“Vành đai diệt Mỹ” là sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khu 5 là nơi quân chiến đấu Mỹ đổ quân vào đầu tiên và xây dựng những căn cứ quân sự với nhiều sân bay, bến cảng, kho tàng, trụ sở Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam, cũng là nơi quân và dân miền Nam xây dựng những “vành đai diệt Mỹ” đầ tiên và tạo nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Vị trí chiến lược và truyền thống lịch sử
Khu V là địa bàn chiến lược, có diện tích hơn 97.000km2, chiếm 2/7 lãnh thổ quốc gia, gồm 2 vùng chủ yếu: Vùng rừng núi chiếm 2/3 diện tích, với nhiều điểm cao có thể khống chế miền Trung Việt Nam, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Dải đồng bằng hẹp chạy dọc theo bờ biển, dân cư đông đúc, với nhiều thành phố, thị xã, hải cảng… là nơi tập trung nhân lực và vật lực chủ yếu của Khu V. Khu V có bờ biển dài hơn 1.100 km xen kẽ nhiều cao điểm; ngoài khơi có các đảo Cù Lao Thu, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng nhiều đảo lớn nhỏ ven bờ. Đường sá khá phát triển, các tuyến quốc lộ 1, 14, 7, 21, 19, 18, 11….tạo ra sự liên thông từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, nối kết các địa phương trong khu vực.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Liên khu V bao gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến giáp Nam Bộ. Từ tháng 7 - 1961, Liên khu V được chia làm hai khu: Khu V và Khu VI. Từ giữa năm 1963 đến giữa năm 1966, Khu V bao gồm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Khánh Hoà1.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Khu V xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, xây dựng các làng xã chiến đấu, giữ vững vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú. Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, usn ước, quân và dân Khu V tiếp tục phát triển thế trận đó trên khắp 3 vùng chiến lược, góp phần đánh bại kế hoạch "tố cộng, diệt cộng" và chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".
Chiến trường ác liệt, gian khổ hy sinh
Thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", tháng 3/1965, Hoa Kỳ đưa quân vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Đồng thời với việc đổ quân và phương tiện chiến tranh vào miền Nam, Hoa Kỳ và một số nước đồng minh nhanh chóng chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược, xây dựng những căn cứ quân sự khổng lồ ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, Plâycu, Cam Ranh. Khu V đối mặt với những đơn vị quân xâm lược đầu tiên, đồng thời cũng là địa bàn tập trung tới 2/3 số quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, Hoa Kỳ nhanh chóng biến nơi đây thành căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai toàn miền Nam với hàng ngàn máy bay, xe, pháo, tàu chiến, hàng trăm căn cứ, đồn bốt. Từ đây, quân đội Hoa Kỳ trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh ở Vùng 1 chiến thuật - Bắc Trung Bộ, chỉ huy các lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc và Lào.
Sau 2 tháng đổ quân vào Đà Nẵng, quân đội Hoa Kỳ đánh chiếm huyện Nam Tam Kỳ (Quảng Nam) và Bắc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để xây dựng căn cứ liên hợp quân sự Chu Lai, nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, giữa Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật, ngăn chặn các hoạt động chia cắt chiến trường của ta. Tháng 9/1965, đại bộ phận Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 đổ vào An Khê (Gia Lai). Chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội Hoa Kỳ đã xây dựng 3 chốt lớn ở Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai.
Nhằm bảo đảm an toàn cho các căn cứ quân sự, quân đội Hoa Kỳ sử dụng khối lượng lớn bom đạn đánh phá ác liệt vùng xung quanh đồng thời phối hợp với quân đội Sài Gòn liên tục mở các cuộc hành quân càn quét khu vực bao quanh căn cứ. Chúng tiến hành chiến tranh tâm lý, tâng bốc sức mạnh quân lực Hoa Kỳ, lừa bịp, hù dọa làm lung lay ý chí và quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta.
Mục tiêu của địch là đẩy lực lượng của ta ra xa, tạo vành đai trắng, ngăn cách giữa vùng hoạt động của ta và các căn cứ quân sự của địch, từ đó dễ dàng phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tiến công của ta, bảo đảm an toàn cho hậu cứ của địch.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị về mọi mặt, nhưng khi quân đội Hoa Kỳ xuất hiện với lực lượng quá lớn, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và sự hùng hổ của một đội quân chưa từng nếm mùi bại trận…, một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỏ ra hoang mang, dao động; tư tưởng co thủ xuất hiện. Hành động tàn sát, khủng bố, triệt hạ kinh tế để bình định diễn ra vô cùng tàn khốc, phong trào cách mạng gặp những khó khăn mới. Đồng bào phải sơ tán, không đóng góp được cho kháng chiến. Công tác lãnh đạo đấu tranh có nhiều lúng túng.
Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều,
Đà Nẵng ngày 8/3/1965 (Ảnh Tạp chí Life)
Quyết tâm của Trung ương Đảng, của quân và dân Khu 5
Trước tình hình Hoa Kỳ và đồng minh đưa quân vào miền Nam, Hội nghị Trung ương 11 (đặc biệt) họp vào các ngày 25, 26, 27/3/1965 đã nhận định tình hình, đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Trên cơ sở nhận định cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ “đã được đẩy tới mức độ cao, bao gồm một số yếu tố của chiến tranh cục bộ; và chiến tranh đã vượt khỏi phạm vi miền Nam lan đến miền Bắc…”2, Hội nghị đề ra nhiệm vụ cơ bản cho quân và dân ta là “tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam… đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra”3. Đến Hội nghị Trung ương 12, Đảng chính thức hạ quyết tâm đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Khoảng thời gian giữa hai kỳ Hội nghị Trung ương 11 và 12, trên chiến trường Khu V, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân đã phát triển cao, quân và dân xung quanh các căn cứ quân sự của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh, tổ chức các làng xã chiến đấu thành các “Vành đai diệt Mỹ”.
Khi những đơn vị đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ vừa đổ quân vào Đà Nẵng, Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu V kịp thời phân tích, đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ về công tác tư tưởng và tổ chức, chủ động chuẩn bị đánh Mỹ. Đầu tháng 3/1965, Hội nghị cán bộ trung - cao cấp toàn Quân khu được tổ chức, thảo luận 2 vấn đề cơ bản: việc Hoa Kỳ đưa quân chiến đấu vào miền Nam là chủ động hay bị động? Ta có thể đánh và có thể thắng không? Và đánh thắng như thế nào? Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi, phân tích thực tiễn chiến trường, hơn 200 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nhất trí câu trả lời: Hoa Kỳ đưa quân vào trong thế bị động, ta có khả năng đánh thắng quân chiến đấu. Hội nghị chủ trương: “Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở những nơi có quân chiến đấu Mỹ, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ… phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn khu”4.
Cuối tháng 3/1965, Hội nghị du kích chiến tranh của Khu V bàn kế hoạch xây dựng, củng cố dân quân du kích, xây dựng làng xã chiến đấu, hình thành “vành đai diệt Mỹ” và phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ”5.
Tại Quảng Đà, Tỉnh ủy nhanh chóng cử cán bộ về bám cơ sở, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, phát động nhân dân xây dựng “vành đai diệt Mỹ”. Vấn đề mấu chốt trong xây dựng “vành đai” là tạo được thế trận vững chắc, bảo đảm cho các lực lượng bám trụ đánh địch liên tục ở vùng ven cũng như đánh sâu vào căn cứ địch, đồng thời giữ được thế hợp pháp cho quần chúng không để địch chia cắt thành hai vùng.
Tỉnh ủy chỉ đạo mở rộng vùng làm chủ, diệt “bình định”, ác ôn, tề điệp, làm trong sạch nội bộ nhân dân, bảo vệ các cơ sở cách mạng, tiến hành đấu tranh trực diện với binh lính quân đội Hoa Kỳ.
Công tác xây dựng, củng cố làng xã chiến đấu, xây dựng các tuyến chông, mìn được tiến hành khẩn trương, đồng thời với việc củng cố và tăng cường các đơn vị du kích, bộ đội địa phương. Lực lượng tự vệ mật được tổ chức ở các thôn xóm xung yếu, hình thành bộ máy chỉ đạo đánh địch trên vành đai và huy động lực lượng ở phía sau ra tiến công địch trên vành đai.
Sự lãnh đạo sâu sát cùng thực tế chiến đấu với quân Mỹ đã kịp thời giải quyết được tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, du kích và nhân dân quyết tâm bám địa phương, bám đánh giặc Mỹ, từ dám ở lại “xem Mỹ” đến đấu tranh có tổ chức từ nhỏ đến lớn, đánh Mỹ bằng mọi mưu mẹo, tận dụng mọi vũ khí thô sơ, cải tiến bom mìn của Mỹ để đánh Mỹ...
Một đội nữ du kích tại vành đai diệt Mỹ (Ảnh tư liệu)
“Vành đai diệt Mỹ”, sáng tạo trong thực hiện quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ
Thế trận “vành đai diệt Mỹ” bao quanh căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng hình thành. Địa bàn Hòa Vang trở thành tuyến chiến đấu chủ yếu6. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà được Khu ủy chỉ định kiêm Bí thư Ban cán sự Đà Nẵng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Đà Nẵng. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An nhanh chóng củng cố lực lượng, đề ra phương hướng, biện pháp đấu tranh với quân Mỹ, đưa du kích ra Hòa Vang - Đà Nẵng đánh Mỹ, rút kinh nghiệm.
