Đây là chia sẻ của ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam với VOV nhân dịp Tết đến Xuân về. Ngoài câu chuyện phát triển văn hóa, ông Choi Seung Jin cũng trò chuyện về các giá trị độc đáo trong Tết cổ truyền, văn hóa Hàn Quốc vốn được các bạn trẻ Việt Nam vô cùng yêu mến.
Việt - Hàn nhiều điểm tương đồng
PV: Thưa ông, đảm nhận nhiệm vụ tại Việt Nam được gần 1 năm, ấn tượng của ông về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam như thế nào?
Ông Choi Seung Jin: Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 3 năm ngoái, đến nay, tôi đã trải qua gần 1 năm trên cương vị mới. Tuy đây là lần đầu tiên sinh sống tại Việt Nam, nhưng tôi luôn cảm thấy vô cùng gần gũi. Có lẽ là bởi vì giữa hai nước chúng ta có rất nhiều nét tương đồng về văn hóa. Có thể kể đến quan niệm coi trọng gia đình, các nghi lễ nghi thức cưới hỏi, ma chay, thờ cúng, hay văn hóa ngày Tết.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc cùng có bề dày lịch sử lâu đời, qua đó, hình thành rất nhiều các di sản văn hóa xuất chúng. Tôi cũng đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người Việt Nam. Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cũng có nhiều nhân viên bản địa. Họ đều có năng lực làm việc xuất sắc, là những con người trung thực, chăm chỉ và luôn luôn cố gắng vì mục tiêu phát triển Trung tâm. Cũng chính những hình ảnh đó khiến cho ấn tượng của tôi về con người Việt Nam luôn luôn rất tốt đẹp.
PV: Ông đã đi du lịch Việt Nam nhiều chưa và có ấn tượng với một địa danh, thắng cảnh hay món ăn nào của Việt Nam hay không?
Ông Choi Seung Jin: Việt Nam là đất nước có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa đa dạng, vì vậy tôi đang cố gắng để có thể đi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và tự mình trải nghiệm các di sản văn hóa ấy. Cá nhân tôi yêu thích các vùng đất lịch sử, do đó, tôi có ấn tượng rất sâu sắc với các di sản văn hóa tại cố đô Huế ở miền Trung. Cũng tại đây, những thành phố du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như Đà Nẵng, Hội An có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam.
Các con tôi lại dành sự yêu thích đặc biệt cho Phú Quốc, bởi nơi đây có những bãi biển rộng lớn và cảnh quan tự nhiên vô cùng diễm lệ. Cá nhân tôi đã có chuyến đi du lịch một mình và có ấn tượng sâu sắc với vùng đất Sapa. Tại đó, tôi được trải nghiệm hoạt động du lịch trekking tìm hiểu về cuộc sống của những người dân tộc thiểu số, và tôi cảm nhận rằng Việt Nam đang bảo tồn rất tốt các giá trị văn hóa này.
Nói về ẩm thực, vì Trung tâm của chúng tôi nằm tại khu vực trung tâm của thủ đô Hà Nội, khá gần hồ Hoàn Kiếm, do đó tôi rất may mắn có điều kiện thưởng thức các món ăn Việt Nam rất ngon mỗi ngày. Tôi thấy rằng mỗi địa phương, vùng miền của Việt Nam lại có các món ăn đặc trưng. Ẩm thực Việt Nam rất phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc, và tôi cũng không ngoại lệ, tôi đã và đang có những trải nghiệm rất tuyệt vời với các món ăn ở đây.
PV: Đây chắc hẳn là cái Tết đầu tiên của ông tại Việt Nam, vậy ông có háo hức để chuẩn bị đón Tết cổ truyền - một nét văn hóa đặc trưng của chúng tôi? Và theo tìm hiểu của ông, đâu là những điểm giống và khác nhau giữa Tết truyền thống Việt Nam và Tết Hàn Quốc?
Ông Choi Seung Jin: Ở Hàn Quốc, chúng tôi chỉ có kỳ nghỉ Tết kéo dài từ 3 đến 4 ngày nên tôi càng mong chờ hơn kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần tại Việt Nam. Văn hóa Tết của Hàn Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là cùng mang ý nghĩa quan trọng rằng ngày Tết là ngày gia đình sum vầy, đoàn viên. Các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức các món ăn ngày Tết, trao cho nhau những lời chúc năm mới hạnh phúc, an khang. Cũng có điểm khác biệt trong văn hóa ẩm thực của hai nước.
