Thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Đại hội XIII của Đảng (2021) đã vạch ra. Đó là kỷ nguyên làm giàu cho dân tộc, kỷ nguyên văn minh hiện đại, kỷ nguyên giàu có và thịnh vượng.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thể hiện tầm nhìn, nhận thức, tư duy lý luận, quan điểm mới, phương hướng, định hình chiến lược và quyết tâm chính trị trong thời gian tới của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta. Việc định vị “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” lúc này có thể xem như một thông điệp về một thời kỳ phát triển mới của nước ta trong những thập kỷ tới, nhấn mạnh quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, tạo ra bước ngoặt lịch sử mở ra một thời kỳ phát triển mới của quốc gia - dân tộc. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đòi hỏi tư duy mới tiếp tục tìm tòi, nhận thức, đột phá hơn; cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt để đạt mục tiêu nhanh hơn, sớm hơn bởi “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”[1].
Mục tiêu của Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế... và phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là yêu cầu và nhiệm vụ phát triển đất nước ở tầm cao mới trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là con đường “phát triển ngắn nhất” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới thịnh vượng.
Giải pháp để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Để Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú trọng đến các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đột phá về kết cấu hạ tầng gắn với chuyển đổi số, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo để hướng tới nền kinh tế tri thức là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Phát triển hạ tầng chiến lược (trọng điểm là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng năng lượng). Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi... Thúc đẩy mạnh mẽ mọi năng lực sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.
Hai là, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Truyền cảm hứng tích cực cảm hứng và dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt đến cho mọi lực lượng trong xã hội về tầm nhìn lãnh đạo, sự tự tin và tâm thế chủ động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước những nhiệm vụ, mục tiêu đầy thách thức mà Đảng đã đề ra. Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững là đột phá để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ba là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với hành trang quý giá là tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và văn hóa, con người Việt Nam; nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, đột phá mới đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
[1] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII), ngày 20/9/2024
Tuyết Mai