Trụ sở Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Ngày 20/9, Đoàn Việt Nam do bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao, làm Trưởng đoàn đã tham dự và trình bày trước Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) về quan điểm của Việt Nam trong vụ việc xin ý kiến tư vấn của tòa về nghĩa vụ của các quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trình bày trước tòa, đại diện Việt Nam khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên biển, trong đó có bảo vệ môi trường biển. Do đó, Tòa án Quốc tế về Luật biển có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn về phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường biển.
Cũng như nhiều nước tham gia phát biểu, Việt Nam cho rằng phát thải khí nhà kính là hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển theo định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển của Công ước.
Các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết đối với cơ quan nhà nước, tập đoàn, doanh nghiệp dưới sự kiểm soát của mình nhằm giảm thiểu và kiểm soát phát thải khí nhà kính.
Đại diện Việt Nam phân tích rằng các nước hạn chế về nguồn lực, dễ tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu rất cần công nghệ xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các nước nghèo không thể tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến này nếu các tập đoàn, doanh nghiệp sở hữu các công nghệ đó tùy tiện đưa ra điều kiện và bán công nghệ theo giá thị trường.
Việt Nam cho rằng nghĩa vụ tận tâm thực hiện các biện pháp chống ô nhiễm môi trường biển do khí nhà kính đòi hỏi các nước phát triển thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn dưới sự kiểm soát của mình chuyển giao công nghệ xanh với điều kiện thuận lợi hơn cho các nước có nguồn lực hạn chế, dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, theo đó các quốc gia đã phát thải nguồn khí nhà kính lớn từ nhiều năm và có trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao hơn thì có trách nhiệm lớn hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển tham gia phiên trình bày trước tòa cũng có cùng quan điểm với Việt Nam.
Đáng chú ý, Sierra Leone nêu luận điểm các quốc gia có quyền thay đổi luật pháp theo hướng đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu và không thể bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện do sự thay đổi tích cực này.
Việc Việt Nam tham gia phiên trình bày trước ITLOS không chỉ thể hiện ưu tiên cao đối với vấn đề biến đổi khí hậu và nghĩa vụ của quốc gia trong vấn đề này, mà còn tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, ủng hộ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam từng tham gia các phiên tham luận trước Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ xin ý kiến tư vấn Tòa án quốc tế về việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập và vụ chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius trong quá trình phi thực dân hóa.
Tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia thành viên đầu tiên của nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu.
Thủ tục tại Tòa án Công lý Quốc tế hiện diễn ra song song với vụ việc tại Tòa án Quốc tế về Luật biển.
Tháng Sáu vừa qua, 34 quốc gia và 9 tổ chức quốc tế đã tham gia thủ tục đệ trình ý kiến bằng văn bản cho ITLOS, trong đó có 31 quốc gia và 4 tổ chức tham gia phiên trình bày tại chỗ.
Các phiên trình bày ý kiến quốc gia trước tòa về vụ xin ý kiến tư vấn liên quan đến biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 11/9 và dự kiến kết thúc vào ngày 25/9.
Đệ trình bằng văn bản và tham luận của Việt Nam và các quốc gia được đăng trên trang chủ của tòa (www.itlos.org)./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)