Người Hàn Quốc có tục lệ ăn canh bánh gạo vào buổi sáng ngày đầu năm với quan niệm ăn 1 bát canh bánh gạo là thêm 1 tuổi mới. Ẩm thực Tết Hàn Quốc không chỉ có canh bánh gạo mà còn có các món ăn khác, như bánh jeon, miến trộn… Sau khi làm lễ thờ cúng tổ tiên, chúng tôi sẽ thực hiện nghi thức cúi lạy chúc mừng năm mới với trưởng bối trong gia đình. Tôi được biết ở Việt Nam cũng có văn hóa lì xì, đây lại là một điểm tương đồng nữa trong văn hóa Tết của 2 nước chúng ta.
Thúc đẩy giao lưu văn hóa
PV: Chúng ta đều biết rõ vai trò của văn hoá trong kết nối người dân các nước. Vậy các hoạt động của Trung tâm văn hoá Hàn Quốc nổi bật là gì để có thể thúc đẩy giao lưu văn hoá, kết nối người dân, đặc biệt giới trẻ hai nước?
Ông Choi Seung Jin: Việt Nam và Hàn Quốc đã trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã nâng mối quan hệ lên mức cao nhất. Tôi cho rằng cần phải mở rộng hơn nữa hoạt động giao lưu văn hóa trong tất cả các lĩnh vực giữa thanh niên hai nước để chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo. Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã và đang xúc tiến các hoạt động đa dạng để hiện thực hóa vai trò này. Có thể kể đến dự án nổi bật là Ngày hội văn hóa Hàn Quốc tại các địa phương của Việt Nam.
Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức các chương trình văn hóa Hàn Quốc quy mô lớn tại không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng mà còn ở cả các địa phương như Sapa, Hội An... Bên cạnh đó, trong số các sự kiện thường niên có chương trình hát và nhảy cover K-pop - K-pop Lovers Festival, được tổ chức với quy mô lớn tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Hay có thể kể đến các chương trình giao lưu, tìm hiểu về các loại hình văn hóa được các bạn trẻ yêu thích như game, truyện tranh (webtoon). Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức Tuần lễ game Hàn Quốc tại Đà Nẵng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các bạn sinh viên.
Chúng tôi cũng cho rằng các gia đình đa văn hóa Hàn Việt với vai trò là thế hệ tương lai của hai nước có vai trò rất quan trọng. Lãnh đạo hai nước đã có nhiều lần nói rằng chúng ta là những nước thông gia của nhau. Hiện nay, có khoảng 200 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc và khoảng 170 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thế hệ thứ 2 sinh ra trong các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt đó sẽ trở thành thế hệ tương lai giữ trọng trách tiếp nối một cách vững chắc mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cũng đang có nhiều các dự án lớp học K-pop, lớp học trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho đối tượng là các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn.
Một khía cạnh khác có thể kể đến đó là hiện nay, tiếng Hàn Quốc đang phát triển trở thành ngoại ngữ quan trọng tại Việt Nam, và người học tiếng Hàn là động lực quan trọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Nhận thức rõ điều này, Trung tâm đã, đang và sẽ mở rộng hơn nữa các dự án chiến lược dành cho người học tiếng Hàn tại Việt Nam như: Cuộc thi nói tiếng Hàn toàn quốc - Cúp Đại sứ Hàn Quốc, chương trình trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Hàn Quốc tại các trường học.
PV: Nhìn lại chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi năm ngoái, sự thân thiện và cởi mở của Tổng thống và Phu nhân - đặc biệt trong buổi giao lưu với các bạn sinh viên, liệu có phải là động lực để Hàn Quốc phát triển hơn nữa nền văn hóa hướng đến giới trẻ hay không?
Ông Choi Seung Jin: Tôi nghĩ rằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc có tác động rất lớn đến việc phát triển nền văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam hướng tới giới trẻ. Khi đến thăm Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống đã nhận được sự đón tiếp vô cùng nồng hậu và có thể cảm nhận được rất rõ ràng sự yêu mến của người dân Việt Nam dành cho Hàn Quốc. Có thể thấy sự coi trọng, quan tâm đặc biệt của Tổng thống đến thế hệ tương lai của hai nước qua việc lịch trình chính thức đầu tiên trong chuyến thăm khi đó là chương trình giao lưu với các bạn sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn. Bản thân chương trình đó cũng mang ý nghĩa nhấn mạnh vào thế hệ tương lai của hai nước, là một dịp vô cùng ý nghĩa khi có thể trực tiếp gặp mặt, trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam yêu mến đất nước Hàn Quốc.
