đó Đảng hoạch định cương lĩnh, đường lối đúng đắn và hiện thực hóa thành công những mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Sau 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, Đại hội XII của Đảng (2016) nhấn mạnh: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Tinh thần này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng (2021) một lần nữa khẳng định lại.
Lễ ra mắt tủ sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” và Toạ đàm, giới thiệu bộ sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, ngày 3/2/2022. Ảnh: Internet.
Cùng với nội dung trên, môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam còn cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, qua đó phản bác lại luận điệu xuyên tạc cho rằng “Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không phải do sự lãnh đạo tài tình của Đảng” mà là “Sự ăn may” của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ; đồng thời, phản bác lại quan điểm xuyên tạc cho rằng: “Thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ở Việt Nam không phản ánh rõ vai trò của Đảng”; hay cho rằng “thực tiễn lịch sử Việt Nam thời kỳ 1954-1975 đã xảy ra cuộc “nội chiến”… Những luận điệu xuyên tạc trên không những phủ nhận thành quả cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn trực tiếp xuyên tạc, bóp méo nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tiễn đã minh chứng, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Mọi mục tiêu, lý tưởng của Đảng đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì nhân dân. Lịch sử hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định điều đó. Những kiến thức của môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trang bị, bồi đắp cho học viên, sinh viên những luận cứ khoa học chắc chắc để đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, qua đó góp phần bảo vệ nền tàng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những thành quả mà biết bao thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh mới giành được.
Vận dụng kiến thức môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, trọng tâm là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, với hệ thống kiến thức được trang bị, đặc biệt là kiến thức của môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi học viên, sinh viên cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, luôn nhận định, phân tích đúng tình hình để có những luận cứ khoa học chắc chắn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là yêu cầu quan trọng, bởi bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước tác động trực tiếp tới nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Chỉ có nhận định, phân tích đúng bối cảnh tình hình, vận dụng những kiến thức được trang bị về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới có đủ kiến thức, luận cứ khoa học phản bác lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vì nếu nhận định, đánh giá không đúng bối cảnh tình hình dễ rơi vào trạng thái “mơ hồ” và không đủ căn cứ khoa học để đánh giá khách quan mỗi sự việc, hiện tượng liên quan quá trình lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Hai là, thường xuyên nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình, “tự soi”, “tự sửa”, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên và học viên, sinh viên khi theo học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, môn học Lịch Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Đó vừa là hệ thống kiến thức sâu sắc, toàn diện, nhưng cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc để mỗi người học vận dụng trong học tập, công tác, đặc biệt là trong sinh hoạt Đảng. Vì chỉ có phê bình, tự phê bình, “tự soi”, “tự sửa” mỗi cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên mới nhận rõ được điểm mạnh cần phát huy, những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục; đồng thời, qua đó cũng nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để chống phá, hạ thấp vai trò lãnh đạo cũng như phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975. Ảnh: Internet.
Ba là, kết hợp tốt kiến thức giữa môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với các môn học khác để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nội dung mang tính nguyên tắc, vì trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, ngoài môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các học viên, sinh viên còn được học các môn học khác như: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh,… Mỗi môn học có nội dung, chương trình và lượng kiến thức truyền tải khác nhau, nhưng kết hợp tốt kiến thức giữa những môn học này giúp người học có được kiến thức tổng hợp, sâu sắc và toàn diện giúp để phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo của các thế thực thù địch.
Bốn là, vận dụng tốt kiến thức môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Nghị quyết xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Do đó, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như Nghị quyết xác định thì những kiến thức môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức quan trọng, cung cấp cho học viên, sinh viên những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng. Hơn nữa, những nội dung được xác định trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự đúc kết thực tiễn chặng đường hơn 90 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng và bổ sung những yêu cầu, nhiệm vụ mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tóm lại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ học viên, sinh viên. Với hệ thống kiến thức được trang bị, đặc biệt là kiến thức môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc để mỗi người học tiếp thu, vận dụng trong quá trình học tập, công tác cũng như trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra, để Việt Nam “đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[3].
Hoàng Thị Phương