Văn hóa, nghệ thuật không phải là cái đuôi của kinh tế hay là sự minh họa giản đơn cho đường lối chính trị, mà là yếu tố nội sinh, yếu tố bên trong, làm nên nguồn lực cho sự phát triển của kinh tế và chính trị. Đồng thời, khi khẳng định văn hóa, nghệ thuật phải gắn bó, phải ở trong kinh tế và chính trị cũng chính là phê phán quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” tách rời văn hóa, nghệ thuật khỏi kinh tế và chính trị của các thế lực thù địch hiện nay.
Văn hóa, nghệ thuật là mặt trận trọng yếu trong đấu tranh phản bác các thế lực thù địch. Ảnh: Internet
Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa, nghệ thuật đã khẳng định văn hóa là phương thức sản xuất tinh thần, phản ánh và chịu sự quy định của sản xuất vật chất. Ph.Ăngghen viết: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn học và nghệ thuật…đều xây dựng trên cơ sở phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động đến cơ sở kinh tế”[1]. Chính vì vậy, trong xã hội có giai cấp, văn hóa luôn mang tính chất giai cấp. Văn hóa, nghệ thuật chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Điều đó đã khẳng định: văn hóa, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, không thể tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Đó là quy luật.
Từ cách nhìn nhận biện chứng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định văn hóa, nghệ thuật “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, và ngược lại, kinh tế, chính trị, cũng nằm trong văn hóa. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết những vấn đề xã hội; nếu chỉ coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất thì chẳng những môi trường văn hóa – xã hội bị hủy hoại mà mục tiêu kinh tế cũng không đạt được. Văn hóa có nhiệm vụ góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, trở thành một động lực to lớn của sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội, sứ mệnh của văn hóa, nghệ thuật là phải làm sáng tỏ tình cảm đạo đức của con người, làm cho họ nhận thức được sức mạnh và quyền hạn của chính mình, sự tự do của bản thân và khơi dậy lòng dũng cảm, tình yêu đối với Tổ quốc để văn hóa thật sự “soi đường cho quốc dân đi”.
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững. Đảng lãnh đạo văn hóa, nghệ thuật thông qua công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát. Từ năm 1986 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhận thức của Đảng và nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, thể hiện rõ phương diện lý luận về xác định đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII); Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 23 NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X; Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI).v.v….Qua đó, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa từng bước đi vào chiều sâu, tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật là một thực tế đang diễn ra. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng văn hóa, nghệ thuật chân chính phải độc lập với chính trị, nhưng họ lại dùng chính văn hóa, nghệ thuật để làm công cụ tuyên truyền, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần định hướng và xa rời chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Việc nắm bắt phương thức, hình thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là hết sức quan trọng để từ đó, chúng ta có đối sách, phương pháp đấu tranh phù hợp, đạt hiệu quả cao. Phương thức, thủ đoạn dùng văn hóa, nghệ thuật để cổ súy cho những tư tưởng phản động, sai trái không chỉ diễn ra ở trong nước mà bằng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện ở nước ngoài, các thế lực thù địch đã mở nhiều chuyên trang về văn hóa, nghệ thuật gieo rắc những tư tưởng, quan điềm lầm lạc, gây ra những hệ lụy xấu trong nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống dân tộc, về lãnh tụ của đất nước.
Các thế lực thù địch đã thành lập các website, tổ chức nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt có giao diện mô phỏng theo kênh chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm trộn lẫn những thông tin đúng - sai, thật - giả, gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong dư luận; lập hàng nghìn blog, trang facebook, twitter, youtube, zalo,…để livestream, tung clip, đăng tải những nội dung xuyên tạc, bài xích; tổ chức các cuộc hội thảo, tòa đàm trực tuyến hoặc qua tiếp xúc các cá nhân trong nước nhằm gây kích động.
Cùng với việc công kích chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay, bóp méo lịch sử; tuyên truyền các sản phẩm văn hóa ngoại lai có tính chất xấu độc nhằm làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; phủ nhận tính giai cấp, tính đảng của văn hóa, nghệ thuật. Thâm độc hơn, các thế lực thù địch còn dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, đánh đòn tâm lý vào đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật về tổ chức, đào sâu “tự do, dân chủ” trong sáng tác. Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, đã có không ít văn nghệ sĩ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, đứng về chiến tuyến bên kia, chống lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Điều này cho thấy rõ biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Mục tiêu của các thế lực thù địch là tạo nên sự hỗn loạn về văn hóa, nghệ thuật, làm mất đi trụ cột nâng đỡ về tinh thần của dân tộc ta, làm rối ren hệ ý thức tư tưởng trong nội bộ Đảng, dẫn đến sự hỗn loạn về kinh tế, chính trị. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác, khẳng định vị trí, vai trò, sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, kiên trì vai trò chủ đạo về đời sống tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực phát triển văn hóa, nghệ thuật. Đây là một công việc khó khăn, vô cùng phức tạp và cũng là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Ngày nay, thế giới phát triển theo hướng đa cực, với hai xu hướng quan trọng là quốc tế hóa và khu vực hóa, thông qua các cơ chế hợp tác (và cạnh tranh) về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật đang là xu hướng lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam ta. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới là quán triệt đầy đủ trong nhận thức, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để thực hiện được điều ấy, trước hết cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo tinh thần của Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khẳng định vững chắc quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cần xây dựng mới hệ thống truyền thông xã hội "bút chiến" bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, phải tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm điều kiện làm việc để người tài chuyên tâm, nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực tìm kiếm, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.
Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, luôn toan tính xuyên tạc trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bằng những chiêu bài hết sức tinh vi, phức tạp, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò là nòng cốt tại cơ sở, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, đấu tranh mạnh mẽ với những tư tưởng, quan điểm sai trái đi ngược lại với đường lối văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Phương Hiền