Trả lời:
1. Theo chủ nghĩa Mác-Lênin,“chủ nghĩa xã hội”là chế độ xã hội hướng đến sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người. “Chủ nghĩa xã hội” là danh từ chỉmột chế độ xã hội, một phong trào thực tiễn, còn “xã hội chủ nghĩa” là tính từ chỉ tính chất xã hội đó.
Cách mạng tháng mười Nga năm 1917 đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Tuy nhiên, những cơ sở đầu tiên của tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử, từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp, áp bức, bóc lột, bất công, thể hiện bằng những khát vọng, mong muốn được giải phóng của những giai cấp bị áp bức, bóc lột.
Từ hơn 2000 năm trước (thế kỷ III trước Công nguyên), những triết gia như Aghit, Clêômen đã đề cập những tư tưởng sơ khai về chủ nghĩa xã hội. Đến thế kỷ 17-18, một số nhà tư tưởng như T.Moro, G.Babớp, Xanhximông, Ph.Phurie, R.Owen, N.Đôbzôliubốp đã đưa ra những mô hình, hệ thống quan điểm ngày càng hoàn chỉnh, tiến bộ hơn về chủ nghĩa xã hội.
Những tư tưởng đó là tiền đề để C.Mác và Ph.Ăngghen khái quát thành hệ thống lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội. Và đến V.I.Lênin, lý luận đó là tiền đề cho sự ra đời chủ nghĩa xã hội hiện thực.
2. Chủ nghĩa xã hội ra đời là tất yếu lịch sử
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong thời kỳ rất dài của lịch sử trước khi có sự phân chia giai cấp, xã hội loài người không có áp bức, bóc lột, đấu tranh.
Tuy nhiên, từ khi xuất hiện giai cấp, nhà nước xuất hiện, chế độ người áp bức bóc lột người cũng xuất hiện và từ đó dẫn đến những cuộc đấu tranh phản kháng của những người nô lệ chống lại giai cấp chủ nô (từ khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ III sau Công nguyên).
Chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã, lịch sử loài người chuyển sang chế độ phong kiến (từ khoảng thế kỷ thứ III sau Công nguyên đến khoảng thế kỷ XVIII). Mặc dù có nhiều tiến bộ so với chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng tình trạng áp bức bóc lột không những không mất đi mà ngày càng sâu sắc, minh chứng bởi nhiều cuộc khởi nghĩa của nông nô chống lại chuyên chế phong kiến trải qua hàng ngàn năm lịch sử.
Cách mạng tư sản Hà Lan năm 1566 nổ ra là dấu hiệu cho sự xuất hiện của giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự xuất hiện của giai cấp tư sản trên vũ đài lịch sử với tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái là niềm hy vọng lớn của nhân loại trong sự nghiệp giải phóng con người.
Tuy nhiên, khi chế độ tư bản chủ nghĩa được xác lập, giai cấp tư sản với tư cách là giai cấp thống trị đã thể hiện mọi thủ đoạn của các giai cấp bóc lột đã có trong lịch sử dưới vỏ bọc và thủ đoạn tinh vi hơn nhằm áp bức, bóc lột, tước đoạt và nô dịch lao động của quần chúng nhân dân lao động. Người lao động không còn giới hạn nào là không bị bóc lột, dẫn đến sự tha hóa lao động trong xã hội tư bản.
Người công nhân mất đi niềm đam mê, sự sáng tạo, động lực lao động, họ không quan tâm đến hiệu quả sản xuất và sâu xa hơn nữa là, tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng về tài sản cũng như đào sâu thêm cái vực thẳm giữa lao động và tư bản.Nguyên nhân là do “người công nhân ngày càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới con người càng mất giá trị”[1].
Người công nhân không cảm thấy sung sướng mà lại cảm thấy khổ sởvì họ không phát huy được lao động tự do sáng tạo của mình trong lao động mà chỉ làm kiệt quệ thân thể mình. Trong xã hội tư bản, lao động của người công nhân không giúp họ khẳng định mình mà ngược lại.
Khả năng chinh phục tự nhiên làm giảm dần sự lệ thuộc của con người vào vật, song lại làm trầm trọng thêm sự lệ thuộc của người vào người, tạo nên quan hệ tha hóa ngay trong bản chất của loài - quan hệ tước đoạt và bị tước đoạt đối với kết quả của lao động.Đó làsự tha hóa của người công nhân khỏi giới tự nhiên, khỏi bản chất tộc loài của mình.
Do vậy, việc phủ định chế độ áp bức bóc lột trong chủ nghĩa tư bản nói riêng, xã hội loài người nói chung là tất yếu. Đó là quá trình phủ định biện chứng để xã hội loài người quay trở về điểm xuất phát ban đầu, nhưng ở trình độ cao hơn, theo mô hình: [xã hội cộng sản nguyên thuỷ (không có áp bức, bóc lột) - xã hội (chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản - xuất hiện áp bức, bóc lột, tha hóa - là sự phủ định xã hội không áp bức bóc lột) - xã hội cộng sản chủ nghĩa (không có áp bức, bóc lột - phủ định của phủ định)].
Khi nói về tính tất yếu ra đời chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”[2].
Triển vọng của chủ nghĩa xã hội không chỉ do chủ nghĩa xã hội hiện thực quy định mà còn do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản chuẩn bị những tiền đề trên nhiều mặt của xã hội hiện đại.
Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”[3].
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 42, Nxb. CTQG, H.,1995, tr.128.
[2]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb. CTQG, H.,1995, tr.51.
[3]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 42, Nxb. CTQG, H., 2000, tr.183.
Quang Đặng