Vì sao hàng loạt bộ, ngành “có tiền không tiêu được”?
10:22 AM - 01/07/2023 10
Nửa đầu năm 2023, vẫn còn tới 6 bộ ngành và 13 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài. Trong đó, nguyên nhân của tình trạng “có tiền không tiêu được” vẫn là vướng thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng…
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện mới có 5/11 Bộ, ngành có giải ngân gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%), Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và đào tạo (5,26%).
Đáng chú ý, hiện nay 6 bộ, cơ quan Trung ương còn lại chưa có giải ngân là: Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội mới được phê duyệt điều kiện cho vay lại, ký hiệp định vay phụ và hợp đồng ủy quyền; các đơn vị còn lại gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với địa phương, năm 2023, có 50 địa phương trên cả nước được giao hơn 34.515 tỷ đồng vốn ODA. Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của địa phương trên cả nước khoảng 6,32%. Tuy nhiên, chỉ có 8/50 địa phương giải ngân đạt trên 15%, còn tới 13 địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, hầu hết vẫn là những nguyên nhân cũ: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng. Nhiều gói thầu chậm triển khai do việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, các vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối hoặc chấp thuận của nhà tài trợ…
Tại Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của địa phương này không quá thấp nhưng cũng chưa đạt được mức kỳ vọng. Bà Nguyễn Hồng Lê, Trưởng pòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cho biết, kế hoạch vốn được giao năm 2023 cho 5 dự án ODA của TP. Hà Nội là 3.371,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát là hơn 2.260,8 tỷ đồng; vốn ODA cho vay lại là hơn 1.110 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/6, TP.Hà Nội đã giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài hơn 940,813 tỷ đồng, tương đương 27,91%.
“Hiện nay, TP.Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân các dự án. Đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, những vướng mắc từ các năm trước như chậm giải phóng mặt bằng, 4/9 gói thầu đã dừng thi công do hết thời gian thực hiện hợp đồng và không thể giải ngân; vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị dẫn đến việc phê duyệt điều chỉnh thiết kế dự toán hạng mục của các gói thầu mất nhiều thời gian, kéo dài dẫn đến chậm trễ, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, bổ sung chi phí của các gói thầu”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội nêu thực tế.
Là một trong những đơn vị từ đầu năm đến nay chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào, đại diện Bộ Công Thương cho biết, những vướng mắc về thẩm định giá đã gây khó khăn cho việc triển khai các dự án từ năm 2022 và kéo dài đến năm 2023 vẫn chưa được giải quyết, do đó, đến thời điểm hiện tại giải ngân vốn nước ngoài năm 2023 của Bộ này vẫn bằng 0.
Đề nghị huỷ dự toán dự án vướng mắc kéo dài
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, đầu tư công là một trong những trụ cột để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng. Nhưng thời gian qua, tốc độ giải ngân vốn vẫn rất chậm. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị tại địa phương chưa tốt trong việc xác minh nguồn gốc đất, thẩm tra hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của hộ dân, phối hợp tham mưu UBND địa phương để xử lý các vướng mắc phát sinh… dẫn đến chậm trễ trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính
“Công tác tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa kịp thời. Đơn giá bồi thường đất đai chưa sát thực tế, khiến dự án chậm triển khai; giá cả vật liệu xây dựng “leo thang”; việc lập kế hoạch giải ngân của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chưa sát thực tế. Tình trạng “vốn chờ dự án”, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất rất nhiều thời gian”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, ông Trương Hùng Long cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất lớn, cần sự quyết tâm, quyết liệt, cần những giải pháp khả thi, sát thực tế. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân.
“Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn", lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đề xuất.
Nhà giáo là nhân tố quyết định đến sự nghiệp “trồng người”, nên Bác Hồ luôn nhắc nhở giáo viên thường xuyên rèn đức luyện tài, phải vừa hồng vừa chuyên mới hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang đó của mình.