Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách dày 927 trang, bao gồm các bài phát biểu, bài viết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuốn sách có sức cảm hóa, lan tỏa sâu rộng, định hướng sâu sắc, dẫn dắt hành động đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “văn hoá còn thì dân tộc còn”. Trong bối cảnh hiện nay, khi hội nhập quốc tế diễn ra rất nhộn nhịp và sôi động, việc xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Việc Tổng Bí thư cho ra đời cuốn sách về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có một ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Khi chúng ta biết được rằng, văn hóa có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững đất nước. Quá trình giao lưu và hội nhập thế giới đưa lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng đưa lại cả những thách thức đối với sự phát triển văn hóa nói riêng và sự phát triển chung của đất nước.
Chúng ta có thể thấy những lối sống, những phong cách hay những ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật nước ngoài đến với con người Việt Nam rất rõ. Hay sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cũng tương tự như thế. Nó chi phối con người rất nhiều. Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho không gian mạng, cho Facebook, Zalo, Tiktok…nó cũng làm cho chúng ta xao lãng rất nhiều những công việc trên thực tế. Chúng ta đã nói rất nhiều đến sự chi phối của văn hóa mạng, văn hóa số đối với tâm trí con người, đối với văn hóa xã hội. Hay là những vấn đề của nền kinh tế thị trường cũng tương tự như vậy. Chạy theo lợi nhuận một cách thái quá, lấy lợi ích cá nhân của mình làm trung tâm…
Tất cả những vấn đề đó có tác động đến văn hóa của xã hội. Khi văn hóa của chúng ta bị chi phối, những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một thì chúng ta rất cần những nhận thức đúng đắn, đầy đủ để từ đó củng cố giá trị văn hóa dân tộc. Và cuốn sách của Tổng Bí thư chính là một cuốn cẩm nang về tư tưởng, giúp cho chúng ta định hình được hướng đi, định hình được những hành động. Và đó là lý do tại sao mà cuốn sách của Tổng Bí thư rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
PV: Khi nhìn lại tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, chúng ta luôn phải đối mặt với các thế lực ngoại bang xâm lược và kẻ thù luôn tìm cách nô dịch, đồng hoá chúng ta, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc phải không thưa ông?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn là như vậy. Trong cuốn sách của Tổng Bí thư, hay là phát biểu của Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã nói, văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Sở dĩ chúng ta xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước được thì một phần rất quan trọng là nhờ những giá trị văn hóa đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.
Chúng ta thấy, những lời hịch yêu nước có từ sâu xa trong lịch sử của chúng ta, đến ngày hôm nay nó vẫn ở trong tim của mỗi người. Ví dụ như bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, hay bài Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, tất cả những câu thơ, những lời hịch đó đã thực sự truyền cảm hứng, tạo nên tình yêu nước, tinh thần đoàn kết giúp cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng mọi kẻ thù. Và nó là tài sản vô giá mà cha ông chúng ta đã để lại cho chúng ta.
PV: Vậy ông có cho rằng, văn hoá giữ nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành, vận hành và phát triển của nền văn hoá Việt Nam?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn đây là một nhận định đúng. Chúng ta biết là khi Bác Hồ dừng chân ở Đền Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ nói một câu mà đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn nhắc lại như là những câu nói truyền cảm hứng. Đó là “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Điều này thì chứng minh một chân lý là, tinh thần yêu nước nó luôn luôn chảy trong huyết quản, luôn luôn được giữ trong tim của mỗi người Việt Nam.
Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, mỗi khi đất nước phải đối mặt với các thế lực xâm lược, thì lúc đó tinh thần yêu nước lại sôi sục. Nó lại trở thành một lực lượng vô cùng mạnh mẽ, để từ đó thì chúng ta giành lại đất nước. Và tinh thần đó, ý chí đó chính là sức mạnh Việt Nam.
PV: Trong cuốn sách mới xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên một thực trạng đó là “Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”. Vậy theo ông, sẽ như thế nào nếu nền văn hoá dân tộc của chúng ta dần bị mai một, bị mất đi những giá trị truyền thống?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang phát triển văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa sâu sắc. Tất nhiên là có rất nhiều lợi ích, có nhiều thời cơ và cơ hội. Nhưng nó cũng khiến cho quá trình “đánh mất” bản sắc văn hóa dân tộc trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Và khi một dân tộc không có bản sắc, không định vị được những giá trị của mình trong quá trình toàn cầu hóa đó thì sự mai một của văn hóa là hiển hiện. Và như Tổng Bí thư đã nói: Văn hóa còn thì dân tộc còn.