Thế trận “vành đai diệt Mỹ” với hệ thống các xã thôn chiến đấu, có xã nằm bên ngoài, có xã nằm xen kẽ, có xã nằm sâu trong hệ thống cứ điểm hoặc nằm sát bờ rào, sân bay, sở chỉ huy của địch, bảo đảm cho lực lượng ta liên tục bao vây, tiến công địch từ bên trong ra ngoài bằng những trận nhỏ, hoặc bao vây tiến công cùng một lúc nhiều cứ điểm trên một diện rộng, tạo sức mạnh tổng hợp, bao vây tiến công địch ngay tại căn cứ của chúng.
Kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu của “vành đai diệt Mỹ” Hòa Vang - Đà Nẵng được quân, dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai nhanh chóng học tập, xây dựng các “Vành đai diệt Mỹ” Chu Lai, An Khê ngay khi quân Mỹ đang xây dựng căn cứ. Được sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân Khu V, tháng 5/1965, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy tỉnh đội Quảng Nam giao cho huyện Tam Kỳ xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” Chu Lai, mục tiêu hình thành một vành đai trên địa hình toàn huyện, có bề rộng, bề sâu, tổ chức thành nhiều tuyến, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Tháng 11/1965, Tỉnh ủy Gia Lai ra nghị quyết phát động quần chúng xây dựng “vành đai diệt Mỹ”, chỉ thị thành lập Ban chỉ huy, phân công các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng vành đai.
Trong thời gian Hoa Kỳ đổ quân vào Đà Nẵng (3/1965) đến cuối năm 1965, quân và dân các địa phương Khu V chủ động xây dựng “vành đai diệt Mỹ” ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Các làng xã chiến đấu, làng xã giải phóng được tổ chức lại thành thế trận liên hoàn, có một ban chỉ huy thống nhất. Hệ thống công sự, trận địa trên các làng, xã chiến đấu được bố trí thành nhiều tầng, nhiều tuyến liên kết chặt chẽ các làng, các xã, thậm chí các huyện với nhau7. Đây là những điều kiện đảm bảo vững chắc cho quân và dân các địa phương trụ bám bền bỉ, chủ động, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, đánh địch đạt hiệu quả.
“Vành đai diệt Mỹ” thực chất là hệ thống làng, xã chiến đấu được liên kết chặt chẽ với nhau về địa bàn và lực lượng chiến đấu8 bao quanh các căn cứ Mỹ, nhằm vây hãm, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng và phương tiện chiến tranh của chúng. Tùy tình hình thực tế, “vành đai diệt Mỹ” được tổ chức thành nhiều tầng, nhiều lớp. Ví như Vành đai Chu Lai được chia thành hai tuyến. Tuyến 1 của Vành đai Chu Lai gồm các xã Kỳ Liên, Kỳ Hà, Kỳ Xuân và một số thôn của Kỳ Khương. Lực lượng chủ yếu trên tuyến này là nhân dân, cán bộ, đảng viên hoạt động hợp pháp và các tổ công tác, tổ bắn tỉa hoạt động bí mật. Đây là tuyến trực tiếp tiếp xúc với hệ thống căn cứ quân sự Mỹ nên cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt.
Từ các hoạt động trên vành đai, đặc biệt là những trận đánh quân chiến đấu Mỹ đạt hiệu quả cao như ở Núi Thành (5/1965)9, Vạn Tường (8/1965) và xung quanh căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng… Khu V trở thành địa phương đi đầu trong việc tìm ra cách đánh và thắng Mỹ. Thắng lợi quân sự đã tạo đà, hỗ trợ mũi đấu tranh chính trị và binh địch vận mà lực lượng chủ yếu là các mẹ, các chị bám trụ trên quê hương. Tại các vành đai, ta đã vận động và tổ chức được hàng nghìn lượt người tham gia đấu tranh. Nhiều người dân đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, sát cánh bên nhau chặn đầu các đoàn xe, các toán quân Mỹ hoặc kéo lên sở lỵ đòi Mỹ - ngụy phải chấm dứt bắn phá, bồi thường thiệt hại về sinh mạng và của cải. Đặc biệt, để phục vụ cho đấu tranh chính trị và binh địch vận, nhiều truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích… bằng tiếng Anh, tiếng Triều Tiên được in ấn và phát tán đến tận các căn cứ, đồn bốt. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1965, Ban binh, địch vận Khu và Quân khu V đã phát tán 628.349 truyền đơn, 1.075 tranh ảnh, 198.690 khẩu hiệu; năm 1966 và đầu năm 1967, phát tán 1,4 triệu truyền đơn bằng tiếng Anh, tiếng Triều Tiên10.
Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, từ thế trận ấp xã chiến đấu đã phát triển, quân dân Khu V chủ động, sáng tạo tìm cách đánh Mỹ, xây dựng các “vành đai diệt Mỹ” đầu tiên trên chiến trường miền Nam, tiêu diệt quân chiến đấu Mỹ ngay tại các căn cứ quân sự. Thế trận “vành đai diệt Mỹ” làm đảo ngược ý đồ của Hoa Kỳ lập vành đai trắng xung quanh căn cứ để phân tuyến phân vùng. “Vành đai diệt Mỹ” hình thành và bao vây quân Mỹ, tạo thế trận xen kẽ sâu trong lòng địch. Sự kết hợp nhiều làng chiến đấu, nhiều hệ thống giao thông hào nổi và chìm xuyên qua nhiều làng xã, ruộng đồng; sự vận động linh hoạt của ba thứ quân cùng sự kết hợp đấu tranh của ba mũi quân sự, chính trị, binh vận làm cho quân Mỹ bị bao vây trong một “ma trận” không tìm được đường ra. Thực tế cuộc chiến đấu với quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường Khu V đã sáng tạo ra những cách đánh mà chưa có lý thuyết, sách vở nào đề cập. Những trận đánh đầu trên vành đai là thực tế báo hiệu khả năng đương đầu và đánh thắng quân đội Hoa Kỳ bằng chiến tranh nhân dân: phối hợp các hình thức, các lực lượng đấu tranh, các phương thức tác chiến… Thực tế đó đã là một trong những cơ sở quan trọng để Hội nghị Trung ương (12/1965) hạ quyết tâm, động viên cao độ sức mạnh cả nước giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam.
Nguyễn Trịnh
1. Từ giữa năm 1964, Mặt trận Tây Nguyên (B3) thành lập, phạm vi hoạt động gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Mặt trận Tây Nguyên- về Đảng, thuộc Đảng bộ Khu 5; về chỉ huy - đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tổng tư lệnh, có quan hệ hợp đồng với Bộ tư lệnh Quân khu V
2, 3 . Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, CTQG, H. 2003, T.26, tr. 104, 109
4. Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, T.II, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (thời kỳ 1954-1968) Bộ Tư lệnh Quân khu V, 1989, tr. 205
5. Tháng 5/1965, phong trào được thống nhất với tên gọi “Phong trào thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” do Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam phát động
6. Địa hình Đà Nẵng - Hòa Vang gắn chặt với nhau, Hòa Vang bao quanh thành phố Đà Nẵng ba mặt Nam, Bắc, Tây, phía Đông giáp biển, hình thành vành đai khép kín
7 . Xã chiến đấu Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Đà), ta đã xây dựng được 60 km rào các loại, 30 km giao thông hào, 5.200 hầm trú ẩn, 3.000 cọc chống xe cơ giới, hàng ngàn hầm chông, cạm bẫy và đào được 16 km địa đạo… Tại hệ thống làng xã chiến đấu ở hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), ngoài việc dựng được hàng chục km rào các loại, đào được hàng ngàn hầm trú ẩn và hầm chông, cạm bẫy ta còn đào được hơn 70 km địa đạo…
8. Lực lượng trên vành đai, ngoài dân quân du kích và bộ đội địa phương huyện còn có bộ đội tập trung của tỉnh; các đơn vị chuyên trách (đặc công, pháo cối, công binh của tỉnh và Quân khu)
9. Núi Thành trong Vành đai diệt Mỹ Chu Lai. Đại đội 2 tiểu đoàn 70 Quảng Nam thực hiện trận đầu tiên đánh phủ đầu quân Mỹ ở miền Nam, lúc 0h 30 phút ngày 26/5/1965, tiêu diệt được 1 đại đội Mỹ trong 30 phút, là bài học đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam, mở ra khả năng lực lượng vũ trang địa phương được huấn luyện tinh nhuệ có thể diệt đơn vị chiến đấu Mỹ. Ngày 18/8/1965, quân Mỹ dùng sức mạnh hải - lục - không quân với trên 8.000 quân, hàng trăm xe tăng, đại bác, trực thăng và phương tiện hiện đại tiến công khu vực Vạn Tường (một thôn nhỏ ven biển thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hòng “tìm diệt” chủ lực ta. Dựa vào làng, xã chiến đấu, lực lượng vũ trang ta đã đánh thắng cuộc hành quân lớn của Mỹ diệt hàng trăm tên. Chiến thắng Vạn Tường chứng minh quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh, hỏa lực và sức cơ động lớn
10. Thường vụ Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu V: Tổng kết công tác binh vận chiến trường khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), QĐND, H, 1999, tr. 114-115.