PV: Riêng về du lịch, sau đại dịch, hai nước đang dần phục hồi những con số du khách ấn tượng. Đặc biệt năm 2023 vừa qua, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí số 1 về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Vậy phía Hàn Quốc đang và sẽ tạo thêm những điều kiện gì để thúc đẩy hơn nữa du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
Ông Choi Seung Jin: Du lịch là ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với cả Việt Nam và Hàn Quốc. Hai nước đã trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, nhưng may mắn là trong năm 2023, chúng ta đã đạt được sự hồi phục nhất định. Nhìn vào các con số thống kê có thể thấy, khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 420.000 người trong năm ngoái, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,6 triệu người, đây là mức hồi phục bằng khoảng 80% so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Tôi đang rất kỳ vọng trong năm 2024, hai nước chúng ta sẽ bình thường hóa lượng khách du lịch và thực hiện được nhiều hơn các hoạt động giao lưu nhân dân.
Đặc biệt, để tăng cường thu hút khách du lịch, Hàn Quốc đã lựa chọn năm 2024 là năm du lịch Hàn Quốc và đặt ra mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tôi được biết Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tôi nghĩ rằng, lý do khiến ngành du lịch có vai trò quan trọng là bởi thông qua du lịch, chúng ta có thể thực hiện các hoạt động giao lưu nhân dân, qua đó làm sâu sắc hơn sự thấu hiểu của người dân hai nước. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam rất đông, họ không chỉ dừng lại ghé thăm một nơi như Đà Nẵng… mà còn đến với rất nhiều các địa phương khác như TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc…
Ẩm thực Việt Nam cũng rất nổi tiếng với giới trẻ Hàn Quốc. Để thúc đẩy hoạt động du lịch giữa hai nước trong năm 2024, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam đang cố gắng từng ngày. Tôi hi vọng các nỗ lực mở rộng các chương trình du lịch, triển khai các gói du lịch đến các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc, tăng cường khai thác các chuyến bay… sẽ mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Bí quyết phát triển ngành công nghiệp văn hóa
PV: Thưa ông, thời gian qua, Hàn Quốc đã khẳng định thương hiệu một ngành công nghiệp giải trí hàng đầu khu vực và lan toả ra toàn cầu, đặc biệt là điện ảnh, âm nhạc với những BTS, Blackpink…. Ông đánh giá thế nào về các hướng đi của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực này và trong giai đoạn tới, Hàn Quốc có kế hoạch nào để đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá thành công như vậy?
Ông Choi Seung Jin: Ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc với trọng tâm là làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu là ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng. Các nội dung văn hóa Hàn Quốc như K-pop hay K-Drama đã thể hiện sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu song song với việc mang lại những giá trị về mặt kinh tế vô cùng to lớn. Kim ngạch xuất khẩu các ngành liên quan đến ngành công nghiệp nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt mức 13 tỉ USD, cao gấp 1,5 lần kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng điện gia dụng như tủ lạnh, tivi…vốn được biết đến là mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu truyền thống của Hàn Quốc. Qua đó có thể thấy, sức ảnh hưởng của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng được mở rộng hơn và đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng dẫn dắt nền kinh tế.
Tôi được biết Việt Nam cũng đã nhận thức đầy đủ về tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa và hiện đang triển khai các chính sách đa dạng để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong GDP đạt mức 7%. Đây quả thực là một định hướng rất đáng kỳ vọng. Tôi nhận thấy rằng Việt Nam cũng giống như Hàn Quốc, đang sở hữu rất nhiều các điều kiện thuận lợi có thể đảm bảo sự thành công của ngành công nghiệp văn hóa.
Đầu tiên, tôi cho rằng, việc có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Bởi từ bề dày lịch sử đó sẽ cho ra đời các câu chuyện đầy sáng tạo và các chất liệu nguồn, và chúng đều có thể trở thành nguồn lực cho ngành công nghiệp văn hóa. Thứ hai, Việt Nam sở hữu nguồn lực từ dân số trẻ và có nhịp độ phát triển rất năng động. Dân số trẻ là lực lượng rất thích hợp với quá trình phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, một ngành công nghiệp đầy sáng tạo. Cuối cùng là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực ICT. Xu hướng hiện nay là phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong sự kết hợp với khoa học kỹ thuật ICT, khoa học kỹ thuật số. Do đó, tôi cho rằng đây cũng chính là một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Tôi rất kỳ vọng vào những hỗ trợ tích cực về mặt chính sách sẽ phát huy tối đa các tiềm năng này, từ đó, xây dựng thành công nền công nghiệp văn hóa Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác cụ thể vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Căn cứ vào nội dung Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa Bộ VHTT&DL hai nước, các hoạt động hợp tác hai chiều về đào tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp văn hóa; trao đổi, viện trợ cơ sở vật chất; đồng sản xuất các tác phẩm… đã tích cực được triển khai và tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục được mở rộng, tăng cường hơn nữa trong tương lai.
