Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (1930-2024), là dịp để chúng ta ghi nhớ những thành tựu của Đảng, công lao to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên luôn khắc ghi sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ cha ông, các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì Đảng, vì dân tộc, để hôm nay, chúng ta vinh dự là người đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng, càng cố gắng, nỗ lực, gương mẫu hơn nữa, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh
Cách đây 75 năm (1/1949-1/2024), tác giả Trần Thắng Lợi đã viết bài “Đảng ta” đăng trên Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 01/1949, ca ngợi công lao to lớn của Đảng và những đóng góp vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Đảng. Đồng thời khẳng định sứ mệnh của Đảng, trách nhiệm của đảng viên đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam.
Mở đầu bài viết, tác giả nêu lên xu thế của thời đại với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới với sự ra đời của các Đảng Cộng sản: “nước nào cũng có Đảng Cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn khắp thế giới. 20 triệu đảng viên cộng sản khắp các nước đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người lao động và dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình, cho một xã hội mới, cho chủ nghĩa cộng sản”[1].
Trong bối cảnh đó, sau khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Đông Dương là đồng chí Nguyễn Ái Quốc bắt đầu tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, chủ nghĩa cộng sản từ đó, vượt qua “lưới sắt” của chủ nghĩa đế quốc Pháp, được truyền bá vào Việt Nam.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu huấn luyện, rồi lại phái họ về nước tuyên truyền cách mạng. Đến mùa Xuân năm 1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc).
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son trọng đại, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng xác định mục tiêu chiến lược của cách Việt Nam là “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”[2].
Lễ kết nạp đảng viên ngay tại di tích lịch sử - kháng chiến (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã đáp ứng những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành chính quyền, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự kiện “Đảng ta chân chính thành lập”, được tác giả nhấn mạnh rằng: “Sự thống nhất làm cho đảngviên và quần chúng cả nước rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo”[3].
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là phong trào Xôviết - Nghệ Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, “lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách m ạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo”[4].
Tiếp đó, với cao trào cách mạng (1936-1939), Đảng đã tranh thủ những hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp để chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân. Trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 – 1945), Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương lần thứ Tám do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì (5/1941), chủ trương giương cao ngọn cờ chống đế quốc, xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc”[5].
Lễ trạo tặng Huy hiệu Đảng và kết nạp đảng viên, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh Báo Quảng Ninh điện tử)
Trên cơ sở đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc để đánh đuổi thực, phát xít. Đồng thời, Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng.
Khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 09/3/1945), độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12/3/1945).
Khi thời cơ cách mạng đến, Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”[6]. Đây không chỉ là sự biểu lộ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, mà còn là nhận định phản ánh sự chuẩn bị lực lượng và thời cơ cách mạng đã chín muồi. Tiếp đó, Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17- 8-1945, biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngay sau Đại hội, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[7].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương, trong khoảng nửa tháng, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo; chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát xít. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Nam Á và là Nhà nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Năm 1949, Đảng vừa tròn 19 tuổi, Đảng đã “kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay”[8].
Năm 2024, Đảng ta tròn 94 tuổi. “Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ đảng viên”[9]. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta, những người đã tuyên thệ dưới cờ Đảng, lá cờ thấm đượm “máu xương của các tiên liệt”[10] và của những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh, phải luôn nhận thức rằng: “Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản”[11]. Do đó, trong tư tưởng, hành động phải thấu triệt “bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy”[12] và chỉ có như vậy, dân tộc Việt Nam nhất định thành công.
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr 3.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.2, tr 2.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr 3.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 4.
[5]Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr 119.
[6]Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 2, tr.256.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 3, tr.554.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr 6.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 7.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 5.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 7.
[12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 7.