Sự kiện được tổ chức dưới sự phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Viện Nghiên cứu Khoa học Tổng hợp - Đại học Kyushu và Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản, với sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp và 200 đại biểu trực tuyến.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt.
Mục đích của hội thảo là nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; Tạo ra các cơ hội thực tập và lao động cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn điện tử. Đề xuất và triển khai các kế hoạch hợp tác dài hạn trong việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Chi Mai - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka cho biết, chất bán dẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp hiện đại, là nền tảng công nghệ cho các ngành sản xuất thiết yếu. “Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này là vô cùng ý nghĩa”, bà Mai nói.
Phía đối tác Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn, và xác định Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản để phục hưng và phát triển ngành công nghiệp không thể thiếu này trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, Tiến sỹ Tanimoto Jun - Phó Chủ tịch điều hành Đại học Kyushyu Nhật Bản nêu rõ, công nghiệp bán dẫn đang ngày càng trở nên quan trọng và mang tầm chiến lược. Hiện nay, Nhật Bản đang đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể đơn độc đạt được mục tiêu, và Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển công nghiệp bán dẫn.
“Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản trong công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, đang có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu về chất bán dẫn tại Đại học Kyushyu. Nguồn nhân lực này sẽ trở thành nòng cốt trong mạng lưới chất bán dẫn Nhật Bản - Việt Nam”, Tiến sỹ Tanimoto Jun tin tưởng.
Được biết, hiện nay khu vực Kyushu của Nhật Bản nói chung và tỉnh Fukuoka nói riêng, ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh với khoảng 1.000 công ty liên quan đến nhiều chuyên ngành của quá trình sản xuất chất bán dẫn. Đây sẽ là những đối tác quan trọng, góp phần đưa công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cất cánh trong tương lai.