PV: Theo ông, Việt Nam cần có thêm những kinh nghiệm nào cụ thể để có thể đẩy mạnh hơn nữa phát triển ngành công nghiệp văn hóa?
Ông Choi Seung Jin: Tôi muốn chia sẻ một số vấn đề về dài hạn mà chúng ta cần phải hoàn thiện, đó là vấn đề bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ bản quyền. Việc làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả để người sáng tác an tâm phát huy năng lực, cho ra đời các tác phẩm xuất sắc là rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan phụ trách về bản quyền trực thuộc Bộ VHTT&DL hai nước cũng đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác. Dự kiến trong tháng 3 tới đây, cơ quan bản quyền 2 nước sẽ đồng tổ chức diễn đàn về vấn đề bản quyền tại TP.HCM. Một nội dung nữa mà tôi cũng muốn đề cập đến, đó là việc bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trong ngành công nghiệp văn hóa. Để làm được điều này, cần tăng cường đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
PV: Phát triển văn hoá hợp xu hướng thị hiếu hiện đại nhưng vẫn bảo tồn những nét văn hoá truyền thống, để không mất đi những giá trị đặc trưng quốc gia mình. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là gì để đảm bảo cả hai yếu tố này thưa ông?
Ông Choi Seung Jin: Chúng ta đều biết văn hóa truyền thống rất quan trọng, được coi là nguồn cội, gốc rễ của quốc gia, dân tộc. Do đó, Chính phủ cần phải nỗ lực rất nhiều để bảo tồn có hiệu quả văn hóa truyền thống. Mặc dù so với văn hóa đại chúng, văn hóa truyền thống không hẳn tạo ra giá trị kinh tế ngay lập tức trên thị trường, tuy nhiên, tôi cho rằng thông qua những chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống của Nhà nước, văn hóa truyền thống và văn hóa đại chúng có thể hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Với Hàn Quốc, chúng tôi có các cơ quan trực thuộc Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa đã và đang tích cực hoạt động vì mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống. Có thể kể đến Viện Âm nhạc Gukak Quốc gia, Bảo tàng Dân gian Quốc gia, Bảo tàng Cố cung Quốc gia…
Gần đây, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều cuộc thử nghiệm sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống làm nguồn cảm hứng cho K-pop và văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Vài năm trước, thành viên Suga của nhóm BTS đã cho ra mắt công chúng tác phẩm Daechwita lấy cảm hứng từ loại hình âm nhạc cung đình cùng tên của Hàn Quốc. Ca khúc này cho thấy sự đón nhận tích cực từ công chúng yêu nhạc trên khắp thế giới. Thậm chí, video biểu diễn loại hình daechwita của Viện Âm nhạc Gukak Quốc gia cũng trở nên phổ biến. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần vai trò của Chính phủ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống và tạo điều kiện để văn hóa truyền thống kết hợp với văn hóa đại chúng, tạo ra hiệu quả tổng hợp, đưa sự phát triển lên đến tầm cao.
PV: Vậy hướng tới tương lai, theo ông, làm sao để có nhiều hơn nữa các biểu tượng trong mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc như HLV Park Hang Seo, các bộ phim hợp tác Việt-Hàn…?
Ông Choi Seung Jin: Tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong số những vấn đề khá quan trọng. Chúng ta cần tìm tòi nhiều hơn nữa các yếu tố nhận được sự quan tâm, đồng cảm của người dân hai nước. Ở khía cạnh này, ngoài HLV Park Hang Seo, hiện nay cũng có nhiều HLV, chuyên gia Hàn Quốc đang đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong các đội tuyển quốc gia Việt Nam và đóng góp vì mục tiêu thúc đẩy hoạt động giao lưu trong lĩnh vực thể thao giữa 2 nước. Có thể kể đến các bộ môn như bắn súng, taekwondo, bắn cung, bóng chày…
Không chỉ thể thao, mà trong tất cả các lĩnh vực như phim điện ảnh, phim truyền hình, văn học…nếu chúng ta đẩy mạnh được hoạt động giao lưu chuyên gia giữa hai nước, thì chắc chắn có thể tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các tác phẩm không chỉ có sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn trở thành biểu tượng cho quan hệ hai nước. Để làm được điều đó, tôi nghĩ rằng cần có sự chung tay hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu đến từ Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
PV: Cuối cùng, ông có gửi lời chúc Tết gì đến người dân Việt Nam và thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV?
Ông Choi Seung Jin: Kính chúc các Quý thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình sẽ có một năm Giáp Thìn 2024 thật nhiều sức khỏe và thuận lợi trong cuộc sống. Mong rằng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc cũng sẽ có một năm 2024 phát triển lên tầm cao mới. Xin trân trọng cảm ơn!