Những loài chim chủ yếu bay về phương nam vào mùa đông để tìm kiếm các nguồn thức ăn và địa điểm trú ngụ an toàn.
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, cứ đến mùa thu là người ta lại thấy từng đàn chim bay về phương nam chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt. Cảnh tượng này phổ biến đến nỗi bạn chẳng mấy khi để tâm nhưng thật ra đó là một hành trình rất đặc biệt với quãng đường lên tới hàng trăm ngàn dặm.
Dựa vào bản năng, hàng năm từng đàn chim di cư có thể hoàn thành một quãng đường đáng kinh ngạc. Nhưng tại sao chúng lại thực hiện hành trình này? Câu trả lời khá hiển nhiên là để thoát khỏi mùa đông băng giá, nhưng thật ra còn nhiều điều ẩn chứa sau đó.
Có thể sẽ khó tìm thấy những chú chim tại khu vực sinh sống của bạn vào mùa đông, nhưng không có nghĩa là mọi loài chim đều di cư vào thời gian này. Đây là đặc điểm chỉ xuất hiện ở một số loài nhất định và chúng được gọi là chim di trú.
Chỉ có khoảng 40% loài chim định kỳ bay về phương nam vào mùa đông. Tuy nhiên, câu chuyện di cư cũng khá phức tạp, một số loài thì di cư cục bộ, một số bay về phương nam, nhưng số khác thì ở lại.
Di cư theo mùa là loại di cư phổ biến nhất ở chim.
Di cư cũng không có nghĩa là phải bắt buộc bay về phương nam. Một số loài chọn di chuyển đến nơi có độ cao khác nhau, sống ở vùng cao vào mùa hè và bay đến những vùng thấp hơn vào mùa đông. Số khác thì thực hiện di cư một cách bất chợt, hàng loạt để tìm thức ăn. Hoặc có những loài di cư để thay lông, chúng chọn bay đến sống ở những nơi an toàn hơn, đợi cho lông mọc lại.
Tuy nhiên, di cư theo mùa là loại di cư phổ biến nhất ở chim. Và nó chẳng liên quan gì nhiều đến khí hậu lạnh cả.
Những loài chim thường rất giỏi sinh tồn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chúng có thể sống qua cái lạnh và gió rét của mùa đông, nhưng để tìm đủ thức ăn và các nguồn tài nguyên thì lại là câu chuyện khác. Những loài chim chủ yếu bay về phương nam vào mùa đông để tìm thức ăn và làm tổ.
Vào mùa đông, các nguồn thức ăn của chim dần biến mất. Các loại côn trùng hoặc nguồn thức ăn khác suy giảm vào thời gian này và rất khó để tìm thấy những vị trí làm tổ an toàn. Chúng bay về phương nam, đến những khu vực ấm áp hơn, nơi có nguồn thức ăn dồi dào cũng như dễ tìm kiếm nơi trú ẩn.
Một số loài chim không di cư xa nhưng đối với những loài đã chuẩn bị cho một quãng đường dài, thì hành trình này rất gian nan và cũng cực kỳ ấn tượng. Hàng ngàn năm tiến hoá dần hoàn thiện bản năng di cư ở chúng và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu yếu tố nào quyết định sự di trú này. Các yếu tố di truyền đóng một vai trò nhất định, nhưng dường như sự thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng mặt trời cũng giúp loài chim biết được khi nào nên di cư và địa điểm chúng phải đến.
Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được làm sao những loài chim có thể định hướng một cách chính xác như vậy. Những con chim non thường sẽ thực hiện chuyến đi đầu đời của chúng một mình và có thể quay trở lại chính xác nơi chúng sinh ra vào mùa xuân tới.
Các nhà khoa học tin rằng, một số loại giác quan của chim đã giúp chúng. Chẳng hạn, chim có thể cảm nhận được lực từ trường của trái đất, kèm theo khứu giác cũng góp phần giúp chúng định hướng bay.
Ngoài ra, di cư đường dài là một phần thiết yếu ảnh hưởng đến sự sống sót của loài chim. Các nghiên cứu cho thấy những loài chim có quảng đường di cư xa thường có tỷ lệ sống sót qua mùa đông cao hơn là so với những loài di cư ngắn hơn.
Một khi đã đến vùng có khí hậu ấm áp và nhiều thức ăn, tại sao những con chim không ở lại định cư luôn mà vẫn quay trở lại Bắc bán cầu vào mùa Hè, trong khi quá trình di chuyển qua lại này mất rất nhiều năng lượng và đối mặt với nhiều rủi ro?
Các nhà khoa học đã lý giải điều này, đó là mặc dù phía cực Nam có nguồn thức ăn dồi dào nhưng đây không phải là thiên đường. Mối đe dọa từ động vật ăn thịt ở đây lớn hơn nhiều so với môi trường sống ôn đới.
Điều đánh đổi của các loài chim nhiệt đới là chúng có thể mất tới 90% tổ của chúng vào tay kẻ săn mồi, so với tỷ lệ 50% và thấp hơn đối với các loài chim ở môi trường sống ôn đới.
Bên cạnh đó, chim di cư còn phải cạnh tranh trực tiếp với những loài bản địa. Chưa kể khí hậu ấm áp cũng là điều kiện lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng tồn tại, lan truyền.
Để tận dụng những điều kiện sống ưu việt ở cả hai phương, loài chim đã có một đối sách thực sự hoàn hảo.
Những loài chim di cư đã căn đúng vào mùa Xuân để trở về phương Bắc - lúc này là thời điểm bùng nổ nguồn thực phẩm với vô số các loại hạt, trái cây và côn trùng. Trong chuyến trở về này, chúng sẽ tận dụng nguồn tài nguyên để sinh sản.
Thêm vào đó, mùa Xuân và mùa Hè ở phương Bắc có ngày dài hơn đáng kể so với đêm, vì thế loài chim có thêm nhiều thời gian để kiếm mồi để nuôi đàn con khôn lớn.
Ngoài ra, khi trở về phương Bắc, những loài động vật săn mồi thiên địch của loài chim đều có sự sụt giảm đáng kể qua mùa Đông khắc nghiệt. Vì thế, chim di cư có thể tận hưởng mùa sinh sản an toàn.
Nguồn Khoa học