Chế biến cá tra cắt khúc đông lạnh. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trang ETF Trends (Mỹ) và hãng tin Sputnik (Nga) mới đây đều có bài viết đánh giá về tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn thế giới vẫn tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19.
Hãng tin Sputnik của Nga nhận định Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế. Tâm thế, vị thế của hàng hóa Việt Nam nhất là có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng được nâng cao.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và tăng gấp 25 lần so với năm 2010. Mức kỷ lục này trở thành “kỳ tích xuất khẩu” của nhóm sản phẩm này từ trước đến nay của Việt Nam.
Theo Sputnik, đi đầu tạo nên thành công này của Việt Nam chính là Tập đoàn Samsung. Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh sản xuất tại các nhà máy Samsung ở Việt Nam đang được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ lệ hàng hóa điện thoại “Made in Vietnam” ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu.
Samsung Việt Nam cho biết tập đoàn cũng gặp phải một số khó khăn khi trong năm vừa qua, các nhà máy và nhà cung ứng đặt tại các địa phương có sự bùng phát dịch COVID-19 mạnh mẽ và phải thực hiện một số biện pháp phòng dịch quyết liệt. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương nơi Samsung và các nhà cung cấp đặt nhà máy, nên những khó khăn này đã nhanh chóng được giải quyết để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.
Đặc biệt, Samsung cam kết không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.
Năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam vẫn đạt nhiều tín hiệu tích cực. Các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD được công bố ngay trong những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.
Ngoài “gã khổng lồ” Samsung, Nokia hay Intel, các tập đoàn lớn hay được ủy quyền như Foxconn, Pegatron (chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple), Wistron, LEGO đều đã công bố đẩy mạnh đầu tư vào hàng loạt dự án sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh điện thoại, báo chí và giới chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu lớn nhất của Nike. Hãng tin CNBC dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao hàng đầu thế giới Nike cho biết số sản phẩm mà Việt Nam sản xuất cho Nike trong năm 2021 chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng.
Qua từng giai đoạn, tỷ lệ xưởng sản xuất ở Việt Nam của Nike không ngừng tăng lên. Thống kê cho thấy năm 50% sản phẩm giày Nike được sản xuất tại Việt Nam và năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 51%. Cả đối thủ của Nike là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam.
Chia sẻ với truyền thông quốc tế, đại diện Tập đoàn Nike tại Việt Nam khẳng định rằng với chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh và độ phủ vaccine ngừa COVID-19 cao tại Việt Nam, Nike vẫn đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung ứng không còn bị đứt đoạn.
Theo phân tích của giới chuyên gia, đơn hàng của Việt Nam ngày càng tăng chủ yếu do nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh dù có tăng trong những năm qua.
Công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Bright Việt Nam, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Sputnik cũng cho hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam đang tạo môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, đa số doanh nghiệp FDI tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
Bên cạnh đó, những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI.
Cùng chung nhận định với Sputnik, trang ETF Trends của Mỹ ngày 8/2 đánh giá rằng các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể đem đến cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư và việc đầu tư vào thị trường mới nổi có thể mang những sắc thái riêng vì hiệu quả hoạt động ở mỗi quốc gia khác nhau tùy theo mức độ ổn định kinh tế.
Theo ETF Trends, đại dịch COVID-19 chắc chắn tác động nhiều đến các thị trường mới nổi vào năm 2020, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã làm giảm thiểu những tác động kinh tế của dịch bệnh. Và Việt Nam là một ví dụ điển hình nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của chính phủ.
Kinh tế Việt Nam được đánh giá ít bị tác động hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác, thể hiện qua việc GDP hằng năm không suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Một báo cáo mới đây của hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định lộ trình phục hồi của Việt Nam sẽ được tiếp thêm động lực vào năm 2022, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại và hoạt động xuất khẩu vẫn theo đà mạnh như hiện nay.
Việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng sẽ làm giảm nguy cơ các đợt bùng phát COVID-19 kéo lùi tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi nền kinh tế phục hồi.
Theo Fitch Ratings, ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam liên quan đến đại dịch dường như không quá nghiêm trọng nhờ chính phủ có động thái đẩy mạnh tiêm chủng./.
(Vietnam+)