10 năm về trước, ông Lê Văn Quạt, thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, Hải Dương không thể hình dung được vùng đất chẳng có nổi một nghề truyền thống như xã Vĩnh Lập lại trở nên trù phú như hiện nay. Là một địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất rươi song con rươi Vĩnh Lập không thoát nổi “ao làng” bởi giao thông đi lại khó khăn.
Từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, cùng với cây cầu Quang Thanh nối Hải Phòng với khu Hà Đông của huyện Thanh Hà được xây dựng, mỗi mùa rươi, xe ô tô nối dài trên những con đê vào vùng rươi lấy hàng.
Theo ông Lê Văn Quạt, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được kiên cố hóa, giao thông đi lại thuận tiện đã mang đặc sản rươi của Vĩnh Lập đến các địa phương lân cận. Cũng vì vậy, ông là một trong những hộ hưởng ứng tích cực chủ trương hiến đất xây dựng đường xá khi chính quyền địa phương vận động.
“Đối với người dân Vĩnh Lập chúng tôi là xã kêu gọi làm đường lấn vào bao nhiêu là chúng tôi cũng hiến luôn, bất chấp là đường ra đồng, đường giao thông nông thôn, kể cả đất thổ cư, thổ canh cũng hiến cả. Của gia đình cách đây 3 năm cũng hiến cả ruộng khoảng 200m2” - ông Lê Văn Quạt chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Vĩnh Lập, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do thu nhập của người dân từ sản xuất nông nghiệp còn thấp nên việc huy động sức dân không phải là chuyện dễ dàng.
Kể từ khi mô hình sản xuất rươi được hình thành, dần dần người dân cũng nhận thức được ý nghĩa to lớn, việc xây dựng nông thôn mới là phục vụ lợi ích cho chính họ. Vì vậy, bà con đã tự nguyện tham gia đóng góp ngày công, hiến đất mở đường để cùng xây dựng nông thôn mới.
“Nông thôn mới thì cơ sở hạ tâng, đường giao thông nội đồng đã được nhân dân ủng hộ rất cao. Vừa kinh phí nhà nước hỗ trợ, vừa kinh phí cô bác bỏ ra để làm đường rất đẹp, nhân dân rất phấn khởi. Về phía HTX sẽ tham mưu cho địa phương mở rộng một số tuyến đường nội đồng, đường ra đồng, khơi thông dòng chảy và cải tạo một số tuyến kênh mương bị ách tắc từ trước” - ông Lê Văn Hòa nói.
Về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2017, đến nay, Vĩnh Lập đang tiến những bước vững chắc tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bước đi thành công của địa phương khi bắt tay xây dựng nông thôn mới chính là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch khi thực hiện bất cứ công trình nào, từ khâu dự toán, thi công đến quyết toán công trình.
Quá trình đó, người dân giám sát và cho ý kiến cụ thể để thực hiện các công trình mang lại lợi ích cho chính họ. Đến nay, tất cả đường xã, đường thôn xóm, đường nội đồng ở Vĩnh Lập đều được bê tông hóa bảo đảm xe cơ giới đi lại thuận tiện. Các trường mầm non, tiểu học và THCS của xã đều có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: “Trong xây dựng nông thôn mới thì đầu tiên phải có sự vào cuộc của các cấp và sự ủng hộ của người dân. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho người dân, để thay đổi bộ mặt và đời sống của người dân”.
Thành quả đó có dấu ấn của chính quyền cùng sự nỗ lực của toàn thể người dân đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn Vĩnh Lập nói riêng và nông thôn cả nước nói chung.