Chính vì thế, khi chúng ta “đánh mất” những giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ trở thành một “bản sao mờ” của văn hóa dân tộc khác. Và trên thế giới nói chung, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta, không ai, không quốc gia nào mong muốn mình trở thành bản sao mờ của dân tộc khác.
PV: Để bảo vệ nền văn hoá dân tộc, chúng ta cũng không thể đóng cửa, thu mình, mà phải giao lưu, tiếp biến, tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Hiện nay, một số bạn trẻ đã biết làm mới những giá trị văn hóa truyền thống theo cách hiện đại. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta phải thấy văn hóa trong cách nhìn biện chứng luôn là một quá trình tiếp biến. Trong quá trình đó thì những cái gì hợp lý thì nó sẽ tồn tại, kết tinh, lắng đọng, trở thành những giá trị. Chính vì thế nên việc làm mới những giá trị văn hóa, sáng tạo những giá trị văn hóa mới là một xu thế không tránh khỏi của tất cả các nền văn hóa chứ không riêng gì Việt Nam chúng ta.
Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo thì có những thứ sáng tạo phù hợp và có những thứ sáng tạo nó không phù hợp. Và muốn có những thứ sáng tạo phù hợp thì phải dựa trên sự hiểu biết và tình yêu đối với văn hóa, đối với nghệ thuật. Chính vì thế, mà chúng ta thấy có khá nhiều những biến tấu, những sáng tạo của các bạn trẻ đối với các giá trị văn hóa truyền thống. Chúng ta ủng hộ những cái gì nó phù hợp và chúng ta không ủng hộ những cái gì nó không phù hợp.
PV: Ông có cho rằng, bảo vệ nền văn hoá dân tộc là một nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, ngang với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Ngay từ giai đoạn đầu, khi chúng ta chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề cập đến vai trò của văn hóa và văn hoá giữ một vị trí rất ưu tiên. Rồi từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 thì chúng ta cũng đã nhắc đến văn hóa như là một trong ba mặt trận. Chính vì thế nên là chúng ta luôn luôn đặt văn hóa ở một vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển của đất nước. Hay là chúng ta thấy trong hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 chẳng hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Và sau đó, trong quá trình lịch sử, chúng ta cũng nhiều lần nhắc lại vai trò đặc biệt quan trọng văn hóa.
Đến hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, chúng ta đặt ra chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để chúng ta ứng phó với quá trình toàn cầu hóa, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường khi có những mặt trái của nó. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thì chúng ta đặt vấn đề: xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Một lần nữa chúng ta nhấn mạnh việc đặt văn hóa ngang với kinh tế, chính trị, xã hội. Điều này cho thấy, chúng ta luôn luôn đặt văn hóa ở một vị trí ưu tiên, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng là hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước.
PV: Như vậy, thì bảo vệ các giá trị văn hóa là bảo vệ bản sắc dân tộc và cũng là nhiệm vụ quan trọng để chúng ta bảo vệ Tổ quốc, thưa ông?
PGSTS Bùi Hoài Sơn: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định là bảo vệ các giá trị văn hóa chính là bảo vệ bản sắc dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Và đây không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà là câu chuyện chung của thế giới. Chúng ta biết được rằng, Công ước năm 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu hiện đa dạng của văn hóa có nhấn mạnh một vấn đề là chúng ta cần phải bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa. Tức là mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều có chủ quyền văn hóa của mình.
Chúng ta phải có các biện pháp, có chính sách, có công cụ khác nhau để bảo vệ chủ quyền văn hóa. Muốn vậy, chúng ta cần phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, để trên cơ sở khai thác được tiềm năng văn hóa của dân tộc, những giá trị văn hóa của dân tộc. Làm như vậy, chúng ta không chỉ bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa mà còn khai thác được lợi thế từ những cái giá trị văn hóa đó, để phát triển bền vững đất nước. Và đó là những thông điệp rất quan trọng của văn hóa trong bối cảnh hiện nay
PV: Xin cảm ơn ông!
Trường Giang/VOV
(Thực hiện)